Tổng thống Nga Vladimir Putin: Chính quyền Mỹ đương nhiệm có những vấn đề mang tính hệ thống

Hoàng Hải 04/01/2017 10:05

Ngày 23/12/2016 tại Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự cuộc họp báo kéo dài nhiều giờ liền, được truyền hình trực tiếp trên nhiều kênh. Xin giới thiệu trích đoạn nội dung cuộc họp báo này.

Nathan Hodge: Thưa Ngài Tổng thống! Tôi là Nathan Hodge, tôi phụ trách văn phòng Nhật báo phố Wal. Liệu năm tới có bầu cử trước thời hạn không ạ?

V. Putin:Ở nước nào cơ?
(Vỗ tay. Có tiếng cười trong khán phòng)

N. Hodge: Ở Liên bang Nga.

V. Putin: Tôi xin nói luôn là, có thể có nhưng không phải lẽ lắm.

N. Hodge: Xin cảm ơn.

Hôm qua ngài vừa nói về việc củng cố tiềm lực vũ khí hạt nhân chiến lược. Ngài có thể kể kỹ hơn về những kế hoạch này không?

V. Putin: Nhưng ông có thể nói ra câu hỏi của ông một cách chính xác hơn không? Cụ thể là những điều gì khiến ông quan tâm trong các phát biểu của tôi tại Bộ Quốc phòng?

N. Hodge: Cụ thể là tôi quan tâm tới việc sản xuất những dạng vũ khí hạt nhân mới. Chúng tôi tất nhiên cũng biết rằng, việc đó rất khó khăn nếu không có những cuộc thử nghiệm hạt nhân đang bị cấm hiện nay. Có lẽ đơn giản là ngài không thể có cách phản ứng nào khác hơn trước phát biểu ngày hôm qua của ông Trump về quan điểm của ông ấy trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân?

V. Putin: Về vị Tổng thống Hoa Kỳ mới đắc cử, ngài Donald Trump thì ở đây chẳng có gì mới mẻ cả, ông ấy trong quá trình vận động tranh cử đã nói về nhu cầu phải củng cố lực lượng vũ khí hạt nhân của Mỹ, về việc củng cố lực lượng vũ trang. Ở đây không có gì bất thường cả.

Nói thực, tôi lại bị hơi ngạc nhiên vì những phát ngôn của một số đại diện khác trong bộ máy điều hành đương nhiệm của nước Mỹ, không hiểu vì sao đó họ lại bắt đầu lớn tiếng chứng minh rằng các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ hùng mạnh nhất thế giới. Thì có ai tranh luận về việc này đâu.

Nếu ông lắng nghe chăm chú thì hôm qua tôi đã nói về việc củng cố bộ ba hạt nhân (không quân chiến lược, tên lửa đạn đạo liên châu lục và tầu ngầm hạt nhân mang tên lửa) và cuối cùng thì tôi nói về việc Liên bang Nga hiện nay mạnh hơn bất cứ - hãy chú ý nghe! - một kẻ xâm lược nào. Và không ngẫu nhiên tôi đã nói về điều đó.

Thế nào là kẻ xâm lược? Đó là kẻ có thể tấn công Liên bang Nga. Và chúng tôi mạnh hơn bất cứ một kẻ xâm lược tiềm năng nào. Bây giờ tôi vẫn có thể nhắc lại điều này.

Tôi sẽ nói là vì sao. Vì công cuộc hiện đại hóa các lực lượng vũ trang, vì lịch sử và địa lý của chúng tôi và vì tâm thế nội tại hiện nay của xã hội Nga. Có tới cả hàng loạt nguyên do. Và vai trò không phải là cuối cùng thuộc về việc hiện đại hóa các lực lượng vũ trang, cả ở những vũ khí thông thường lẫn cả bộ ba hạt nhân.

Tôi phải nói rằng, đó không phải là điều gì bí mật. Chúng tôi không hề giấu diếm điều này, thực sự chúng tôi đã làm được rất nhiều việc trong lĩnh vực hiện đại hóa tiềm năng tên lửa hạt nhân của LB Nga, của các lực lượng vũ trang. Việc này liên quan tới cả lực lượng tên lửa hạt nhân chiến lược cả lực lượng tên lửa hạt nhân chiến lược trên cạn lẫn trên biển. Đang đưa vào vận hành những tầu ngầm hạt nhân chiến lược mới với những loại tên lửa mới. Việc này liên quan tới cả lực lượng hàng không. Cả những máy bay mang tên lửa lẫn những hệ thống tấn công được mang trên máy bay. Chúng tôi hành động rất phù hợp – tôi xin nhấn mạnh điều này – với tất cả những thỏa thuận của chúng tôi, kể cả những thỏa thuận trong khuôn khổ hiệp ước Nga – Mỹ về tiếp tục cắt giảm và hạn chế các vũ khí tấn công chiến lược.

Tôi xin trở lại việc mà tôi coi rất là quan trọng. Năm 2001, Mỹ đã đơn phương ra khỏi Hiệp ước về phòng thủ tên lửa. Hiệp ước này hiển nhiên là hòn đá tảng của toàn bộ hệ thống an ninh quốc tế.Và khi đó người Mỹ đã nói với chúng tôi: “Chúng tôi làm việc này không phải để chống lại các ông, vậy mà các ông…” Và tôi đã đáp lại rằng: “Chúng tôi sẽ phản ứng lại bằng cách nào đó và sẽ hoàn thiện lại các hệ thống tấn công của chúng tôi để vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa”. Và người ta đã đáp lại chúng tôi: “Các ông muốn làm gì thì làm, chúng tôi xuất phát từ quan điểm là việc đó sẽ không chống lại chúng tôi”. Và chúng tôi đã làm việc đó. Điều đó nhiều người làm ra vẻ không nhận thấy, nhưng chuyện xảy ra đúng như chúng tôi đã thỏa thuận với nhau, không cần đao to búa lớn, không cần giấy tờ ký kết. Chả có gì mới xảy ra ở đây cả.

Tại sao những đại diện chính thức của chính quyền Mỹ đương nhiệm lại bỗng nhiên lớn tiếng tuyên bố rằng họ mạnh nhất, họ hùng hậu nhất? Đúng, thực sự thì họ có nhiều hơn cả tên lửa lẫn tầu ngầm, cả tầu sân bay nữa. Chúng tôi không bác bỏ điều này. Chúng tôi chỉ nói rằng, chúng tôi mạnh hơn bất cứ một kẻ xâm lược nào. Và thực sự đúng là như vậy…

Е. Primakov (kênh truyền hình Nước Nga 24):Thế giới đang trải qua sự biến đổi toàn cầu. Chúng ta đang chứng kiến cảnh bộc bạch tâm sự của những dân tộc bỏ phiếu chống lại những hệ thống quan điểm chính trị cũ, chống lại những tập hợp tinh hoa cũ. Nước Anh bỏ phiếu ủng hộ cho việc rời khỏi Liên minh châu Âu, của đáng tội, cũng chưa biết quá trình Brexit này sẽ kết thúc như thế nào. Nhiều người nói rằng, Trump thắng lợi là vì người ta bỏ phiếu chống lại những tập hợp tinh hoa cũ, chống lại những gương mặt mà họ đã quá chán ngán cũng vì lý do này.

Ông đã có thảo luận hay không cùng với các đồng nghiệp về những thay đổi đó? Thế giới toàn cầu mới sẽ như thế nào? Ông có nhớ, tại Đại hội đồng LHQ dịp kỷ niệm 70 năm, ông đã nói: “Quý vị có hiểu mình đã gây ra những sự gì không?” Chúng ta đang đi tới đâu? Hiện giờ thì chúng ta vẫn như trước đây tiếp tục ở trong tình trạng đối đầu. Trong tình trạng đấu khẩu như ông vừa nhắc tới, về việc quân đội của ai mạnh hơn. Trong buổi họp báo tạm biệt mới đây, đồng nghiệp của ông, Barack Obama đã nói rằng, 37% số người Cộng hòa có cảm tình với ông và Ronald Reagan nói chung là nếu biết thì cũng phải trở mình ngược lại trong quan tài.

V. Putin: Cái gì cơ?

Е. Primakov: Chuyện 37% số người Cộng hòa có cảm tình với ông ạ.

V. Putin: Thực thế ư?

Е. Primakov:Đúng vậy. Và nếu Ronald Reagan biết được việc đó thì ông ấy sẽ phải trở mình ngược lại trong quan tài. Cũng phải nói rằng, chúng tôi với tư cách cử tri rất vui vì nếu ông có được quyền năng lớn đến mức khiến Ronald Reagan phải trở mình ngược lại, vì chúng tôi thường rất hay phải nghe các bạn đồng nghiệp phương Tây nói rằng, thí dụ như chuyện ông có thể lũng đoạn thế giới đến mức tùy ý thích đưa ai lên làm Tổng thống cũng được, hoặc có thể thò tay vào bất cứ cuộc bầu cử ở đâu. Ông cảm thấy thế nào khi ngồi trong ghế của người có quyền lực nhất thế giới?

V. Putin: Tôi đã không chỉ một lần nói về chủ đề này. Nếu ông thấy là cần thì tôi lại nói thêm lần nữa. Chính quyền đương nhiệm và lãnh đạo đảng Dân chủ của Mỹ hiện muốn đổ lỗi cho các nhân tố bên ngoài về mọi thất bại của mình. Chính vì thế nên tôi mới có một số câu hỏi và một số suy nghĩ.

Chúng ta biết rằng, đảng Dân chủ đã không chỉ thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống mà còn thất bại cả ở Thượng viện, nơi những người Cộng hòa chiếm đa số, và cả ở Hạ viện, nơi những người Cộng hòa cũng chiếm đa số. Đó phải chăng cũng là việc chúng ta, việc mà tôi gây ra? Rồi việc chúng ta “ăn tiệc trên hoang đổ của các tháp nhà thờ thế kỷ XVII”? Chẳng lẽ cũng chúng ta đã làm cho tháp nhà thờ hoang đổ? Mọi sự không phải thế. Mọi sự cho thấy có những vấn đề mang tính hệ thống ở chính quyền Mỹ đương nhiệm….

Theo tôi, có khoảng cách nhất định giữa cách hình dung về tốt xấu ở những người tinh hoa và đám đông quần chúng, như chúng ta vẫn quen nói ở thời trước. Việc mà một phần đáng kể những cử tri của đảng Cộng hòa ủng hộ Tổng thống Nga thì tôi không coi là công lao của cá nhân mình. Quý vị có biết tôi nghĩ gì về chuyện này không? Tôi nghĩ rằng, điều đó có nghĩa là, một bộ phận đáng kể nhân dân Mỹ trùng quan điểm về việc thế giới cần phải như thế nào, về việc chúng ta cần phải làm gì, về những mối đe dọa và vấn đề chung. Thật tốt khi có những người có thiện cảm với những quan niệm của chúng ta về các giá trị truyền thống, vì đó là tiền đề tốt để thiết lập các mối quan hệ giữa hai siêu cường hùng mạnh như Nga và Mỹ, trên cơ sở thiện cảm của nhân dân hai nước dành cho nhau.

Hoàng Hải