Trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân
“Mặt trận cần phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch” là một trong những chỉ đạo quan trọng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 6, với tư cách vừa là người lãnh đạo vừa là thành viên gương mẫu gửi gắm Mặt trận cần thấy hết trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân, để từ đó triển khai thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam tại Cần Thơ ngày 5/1 (Ảnh: Thành Trung)
Trong rất nhiều hội nghị của các ban ngành, ít có hội nghị nào lại có được không gian sống động mà ấm cúng như hội nghị của Mặt trận. Người miền ngược, miền xuôi, người ở nước ngoài, người lao động cho đến người làm kinh doanh, từ tầng lớp trí thức đến nhà nghiên cứu khoa học… ai cũng có thể bước vào mái nhà chung Mặt trận. Bởi thế, ngôi nhà ấy luôn ấm áp tình nghĩa đồng bào.
Lịch sử cho thấy, Mặt trận là người đại diện hết sức xứng đáng cho nhân dân, đại diện cho đồng bào. Chính vì vậy, Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII đã hiệp thương dân chủ cử ra các vị Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, trong đó có đầy đủ đại diện của các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, 54 dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài.
Cũng bởi thế khi phát biểu trong các kỳ họp của Mặt trận, từ Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ VIII cho đến Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chân tình cho rằng, những ý kiến ông nói tại đây không mang tính chỉ đạo mà chỉ là những điều muốn tâm tình chia sẻ với các cụ, các vị, các đồng chí trong Mặt trận để cùng mở lối, mong tìm được tiếng nói chung.
Sự khác biệt đến từ các tôn giáo, dân tộc, các giai cấp, tầng lớp nhân dân, các nhân sĩ trí thức cho đến người Việt Nam ở nước ngoài làm nên nét đặc trưng và duy nhất của Mặt trận. Vì thế trong Mặt trận luôn có sự khác biệt nhưng là tôn trọng sự khác biệt cùng với tiếng nói đồng thuận, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết.
Trong không gian đó, tinh thần đại đoàn kết ngày hôm nay đang có thêm những điều mới. Nếu như trước đây Mặt trận chủ yếu là nơi mời gọi lòng yêu nước, tập hợp toàn dân trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ thì hôm nay, “ngôi nhà chung” đó lại mời gọi bất kể những ai là con dân nước Việt, dù ở trong nước cũng như ở nước ngoài miễn có sự đồng thuận về một mục tiêu là một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nhưng không chỉ có vậy. Mặt trận đã và đang thực hiện ngày càng mạnh mẽ hơn vai trò giám sát, phản biện xã hội, có thêm địa vị pháp lý mới- một công cụ hữu hiệu để đảm đương tốt hơn vai trò là người đại diện cho quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân từ đó làm tốt hơn vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Chính vì vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, trong thành tựu chung của đất nước, có sự đóng góp to lớn của MTTQ Việt Nam. Người đứng đầu Đảng Cộng Sản Việt Nam cho rằng, thực tiễn đã cho phép chúng ta rút ra một bài học sâu sắc mang tính quy luật: Bất cứ công việc gì, dù lớn hay nhỏ, muốn thực hiện thành công, nhất thiết phải có sự đoàn kết, có sự đồng tâm hiệp lực, nội bộ nhất trí, xã hội đồng thuận; cách mạng muốn tiến lên càng phải xây dựng được khối đại đoàn kết vững chắc.
Lúc này, chúng ta tiến hành đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, song cũng có không ít khó khăn, thách thức, lại có sự chống phá quyết liệt dưới nhiều hình thức của các thế lực thù địch. Vì vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta càng phải tăng cường sự đồng tâm, đoàn kết, nhất trí, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc hướng vào mục tiêu chung theo tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần này diễn ra vào thời điểm hết sức quan trọng, đó là sau một năm Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; sau hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII MTTQ Việt Nam; sau 3 năm MTTQ Việt Nam thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quy định MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (theo Quyết định 217và 218 năm 2013 của Bộ Chính trị).
Đặc biệt, Hội nghị diễn ra trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Chính vì vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Mặt trận tại Hội nghị này có nội dung thảo luận Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đồng thời đề nghị, mỗi cán bộ, công chức, viên chức; đảng viên, đoàn viên, hội viên và các đơn vị thuộc cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và cơ quan các tổ chức thành viên phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết đối với sự tồn vong của Đảng, của dân tộc.
“Mặt trận cần phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch. Mặt trận phải là nơi để người dân có thể phản ảnh, tố giác tội phạm, tham nhũng, tố giác những người có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Đáp từ ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cam kết Mặt trận sẽ tiếp tục quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 4 khóa XII.
Đổi mới toàn diện hơn, quyết liệt hơn nữa nội dung phương thức hoạt động chính là mục tiêu mà người đứng đầu MTTQ Việt Nam quyết tâm đặt ra để đáp ứng đòi hỏi về vị trí của Mặt trận trong hệ thống chính trị của đất nước ở giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, một mình Mặt trận không thể làm được khi một số nơi cấp uỷ, cán bộ, đảng viên cũng còn chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò của Mặt trận, chưa quan tâm đúng mức đối với công tác Mặt trận.
Khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo, đồng thời là thành viên quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, từ Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 6, Tổng Bí thứ Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị các cấp uỷ đảng, chính quyền tăng cường quan tâm chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Mặt trận; bảo đảm các điều kiện cơ bản, cần thiết để Mặt trận triển khai thực hiện các nhiệm vụ.
Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam cũng chân tình bày tỏ mong muốn nhận được nhiều hơn những ý kiến đề xuất, góp ý xuất phát từ nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để Đảng tiếp thu và hoàn thiện chủ trương, đường lối lãnh đạo của mình.