Đồng loạt khởi công các dự án giao thông tại TPHCM: Vẫn đối diện với ùn tắc
Theo thông tin từ Sở GTVT TPHCM, ngay từ đầu năm 2017 này, hàng chục các dự án xây dựng hạ tầng giao thông chống ùn tắc, kẹt xe sẽ được triển khai, khởi công. Với số tiền đầu tư lên đến gần 40.000 tỷ đồng, các dự án này được kỳ vọng sẽ hạn chế được tình trạng kẹt xe, ùn tắc. Tuy nhiên, việc đồng loạt xây dựng cầu, đường ở đô thị sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, trước mắt sẽ gia tăng ùn tắc.
Nạn kẹt xe tại TPHCM vẫn chưa có giải pháp giải quyết hữu hiệu.
Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM thì ngay từ đầu năm 2017 này, nhiều dự án giao thông sẽ được hoàn tất thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai. Cụ thể, sẽ có khoảng 80 dự án được khởi công, xây dựng. Trong đó, hầu hết các dự án không được thực hiện bởi hình thức BOT, nghĩa là sau hoàn thành người dân sẽ không mất phí khi sử dụng.
Đó là các dự án chống ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái hay nút giao thông An Sương, đường Võ Văn Kiệt… Trong số này, rất nhiều dự án có thời hạn hoàn thành dưới 1 năm, trong năm 2017 sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng ngay.
Tuy nhiên, một chuyên gia giao thông cho rằng các dự án này chưa phải là giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán ùn tắc, kẹt xe hiện nay. Theo đó, không khó để nhận ra các giải pháp xây dựng hạ tầng giao thông ở thành phố trong thời gian tới chỉ mang tính giải quyết hậu quả tạm thời.
Nghĩa là chạy theo những bất cập của giao thông đô thị. Nơi nào có kẹt xe, ùn tắc thì… xây dựng thêm. Vì thế, nhìn một cách tổng quát và lâu dài, đó chắc chắn không thể là giải pháp bền vững và ổn định cho một đô thị thông minh, rộng lớn và đang phát triển như vũ bão như TPHCM được.
Lấy ví dụ các dự án ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình), một điểm nóng về tình trạng kẹt xe thời gian gần đây. Với các dự án xây cầu vượt nút giao đường Trường Sơn-Hồng Hà (Q.Tân Bình) và cầu vượt ở nút giao Nguyễn Thái Sơn-Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp), lãnh đạo Sở GTVT kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc nghiêm trọng nơi đây. Bắt đầu khởi công ngay đầu năm 2017, dự kiến đến tháng 8 là 2 công trình này sẽ được đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, hiệu quả của các cây cầu vượt đã hoàn thành ở nhiều nút giao thời gian qua cho thấy nó không giải quyết được tình trạng ùn tắc. Nhiều cây cầu vượt giúp tránh ùn tắc tại điểm giao cắt đó nhưng lại tăng áp lực các phương tiện lên nút giao thông trước và sau nó. Khi mà số lượng phương tiện lưu thông vẫn như cũ thì điểm giao này không ùn tắc, số phương tiện ở điểm giao kế tiếp sẽ tăng lên.
Điều đó giải thích tại sao cầu vượt Hoàng Hoa Thám được xây dựng nhưng nhiều nút giao khác trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) vẫn ùn tắc, kẹt xe. Thêm nữa, công suất hiện nay của sân bay Tân Sơn Nhất khoảng gần 30 triệu lượt hành khách/năm và đang tăng rất nhanh. Khoảng năm 2017-2018, dự kiến sẽ có tới gần 40 triệu lượt hành khách di chuyển qua sân bay này nên chỉ với các cây cầu vượt ở cửa ngõ sân bay là chưa đủ.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ chú trọng vào việc đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông như cầu, đường… thì sẽ rất khó để giảm tình trạng ùn tắc giao thông, nếu không muốn nói là còn làm tăng thêm. Khi các tuyến đường, cây cầu được xây dựng sẽ góp phần thu hút thêm các khu dân cư, văn phòng, nhà cửa… và các phương tiện giao thông đổ dồn về khu vực đó.
Như ở khu vực cầu Cát Lái (Q.2), nơi cũng thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe. Nếu các dự án nút giao Mỹ Thủy, cầu Cát Lái ở đây được hoàn thành (khoảng 3-5 năm nữa) thì lượng xe cộ đổ về đây sẽ lớn hơn. Hàng trăm các xe container ở các cảng biển phía Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu sẽ đổ dồn về TP.HCM và ngược lại.
Vì thế số lượng phương tiện giao thông lúc đó sẽ lớn hơn rất nhiều so với hiện nay (chưa có cầu, di chuyển qua sông bằng phà). Điều này cũng gián tiếp gây áp lực trở lại với chính các hạ tầng giao thông đó. Kinh nghiệm của các đô thị lớn trên thế giới thì xây dựng thêm các dự án cầu, đường chưa bao giờ là giải pháp chống ùn tắc giao thông hiệu quả.
Trao đổi với chúng tôi, TS Phạm Sanh cho rằng việc đồng loạt xây dựng các dự án chống ùn tắc chỉ là phương án tạm thời, giải quyết ùn tắc trong khoảng thời gian ngắn hạn mà thôi. Về lâu dài, phát triển giao thông công cộng, hạn chế các xe cá nhân cũng như quy hoạch hợp lý các cao ốc, chung cư, công trình công cộng mới là phương án tối ưu để giảm ùn tắc, kẹt xe.
“Nếu chỉ chạy theo các điểm đen ùn tắc để giải quyết, tình trạng này sẽ không bao giờ chấm dứt vì không có điểm đen này, sẽ hình thành điểm đen ở nút giao kế tiếp. Vì thế phải đồng bộ hàng loạt giải pháp, từ ngắn hạn đến dài hạn mới mong xây dựng được nếp giao thông văn minh, hiện đại ở thành phố”- ông Sanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Sanh cũng cho rằng giao thông công cộng là phương án tối ưu để giải quyết ùn tắc, kẹt xe ở các đô thị. “Ngoài xe buýt, xe buýt nhanh và sắp tới là các tuyến metro, không phương án nào có thể giải quyết được ùn tắc, kẹt xe. Tuy nhiên, để người dân từ bỏ phương tiện cá nhân, chấp nhận di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng cũng là vấn đề nan giải. Nó đòi hỏi các phương tiện công cộng phải hoàn thiện nhanh chóng và nâng cao chất lượng phục vụ. Như ở TP HCM hiện nay, chất lượng phục vụ của xe buýt rất kém trong khi xe buýt nhanh và metro thì chưa biết đến khi nào mới hoàn thành, đưa vào sử dụng”- ông Sanh nói thêm.