Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời ông Donald Trump thăm Việt Nam
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: Ngày 4/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Tổng thống đắc cử Donald Trump. Trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chuyển lời mời ông Donald Trump sang thăm Việt Nam và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Theo thông lệ hằng năm, sáng 5/1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí về thành tựu đối ngoại của năm 2016 cũng như một số vấn đề được báo chí quan tâm.
Mở đầu buổi trả lời phỏng vấn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chúc các cơ quan báo chí, các nhà báo một năm mới nhiều thành công, hạnh phúc và sức khỏe, tiếp tục tích cực đồng hành cùng ngành ngoại giao trong công tác thông tin đối ngoại.
Xin Phó Thủ tướng đánh giá về tình hình thế giới và khu vực trong năm qua?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Tình hình thế giới và khu vực trong năm 2016 có thể nói ngắn gọn là “bất ổn, khó lường”. Xu hướng chung vẫn là mong muốn hòa bình, đóng góp vào tạo dựng hòa bình, dù dưới góc độ này hay khác.
Có những điều trước đây chưa hình dung được như việc bình thường hóa quan hệ Cuba-Hoa Kỳ sau gần 50 năm, thỏa thuận hạt nhân Iran tiếp tục được triển khai, các bên đạt thỏa thuận hòa bình ở Colombia hay cũng có những thể chế tồn tại rất lâu như EU lại chứng kiến hiện tượng Brexit.
Quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra nhưng cũng có trào lưu quay trở lại chủ nghĩa dân tộc, dân túy, không ủng hộ xu hướng toàn cầu hóa hoặc liên kết kinh tế. Đó là những vấn đề đã tích tụ từ những năm trước nhưng thể hiện trong năm 2016, khác với xu hướng chúng ta vẫn thường nhận định.
Tình hình an ninh truyền thống, phi truyền thống đều phức tạp, vẫn có những cuộc chiến tranh cục bộ xảy ra ở các khu vực, đặc biệt là khu vực Trung Đông như cuộc chiến chống IS…
Trong bối cảnh đó, điều đáng mừng là vẫn có những thỏa thuận đạt được sau nhiều năm như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Cộng đồng ASEAN bước vào năm đầu tiên triển khai.
Đó là vài nét đặc trưng của tình hình thế giới và khu vực năm 2016.
Năm 2016 có thể coi là một năm thắng lợi với những hoạt động ngoại giao sôi động cho đến những ngày cuối cùng của năm. Xin Phó Thủ tướng cho biết khái quát những điểm nổi bật của công tác này trong năm qua? Những thành tựu trên đã đóng góp như thế nào cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của nước ta?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Hoạt động đối ngoại năm 2016 là sự tiếp nối của những năm trước và cũng là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII.
Năm 2016 có thể tạm gọi là kết thúc một giai đoạn xây dựng khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả các nước quan trọng trên thế giới đồng thời đưa các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện đi vào chiều sâu cụ thể.
Trên thế giới, không có nhiều nước nhỏ như Việt Nam mà lãnh đạo cấp cao các nước thường trực HĐBA, các nước quan trọng nhất đều có các chuyến thăm. Trong khi đó, các hoạt động trao đổi đoàn, nhất là đoàn cấp cao với các nước láng giềng cũng diễn ra sôi động.
Chúng ta đã triển khai hàng loạt các hoạt động ngoại giao cấp cao với các nước láng giềng, khu vực cũng như các đối tác lớn, nổi bật là các chuyến đi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Chúng ta đã đón nhiều lãnh đạo các nước đến thăm, như Tổng thống Mỹ, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc, Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Lào, Thủ tướng Campuchia…
Về đa phương, chúng ta tích cực triển khai các hoạt động ngoại giao đa phương ở nhiều cấp độ khác nhau, cả trong và ngoài nước. Không chỉ khẳng định vai trò ở tầm khu vực qua việc tổ chức các Hội nghị Cấp cao ACMECS 7, CLMV 8 và WEF Mekong, phát huy vai trò tích cực trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, chúng ta còn làm tốt vai trò ủy viên của các tổ chức thuộc LHQ như Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế-Xã hội, Hội đồng Chấp hành UNESCO, rồi đại diện Việt Nam được bầu vào Ủy ban Luật pháp quốc tế của LHQ).
Điều quan trọng là chúng ta không chỉ tham gia mà thực sự đã đóng góp các sáng kiến, đề xuất cụ thể đối với các hội nghị này, thể hiện một bước trưởng thành của ngoại giao đa phương.
Năm 2016, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TW về thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Chúng ta đã sớm bắt tay vào triển khai quyết liệt Nghị quyết này.
Có thể nói năm 2016 là năm hoạt động ngoại giao được triển khai tích cực trên cả bình diện song phương và đa phương.
Xin Phó Thủ tướng cho biết có điểm gì cần khắc phục trong hoạt động ngoại giao trong năm nay?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Năm 2016 cũng như những năm trước đây, chúng ta triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, với mục tiêu tạo dựng môi trường hòa bình ổn định cho phát triển.
Nếu nhìn lại, có những việc có thể làm tốt hơn, ví dụ như việc thực hiện chưa hiệu quả các thỏa thuận của các chuyến thăm cấp cao. Chúng ta cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Văn hóa thực thi phải thực sự tốt hơn nữa.
Ngoài ra, nhiều thỏa thuận bắt đầu đi vào thực hiện, vẫn còn ngổn ngang nhiều vấn đề từ nhận thức, thông tin và chuẩn bị để khai thác những cơ hội mang lại; nâng cao hơn nữa năng lực thực thi còn yếu cả về yếu tố con người và thể chế. Chúng ta không thể bước chậm mà nay phải bước nhanh hơn nữa để bước cùng với thế giới.
Ngành ngoại giao có những phương hướng nào để có thể vượt qua thách thức và hội nhập tốt hơn thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Có nhiều dự báo về năm 2017. Tình hình diễn biến khó lường, tiếp tục có nhiều thay đổi sau các cuộc bầu cử, đại hội các đảng ở các nước.
Phương châm của Việt Nam là vẫn kiên trì đường lối đối ngoại làm bạn với tất cả các nước, đa dạng hóa, đa phương hóa trên cơ sở độc lập tự chủ và trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Với phương châm đó, phải khẳng định tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước trên cơ sở những khuôn khổ mà chúng ta đã dày công xây dựng, đặc biệt là các nước láng giềng, các nước có vai trò quan trọng trên thế giới.
Tôi tin rằng nếu thực hiện được chúng ta sẽ vượt qua những thách thức về đối ngoại trong năm 2017.
Xin Phó Thủ tướng cho biết phương hướng trọng tâm của ngoại giao Việt Nam trong năm tới là gì và được triển khai như thế nào?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Sự kiện đối ngoại nổi bật nhất năm 2017 là Năm APEC Việt Nam 2017, trong đó trọng tâm là Tuần lễ Cấp cao APEC với sự tham dự của nguyên thủ nhiều nước. Đây không chỉ là cơ hội cho ngoại giao đa phương mà còn là cánh cửa để tăng cường quan hệ song phương với một loạt các nước lớn ở khu vực và thế giới.
Trên bình diện ngoại giao song phương, tiếp tục đưa quan hệ song phương vào chiều sâu, thực chất, trong đó hướng mạnh vào khai thác các thế mạnh của đối tác để phục vụ tốt nhất cho mục tiêu phát triển như phát triển bền vững, chuyển đổi mô hình tăng trưởng…
Trong vấn đề biên giới, giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác và tranh thủ ủng hộ của quốc tế trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông là trọng tâm lớn. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện nghiêm túc DOC và thúc đẩy tiến triển trong tham vấn về COC, thúc đẩy đạt kết quả thực chất trong các vấn đề biên giới còn tồn đọng với các nước.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai hiệu quả các lĩnh vực hoạt động đối ngoại khác như Chiến lược về ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại để giới thiệu, quảng bá hình ảnh quốc gia ra bên ngoài; tăng cường vận động, thu hút nguồn lực cũng như hỗ trợ để kiều bào ổn định ở nước sở tại; đồng thời thực hiện kịp thời các hoạt động bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là trong các vụ việc liên quan đến lao động, ngư dân, tàu cá của Việt Nam.
Trong năm qua, ngoại giao đa phương đã góp phần quan trọng nâng cao vị thế, vai trò của đất nước trên trường quốc tế. Phó Thủ tướng có đồng tình với nhận định này không và ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của ngoại giao đa phương trong bối cạnh quốc tế có nhiều diễn biến mới như hiện nay?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Đúng là ngoại giao đa phương đã được triển khai tích cực và đạt nhiều kết quả.
Việt Nam đã đảm nhiệm tốt vai trò thành viên Hội đồng Kinh tế-Xã hội của LHQ (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019. Đại sứ Nguyễn Hồng Thao trở thành người Việt Nam đầu tiên được bầu vào Ủy ban Luật pháp quốc tế của LHQ (ILC).
Ở cấp độ hợp tác tiểu vùng, Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập của cơ chế Mekong–Lan Thương… Chúng ta đã tích cực tham gia, đóng góp vào xây dựng Nghị quyết, đồng chủ trì hay làm chủ Nghị quyết liên quan đến biến đổi khí hậu, quyền trẻ em.
Về kinh tế, Việt Nam là một trong những nước tham gia, đàm phán, ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại (FTA), kể cả các hiệp định thế hệ mới. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 10 FTA với gần 60 đối tác, nước quan trọng.
Ngoại giao đa phương không chỉ góp phần nâng cao vị thế, bảo đảm an ninh của đất nước từ xa mà còn đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực.
Bất cứ một nước nào khi có vai trò ở các cơ chế, tổ chức đa phương thì tiếng nói của nước đó sẽ quan trọng. Khi có bất cứ tình huống nào xảy ra liên quan đến vấn đề môi trường an ninh, hòa bình của nước đó thì sẽ được các nước có tiếng nói của ủng hộ. Đó là mục đích của chúng ta tham gia các hoạt động ngoại giao đa phương.
Với vai trò là chủ nhà của Năm APEC 2017, Việt Nam cần làm những gì để ghi dấu ấn khác biệt với bạn bè quốc tế? Đóng góp của Việt Nam cho việc thục hiện mục tiêu Bogor?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Việt Nam là nước chủ nhà APEC 2017, không phải là Chủ tịch APEC. Đây cũng không phải lần đầu tiên Việt Nam làm chủ nhà APEC, nhưng năm 2017 với tâm thế, vị thế khác. Sự kỳ vọng đối với Việt Nam từ các nền kinh tế của APEC cũng khác.
Chúng ta đưa ra 4 ưu tiên của APEC là tăng trưởng bền vững, sáng tạo; liên kết kinh tế; hỗ trợ doanh nhiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ; chống biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh lương thực.
Các ưu tiên của Việt Nam phù hợp với các thành viên APEC đồng thời cũng rất phù hợp với yêu cầu phát triển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cũng như giai đoạn sắp tới. Đó là vấn đề sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển nhanh và bền vững, liên kết kinh tế, khyến khích hỗ trợ cho các doanh nhiệp nhỏ và vừa….
Mặc dù chúng ta hiểu rằng trong các nền kinh tế APEC, nhu cầu các thành viên khác nhau, thậm chí khác biệt nhưng ta gắn bó được những yêu cầu đó vào mục tiêu của chúng ta, thì đó là thành công bước đầu.
Về mục tiêu Bogor, Việt Nam làm chủ nhà APEC vào giai đoạn hết sức quyết định, đó là hoàn thành các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại, đầu tư đến năm 2020.
Điều quan trọng là tại APEC 2017, chúng ta cùng các thành viên xây dựng tầm nhìn sau năm 2020, nghĩa là cái gì tiếp sau Bogor.
Xin Phó Thủ tướng cho biết công tác chuẩn bị cho APEC 2017?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Người Việt Nam vốn luôn lo trước, nên rất quan tâm đến công tác chuẩn bị cho APEC 2017.
Từ giữa 2015, Ủy ban Quốc gia APEC 2017 đã được thành lập và tích cực chuẩn bị từ nội dung, tổ chức, cơ sở vật chất, hạ tầng. Đến nay, có thể nói đã bước đầu hoàn tất quá trình chuẩn bị.
Cơ sở vật chất, hạ tầng tiếp tục được hoàn thiện tại Đà Nẵng - nơi tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC-sự kiện quan trọng nhất của Năm APEC. Chúng ta cũng đã chọn các tỉnh, thành để tổ chức các Hội nghị cấp Bộ trưởng.
Không chỉ có vấn đề nội dung, APEC còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh cả nước cũng như các tỉnh, thành về sự đổi mới của Việt Nam ra thế giới và khu vực.
Quan trọng hơn, phải làm sao thu hút sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vì đây là diễn đàn liên quan đến phát triển kinh tế, tự do thương mại và đầu tư.
Xin Phó Thủ tướng cho biết ASEAN đã đạt được kết quả hợp tác gì trong năm đầu tiên sau khi thành lập Cộng đồng? Xin Phó Thủ tướng cho biết phương hướng 2017 của công tác bảo hộ công dân năm 2017?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời đầu năm 2016 nhưng đó không phải là điểm đến mà đây là cả một quá trình, một hành trình của các nước ASEAN.
ASEAN đã đạt những kết quả tích cực trong năm đầu triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025, trên cả 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hoá xã hội. Đáng chú ý, đến nay các cơ quan chuyên ngành ASEAN đã cơ bản hoàn tất các kế hoạch hợp tác chi tiết đến 2020. Trong năm nay, ASEAN cũng đã xây dựng xong hai văn bản mang tính định hướng hết sức quan trọng là Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN 2025 và Kế hoạch Công tác Triển khai Sáng kiến Liên kết ASEAN giai đoạn III.
Như vậy, ASEAN đã sẵn sàng và đang triển khai tất cả các kế hoạch, chương trình hợp tác trong Cộng đồng ngay từ năm đầu tiên.
ASEAN đã bắt đầu tính đến tầm nhìn Cộng đồng sau 2025 như thế nào.
Với Việt Nam, chúng ta cũng thấy rằng còn nhiều vấn đề chưa được như mong muốn của những người xây dựng, hoạch định ra Cộng đồng. Thương mại của Việt Nam với các nước thành viên ASEAN năm 2016 giảm 8% so với năm 2015 trong khi đây là thị trường rộng lớn với 650 triệu dân.
Về công tác bảo hộ công dân. Đây là nhiệm vụ quan trọng của ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài. Trách nhiệm của các cơ quan là phải bảo vệ công dân phù hợp với luật pháp sở tại, luật pháp quốc tế và luật của chúng ta.
Về công tác vận động kiều bào, chúng ta vẫn tiếp tục triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về việc vận động cộng đồng tôn trọng, thực hiện luật pháp nước sở tại nhưng đồng thời hướng về đất nước.
Số lượng người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư trong nước tăng lên. 52/63 tỉnh thành đều có người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư. Kiều bào về đóng góp ý kiến, tham mưu cho đất nước cũng tăng lên.
Thưa Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry là người bạn lâu năm của ông? Chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Ngoại trưởng John Kerry có ý nghĩa như thế nào khi Hoa Kỳ sắp có chính quyền mới?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Trước khi làm Ngoại trưởng, ông John Kerry đã có những đóng góp tích cực cho việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Từ khi còn là Thượng nghị sĩ, ông đã nhiều lần thăm Việt Nam.
Với tư cách Ngoại trưởng, ông cũng đã nhiều lần đến thăm Việt Nam. Điều đó cho thấy quan hệ chung Việt Nam–Hoa Kỳ phát triển tích cực.
Tôi cho rằng chuyến thăm của Ngoại trưởng John Kerry vào tuần tới sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước theo khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện hai nước đã thiết lập.
Nhiều ý kiến cho rằng ASEAN đang đứng trước những thách thức, nhất là những vấn đề nhạy cảm về tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, đòi hỏi yêu cầu xem xét là một số điều khoản trong Hiến chương ASEAN… Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về nhận định này, Việt Nam có đóng góp gì trong năm 2016?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Từ khi thành lập đến nay, ASEAN có được vai trò quan trọng trong cơ chế của khu vực là nhờ giữ vững được sự đoàn kết và vai trò trung tâm. Nếu không có hai điều này, ASEAN sẽ không phát huy được sức mạnh, không phát huy được vai trò của mình trong các cơ chế.
Khác với các tổ chức khác, ASEAN còn có các cơ chế với các nước lớn, các nước quan trọng của khu vực. Điều đó cho thấy sự cần thiết của ASEAN đối với các nước lớn cũng như các nước lớn đối với các nước ASEAN.
Cho đến nay chưa có đề xuất nào xem xét lại Hiến chương, như vậy vai trò trung tâm và sự đoàn kết của ASEAN vẫn là then chốt trong các cơ chế của ASEAN.
Phó Thủ tướng nhận định như thế nào về tình hình Biển Đông trong thời gian tới và bước đi của Việt Nam sau phán quyết của Tòa trọng tài tháng 7/2016?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Biển Đông luôn tiềm ẩn một số nhân tố gây bất ổn khu vực, đe doạ đến môi trường hoà bình và ổn định trong khu vực. Đây là những nhân tố tồn tại từ lâu và không dễ gì loại bỏ một sớm một chiều. Do vậy, tình hình Biển Đông trong năm 2017 sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của những nhân tố này.
Có thể nói, phán quyết của Toà đã làm thay đổi cục diện pháp lý tại Biển Đông và các quốc gia bây giờ sẽ hành xử trong cục diện mới này.
Năm 2016, các nước ASEAN đã ra tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng bày tỏ quan ngại về Biển Đông, kể cả những vấn đề bồi đắp các đảo đá; khẳng định tôn trọng, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, khẳng định tôn trọng các tiến trình về ngoại giao và pháp lý (nghĩa là các tiến trình về thương lượng và giải quyết hòa bình tranh chấp đồng thời tôn trọng các quy định của luật pháp quốc tế cũng như UNCLOS).
Việt Nam nhất quán chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình nhưng phải trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS. Đối với phán quyết của Tòa trọng tài, ngay ngày 5/12/2014, Việt Nam đã gửi một tuyên bố đến Tòa, khẳng định Tòa có thẩm quyền xem xét và chúng ta cũng bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò, khẳng định chúng ta tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, UNCLOS.
Khi Tòa ra phán quyết chúng ta cũng có tuyên bố hoan nghênh việc Tòa đã ra phán quyết. Đó là lập trường chính thức của chúng ta đối với Tòa trọng tài.
Năm 2017, Biển Đông sẽ vẫn tiếp tục là vấn đề còn có những lo ngại. Là tuyến đường biển hết sức quan trọng, bất cứ động thái nào ảnh hưởng đến môi trường ổn định trên Biển Đông sẽ gây ra phản ứng của tất cả các nước, không chỉ của các nước có tranh chấp chủ quyền.
Xin Phó Thủ tướng đánh giá về công tác ngoại giao phục vụ kinh tế năm 2016 và những đóng góp cụ thể nhằm đưa kinh tế phát triển?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Ngoại giao kinh tế là một trong những trụ cột của hoạt động ngoại giao.
Với vai trò tham mưu, việc theo dõi đánh giá diễn biến tình hình kinh tế thế giới và khu vực để góp phần hoạch định chính sách là một trong những nhiệm vụ của ngoại giao kinh tế.
Năm 2016, các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài đã bám sát tình hình kinh tế thế giới, có những đóng góp, phân tích khá sát với tình hình.
Tại các cuộc họp hàng tháng của Chính phủ, Bộ Ngoại giao đều có báo cáo về tình hình kinh tế của khu vực và thế giới kể cả những nhận định đánh giá của các tổ chức kinh tế, tài chính tiền tệ của thế giới về tình hình kinh tế Việt Nam để Chính phủ có một bức tranh toàn diện hơn về tình hình kinh tế thế giới và khu vực cũng như nền kinh tế nước ta.
Ngoại giao kinh tế tích cực tham gia vận động nguồn lực bên ngoài để phục vụ phát triển kinh tế như vận động các nguồn vốn ODA trong bối cảnh Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình.
Bên cạnh đó, vận động các nước công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các nước.
Ngoại giao kinh tế tiếp tục vận động hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp mở rộng thị trường ra bên ngoài. Thậm chí, các đại sứ đã tham gia vận động cho từng sản phẩm, mặt hàng cụ thể.
Đối ngoại quốc phòng năm qua đóng góp như thế nào cho đối ngoại cả nước, thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Ngoại giao quốc phòng đóng góp tích cực vào thành tựu chung của ngoại giao trong năm 2016. Các chuyến thăm của lãnh đạo quốc phòng đến các nước cũng như lãnh đạo quốc phòng các nước đến Việt Nam không chỉ thể hiện quan hệ về chính trị nói chung mà còn thể hiện lòng tin vì quan hệ quốc phòng liên quan đến tạo dựng lòng tin, xây dựng môi trường an ninh.
Hoạt động đối ngoại quốc phòng tham gia tích cực vào các diễn đàn khu vực như ARF, các hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng. Đây là những kênh hết sức quan trọng để tạo nên sự đoàn kết trong ASEAN, vai trò trung tâm của ASEAN.
Với những đóng góp hết sức tích cực, có thể nói đối ngoại quốc phòng trong năm 2016 đạt được nhiều thành công quan trọng.
Sắp tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm Trung Quốc, chứng tỏ tầm quan trọng của quan hệ hai nước, vậy trong năm 2017 quan hệ hai nước sẽ phát triển thế nào thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình.
Chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc; khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, tăng cường quan hệ với các nước, trong đó Trung Quốc là đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam.
Việc đầu năm Tổng Bí thư thăm Trung Quốc cũng khẳng định rõ chúng ta hết sức mong muốn đưa quan hệ Việt Nam–Trung Quốc thực sự đi vào chiều sâu ổn định, mang lại lợi ích cho hai nước đồng thời bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực.
Chuyến thăm cũng mở ra một năm với nhiều hoạt động đối ngoại cấp cao khi Việt Nam là chủ nhà APEC.
Ngày 20/1 Tổng thống mới đắc cử Hoa Kỳ sẽ nhậm chức, Phó Thủ tướng có thể cho biết Việt Nam có kế hoạch mời ông Trump tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Tổng thống mới đắc cử của Hoa Kỳ sẽ nhậm chức vào ngày 20/1. Khi có kết quả bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, lãnh đạo ta đã gửi điện chúc mừng ông Donald Trump.
Ngày 4/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Tổng thống đắc cử Donald Trump. Trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chuyển lời mời ông Donald Trump sang thăm Việt Nam và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC.
Chúng tôi tin rằng hội nghị thượng đỉnh APEC là sự kiện quan trọng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Lãnh đạo các nước sẽ tham dự trên cơ sở lợi ích chung của khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như lợi ích của các thành viên.
Mong muốn của chúng ta là lãnh đạo các nước sẽ tham dự đầy đủ.
2016 được Chính phủ coi là năm sáng tạo, ngành ngoại giao đã sáng tạo như thế nào trong việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng như đẩy mạnh quan hệ thương mại với các nước?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Sáng tạo đòi hỏi phải có suy nghĩ sáng tạo, biện pháp sáng tạo và có hành động cụ thể để thực hiện.
Ngoại giao sáng tạo là gì. Cái gì bất biến vẫn phải giữ nguyên. Nguyên tắc của chúng ta là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa.
Sáng tạo là trong cách thức, suy nghĩ để thực hiện đường lối đối ngoại một cách linh hoạt nhất phù hợp với lợi ích quốc gia dân tộc.
Sáng tạo phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội đòi hỏi phải huy động nguồn lực bên ngoài phù hợp với lợi ích của chúng ta, phù hợp với nhu cầu của các nước.
Chúng ta không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Do đó, khi vận động phải làm sao hướng các nhà đầu tư vào các lĩnh vực sáng tạo, khởi nghiệp. Đây là điều khó nhưng phải tập trung thực hiện, phải có sự tìm tòi suy nghĩ.
Có giai đoạn các nhà đầu tư bên ngoài hướng vào những ngành công nghiệp, sản xuất sử dụng nhiều nhân lực, điện năng, nguyên liệu, hay tập trung vào bất động sản. Bây giờ chúng ta hướng họ kết hợp doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy khởi nghiệp cho doanh nghiệp trong nước.
Trung Quốc năm qua mở lãnh sự quán ở Đà Nẵng, thời gian tới sẽ nâng lên mức cao hơn. Liệu các nước khác có xem xét mở lãnh sự như vậy tại Đà Nẵng?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Cùng với xu thế phát triển tích cực của quan hệ hai nước, giao lưu hợp tác giữa các địa phương miền Trung, trong đó có Đà Nẵng, với các địa phương Trung Quốc ngày càng phát triển nhộn nhịp.
Hiện có 10 đường bay trực tiếp từ Đà Nẵng đến các địa phương Trung Quốc với tần suất 54 chuyến/tuần. Khách du lịch Trung Quốc đến Đà Nẵng đông nhất trong số du khách quốc tế. Đà Nẵng thu hút 10 dự án FDI của Trung Quốc với tổng vốn hơn 6 tỉ USD.
Trước sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tháng 11/2015, hai bên đã nhất trí về việc Trung Quốc mở Tổng lãnh sự quán tại Đà Nẵng. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho Đà Nẵng, cũng như các địa phương miền Trung nước ta thúc đẩy hợp tác với phía Trung Quốc cũng như giải quyết các vấn đề liên quan tới công tác lãnh sự, công dân.
Trên thực tế có Lào, Hoa Kỳ cũng có ý định mở lãnh sự tại Đà Nẵng. Hiện nay ở Đà Nẵng, Nga cũng đã đặt tổng lãnh sự. Chúng ta hoan nghênh các nước mở tổng lãnh sự tại Đà Nẵng nhằm thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.
Vấn đề ưu tiên, trăn trở nhất của Phó Thủ tướng về đối ngoại trong năm 2017 là gì?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Môi trường an ninh khu vực 2017 được dự báo hết sức khó lường, có nhiều biến đổi, thách thức.
Trong bối cảnh đó, phải làm sao duy trì thúc đẩy các khuôn khổ quan hệ với tất cả các nước.
Bên cạnh đó, chúng ta đang thực hiện nghị quyết về hội nhập quốc tế trong bối cảnh chiều hướng bảo hộ, phản ứng tiêu cực với toàn cầu hóa và liên kết kinh tế gia tăng.
Với tư cách là Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về ODA, trong bối cảnh vốn ODA giảm, vốn thương mại tăng, chúng ta sẽ có những biện pháp như thế nào trong thời gian tới?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Phải khẳng định nguồn vốn ODA trong những năm qua đóng góp hết sức tích cực vào xây dựng cơ sở hạ tầng, phát tiển kinh tế, đặc biệt là vấn đề xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Chúng ta khẳng định nguồn lực trong nước là then chốt, nguồn lực bên ngoài là quan trọng. Trên thực tế nguồn lực bên ngoài đóng góp hết sức tích cực trong việc thực hiện các dự án kể cả xây dựng hạ tầng giao thông, bệnh viện, trường học, xóa đói giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.
Khi trở thành nước có thu nhập trung bình, theo quy định, chúng ta không được tiếp nhận nguồn ODA từ Ngân hàng Thế giới, các tổ chức tín dụng, tài chính khác.
Vừa qua chúng ta đã vận động để việc “tốt nghiệp” không tạo ra “cú sốc” mà cần có giai đoạn chuyển tiếp nhất định.
Trước đây về cơ bản, nguồn ODA được thực hiện theo cơ chế cấp phát, nghĩa là vay và cấp phát cho các dự án. Hiện nay, chúng ta tăng dần tỷ lệ cho vay lại để nâng cao trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn vốn ODA của các bộ, ngành và địa phương.
Về cơ bản ngồn vốn ODA được sử dụng hiệu quả nhưng cũng có những dự án chưa sử dụng hiệu quả, thời gian kéo dài, làm đội chi phí - có thể lên đến vài trục phầm trăm trong khi đây là nguồn vốn vay phải trả lãi suất.
Vừa qua, Ban Chỉ đạo đã quyết liệt, tổ chức các cuộc họp hàng tháng nhằm đôn đốc việc xử lý nhưng đồng thời phải tăng cường trách nhiệm của các chủ dự án, các bộ ngành địa phương.
Vướng mắc lớn nhất của một số dự án là giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng của chúng ta. Ban Chỉ đạo đang tập trung xử lý để làm sao dự án không bị kéo dài.
Phó Thủ tướng nhận định như thế nào về tương lai của Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP)?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Trước tiên phải nói đó là Hiệp định của 12 nước thành viên tham gia xây dựng, đàm phán trong 6 năm với 35 phiên chính thức, 05 cuộc họp Cấp cao, 15 Hội nghị Bộ trưởng và 200 cuộc đàm phán giữa kỳ và song phương, Hiệp định TPP đã chính thức được ký tại New Zealand ngày 04/2/2016.
Đó là quá trình thương lượng lâu dài, nghiêm túc và quyết liệt để đi đến ký kết, là thành quả chung của 12 nước, thể hiện lợi ích của 12 nước.
Cho đến nay cả hai viện của Nhật Bản đã thông qua, Singapore dự kiến phê chuẩn TPP trong tháng 01/2017, New Zealand đã hoàn tất thủ tục nội bộ để trình Quốc hội phê chuẩn, Brunei cho biết sẽ phê chuẩn TPP vào tháng 03/2017…
Như vậy, chiều hướng chung là các nước thành viên đều muốn giữ đà TPP. Tại Hội nghị Cấp cao APEC vừa qua diễn ra tại Peru, các nước đã nhất trí tổ chức trao đổi về TPP và dự kiến tổ chức HNBT về TPP tại Đà Nẵng tháng 11/2017.
Với Việt Nam, Trung ương cũng đã có quyết định tham gia ký TPP và chúng ta có các thủ tục để phê chuẩn TPP. Tôi tin đây là hiệp định bảo đảm các lợi ích của các nước tham gia.
Ngoài 10 FTA song phương và đa phương đã ký kết, Việt Nam còn tham gia đàm phán các hiệp định khác như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP), Hiệp định thương mại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Quan điểm chúng ta là tiếp tục hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế.