'Cấm tặng quà Tết để chặn biến tướng chạy chức, chạy quyền'
"Không ai cấm việc đi chúc Tết theo phong tục tập quán, cấm ở đây là cấm việc lợi dụng vào văn hoá để biến tướng chạy chức, chạy quyền hoặc vì lợi ích khác. Người đứng đầu không tặng quà, nhận quà thì sẽ giải tỏa được cho cấp dưới".
Ông Phạm Trọng Đạt.
Ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã nói như vậy khi trao đổi với Tiền Phong xung quanh chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu lãnh đạo các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết và các cơ quan trong hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì.
Thông điện hợp lòng dân
Theo ông Đạt, năm nào Trung ương cũng có chỉ đạo về việc theo dõi, nắm bắt tình hình, báo cáo việc sử dụng tài sản công, tặng quà và nhận quà tặng không đúng quy định trong dịp Tết Nguyên đán. Nhưng năm nay, Thủ tướng đã có những chỉ đạo quyết liệt hơn, cụ thể hơn. Trong đó giao trách nhiệm cho các cấp uỷ Đảng và chính quyền thực hiện cho tốt hơn.
“Chỉ đạo của Thủ tướng mang thông điệp rất hợp lòng dân, đồng thời cũng là giải pháp thực hiện chính sách tiết kiệm, giải pháp phòng chống tham nhũng. Thực hiện tốt việc này cũng là thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, của Thủ tướng” – ông Đạt nói.
Cũng theo ông Đạt, việc cấm tặng quà, nhận quà cũng khiến cấp dưới thấy phấn khởi "bởi không có “lệ” ấy nữa. Bỏ cái “lệ” đấy đi thì đỡ mất thời gian, tiền của".
"Có những năm thấy cảnh xếp hàng, chầu trực để đến cơ quan này, cơ quan kia chúc tết bởi còn tồn tại tâm lý không đến thì không được, khó nghĩ, còn đến thì mất thời gian, mất công sức, mất tiền mất của. Vậy giải toả được cái “lệ” này sẽ khiến người ta phấn khởi, ủng hộ ngay.
Không ai cấm ngày Tết đi chúc Tết theo phong tục tập quán, cấm ở đây là cấm việc lợi dụng vào văn hoá để có những biến tướng, chạy chức chạy quyền, hoặc vì lợi ích khác. Chứ không ai cấm việc tặng quà nhau đúng quy định của pháp luật - giá trị quà tặng dưới 500 nghìn đồng” – ông Đạt nói.
Cần xử lý nghiêm quan chức vi phạm
Ông Phạm Trọng Đạt nói thêm, cơ chế giám sát thì chúng ta cũng có rất nhiều như: sự giám sát của Hội đồng nhân dân, mặt trận tổ quốc, của Đảng, của cấp chính quyền và sự giám sát của nhân dân.
“Nhưng xét cho cùng, muốn hiệu quả, một mặt người đứng đầu các cấp uỷ, chính quyền phải tổ chức thực hiện Chỉ đạo của Ban bí thư, của Thủ tướng cho nghiêm túc. Phải tuyên truyền rằng đừng tặng quà trái quy định, chức càng cao thì sẽ bị xử lý càng nặng đấy. Và không tặng quà sẽ không ảnh hưởng gì tới việc phấn đấu trong công việc của mình cả. Không phải suy nghĩ…Như vậy tính tự giác mới phát huy được. Rồi khi người không biếu xén quà cáp được cất nhắc, đề bạt do chính năng lực của họ thì khắc người ta theo ngay.
Đi đôi với việc tổ chức quyết liệt đó là sự nêu gương, gương mẫu của lãnh đạo. Càng cấp cao thì càng phải gương mẫu. Người đứng đầu vi phạm thì cần phải xử lý nghiêm. Tới đây khi sửa Luật phòng chống tham nhũng phải đưa vào vấn đề này, xử lý bằng pháp luật chứ bây giờ chỉ xử lý bằng hành chính, chưa có xử lý bằng luật pháp cả. Ở nhiều nước việc nhận quà ngoài quy định sẽ bị đưa vào tội hối lộ ngay nên quan chức sợ” – vị Cục trưởng nhấn mạnh.
Để triển khai hiểu quả công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong dịp Tết nguyên đán, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản số 3424 gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị thực hiện nghiêm túc các quy định nêu trên của Đảng và Thủ tướng Chính phủ, đồng thời yêu cầu nắm tình hình, báo cáo việc sử dụng tài sản công, tặng quà và nhận quà tặng không đúng quy định trong dịp Tết Đinh Dậu 2017. |