Cổ phần hóa DNNN năm 2017: Những hướng đi mới
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng như việc thoái vốn ngoài ngành trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả. Nhưng nếu như đặt trong bối cảnh hội nhập, thì chất lượng cổ phần hóa (CPH) chưa như ý. Tâm lý co cụm, né tránh, trì hoãn CPH vẫn khá phổ biến. Trao đổi với Đại Đoàn Kết, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính Đặng Quyết Tiến cho biết, trong thời gian tới, CPH DNNN sẽ quyết liệt hơn.
Ông Đặng Quyết Tiến.
PV:Thưa ông, trong vòng 20 năm qua, Nghị định về cổ phần hóa (CPH) đã 5 lần được thay thế. Tại sao lại thay đổi nhiều như vậy và lần thay đổi này có điểm gì mới không?
Ông Đặng Quyết Tiến: Cho đến tận thời điểm này, CPH vẫn là vấn đề rất mới mẻ trên thế giới. Do là vấn đề rất mới ngay cả với thế giới, nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từ đó hoàn thiện dần chính sách từ thấp đến cao, khắc phục những hạn chế, bất cập nảy sinh.
Mỗi lần sửa đổi, bổ sung hay thay thế nghị định cũng như các văn bản hướng dẫn liên quan đến chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, thì việc CPH sát với thị trường hơn, công khai hơn, minh bạch hơn và tránh được thất thoát vốn, tài sản nhà nước như quá trình tư nhân hóa ở một số nước, đặc biệt là các nước Đông Âu đã từng gặp phải.
Trong vòng 5 năm qua, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng trên cơ sở thực hiện hàng loạt hiệp định thương mại tự do.
Trong vòng 5 năm tới, tốc độ hội nhập kinh tế còn diễn ra mạnh mẽ hơn qua việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhiều nội dung trong Nghị định 59/2011/NĐ-CP và Nghị định 189/2013/NĐ-CP, Nghị định 116/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2011/NĐ-CP) sẽ không còn phù hợp, nên cần phải ban hành một nghị định mới thay thế với mục đích là khắc phục những hạn chế, vướng mắc phát sinh, đồng thời thể chế quan điểm bình đẳng giữa nhà đầu tư, cổ đông trong và ngoài nước theo các cam kết hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Vậy ông có thể chia sẻ cụ thể hơn một vài điểm mới về Dự thảo nội dung CPH thời gian tới?
- Để đáp ứng yêu cầu cổ phần hóa DNNN trong giai đoạn tới, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Nghị định số 189/2013/NĐ-CP và Nghị định số 116/2015/NĐ-CP. Dự thảo có nhiều điểm mới.
Về bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược điều chỉnh theo hướng quy định rõ trách nhiệm bồi thường khi vi phạm các cam kết của nhà đầu tư chiến lược phải được thể hiện trong cam kết bằng văn bản của người có thẩm quyền; điều chỉnh việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thực hiện sau cuộc bán đấu giá công khai bỏ hình thức bán thỏa thuận trước; thay đổi thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phần của nhà đầu tư chiến lược là 3 năm (thay cho 5 năm) để phù hợp với quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 119 Luật Doanh nghiệp (xác định như cổ đông sáng lập).
Năm 2017 sẽ đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DNNN.
Về chi phí thực hiện CPH, sửa đổi theo hướng giao cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ quy mô và tình hình thực tế của DN CPH để quyết định mức chi cho phù hợp.
Về nguyên tắc kế thừa quyền và nghĩa vụ của công ty cổ phần được chuyển đổi từ DN 100% vốn nhà nước, sửa theo hướng quy định rõ công ty cổ phần được sử dụng toàn bộ tài sản, nguồn vốn đã nhận bàn giao để tổ chức sản xuất, kinh doanh; kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của DN CPH đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định và công bố (cho phù hợp với quy định tại Khoản 4 Điều 196 Luật Doanh nghiệp năm 2014).
Về tư vấn xác định giá trị DN, Dự thảo Nghị định tiếp tục hướng dẫn cụ thể các tiêu chuẩn tổ chức tư vấn định giá và bổ sung thêm quy định đối với các tổ chức tư vấn nước ngoài sẽ tham gia cung cấp dịch vụ liên quan đến cổ phần hóa. Đồng thời nhằm giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính, dự thảo Nghị định bỏ quy định trình tự, thủ tục công bố danh sách tổ chức tư vấn định giá của Bộ Tài chính mà giao cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định.
Về xử lý tài chính tại thời điểm xác định giá trị DN, Dự thảo bổ sung hướng dẫn xử lý tài sản được bàn giao không bồi hoàn cho bên Việt Nam sau khi công ty liên doanh kết thúc thời hạn hoạt động trong trường hợp hợp đồng (Giấy phép đầu tư) góp vốn liên doanh có điều khoản “kết thúc thời hạn hoạt động của công ty liên doanh, toàn bộ tài sản được bàn giao không bồi hoàn cho bên Việt Nam” theo hướng khi liên doanh kết thúc, giá trị tài sản chuyển giao không bồi hoàn cho bên Việt Nam quản lý theo quy định của pháp luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Đồng thời quy định rõ khi DN CPH lập báo cáo tài chính phải tổ chức đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ theo chế độ kế toán hiện hành; số dư khoản chênh lệch tỷ giá tại thời điểm xác định giá trị DN, DN CPH tiếp tục xử lý trong giai đoạn từ thời điểm xác định giá trị DN đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần và chuyển giao cho công ty cổ phần mới theo dõi.
CPH trong thời gian qua chậm. Ngoài lý do thị trường, chúng ta vẫn quen với lời giải thích: do đối tượng sắp xếp, cổ phần hóa hiện nay hầu hết là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Định hướng CPH trong thời gian tới là như thế nào, thưa ông?
- Chúng ta tiếp tục hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020. Tập trung triển khai phương án sắp xếp DNNN giai đoạn 2016-2020 sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN.
Chủ động xây dựng phương án và tiếp tục thoái vốn nhà nước tại các DN không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần, vốn góp. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong các năm 2016-2020. Nghiêm túc thực hiện cơ chế thị trường và quy định của pháp luật trong CPH, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát vốn, tài sản.
Thực hiện niêm yết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn đã cổ phần hoá trên thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế. Rà soát, xử lý dứt điểm các DNNN thua lỗ, các dự án đầu tư của DNNN không hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; xem xét, thực hiện phá sản DNNN theo quy định của pháp luật về phá sản DN.
Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp, trong 6 năm, tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thoái hơn 11.500 tỷ đồng vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm. Tuy nhiên, số tiền thu về lại thấp hơn giá trị đã đầu tư, chỉ 11.192 tỷ đồng. Một số trường hợp mất vốn... Vậy trách nhiệm của Bộ Tài chính đối với những trường hợp này như thế nào thưa ông?
- Ông Đặng Quyết Tiến: Trách nhiệm thất thoát vốn thuộc về người đứng đầu các đơn vị. Một trong những chiến lược đầu tư trên thị trường chứng khoán mà rất nhiều nhà đầu tư quen thuộc đó là bỏ trứng vào nhiều giỏ, bớt rủi ro khi một lĩnh vực xảy ra biến cố. Tuy nhiên, năm 2009, Bộ Tài chính đã hạn chế đầu tư ngoài ngành, cũng từ đó, việc thoái vốn ngoài ngành tập trung vào lĩnh vực chính được đẩy mạnh song công cuộc thoái vốn vẫn còn nhiều bất lợi.