Thành phố Hồ Chí Minh: Điểm thu hút trí thức kiều bào
10 năm trở lại đây, cùng với chính sách thu hút đầu tư FDI, trong đó đặc biệt chú trọng mời gọi người gốc Việt ở nước ngoài về nước làm ăn, kinh doanh, TP HCM đã đón hàng ngàn lượt các trí thức kiều bào tên tuổi về đóng góp cho thành phố trên các lĩnh vực mũi nhọn.
GS Đặng Lương Mô là một trong những trí thức kiều bào
đã quyết định về nước cống hiến trong lĩnh vực giáo dục.
Giáo dục - hút trí thức gốc Việt
Trong các lĩnh vực thu hút đông đảo trí thức kiều bào về nước cống hiến thì giáo dục - đào tạo là ngành có sức hút lớn nhất. Bắt đầu cho xu hướng này, hầu hết các giáo sư kiều bào được mời về tham gia thỉnh giảng hoặc chia sẻ kinh nghiệm học thuật quốc tế. Về sau, cùng với các chính sách đãi ngộ hợp lý, cùng một môi trường làm việc tốt đã thực sự tạo được bến đỗ cho nhiều nhà khoa học gốc Việt tên tuổi.
TS Đỗ Tấn Sĩ (Việt kiều Bỉ), ông bảo vệ thành công luận án TS ngành Vật lý tại Đại học Tự do Bruxelles vào năm 1971. Ông có thời gian nghiên cứu và làm việc tại Đại học Quốc gia Mons (vương Quốc Bỉ) và trợ giảng, nghiên cứu vật lý tại nhiều trường đại học ở Bỉ.
Năm 2002, ông Sĩ đã quyết định về hẳn TP HCM làm việc và tham gia thỉnh giảng tại Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM). Đặc biệt, ông có 4 khóa tham gia ủy viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam nên rất hiểu việc mở rộng các mối quan hệ quốc tế để giúp kết nối, hợp tác giữa ngành giáo dục Việt Nam nói chung và khoa Toán Tin của các trường ĐH danh tiếng trên thế giới với Hội Toán - Tin TP HCM và khoa Toán - Tin của các trường trong nước.
Mới đây, TS Đỗ Tấn Sĩ đã có buổi giới thiệu và báo cáo “Giải phương trình vi phân bằng phép tính toán tử” do chính ông đã dày công nghiên cứu.
Không chỉ riêng ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM, hiện nay Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP HCM) cũng sự đóng góp của nhiều GS,TS Việt kiều trở về từ Anh, Mỹ, Canada. Để thu hút nhiều trí thức Việt kiều về nước cống hiến, PGS.TS Hồ Thanh Phong- Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế chia sẻ một trong 5 bí quyết rất quan trọng, là phải tạo được môi trường làm việc và mức thu nhập xứng đáng cho các nhà khoa học hàng đầu.
Theo PGS Phong, môi trường làm việc lý tưởng cho những người tài phải là nơi mà các thành viên được đối xử tôn trọng nhau, họ được nói, trình bày ý kiến và phát huy tự do học thuật của mình. Nói đơn giản, đó là môi trường mà họ có thể phát huy những thế mạnh của mình, không vì ai mà phải từ bỏ những kiến thức, những phát hiện mới trong nghiên cứu và giảng dạy.
Nhiều trí thức kiều bào có tiếng hiện nay cũng đã trở thành quen thuộc tại các lĩnh vực, ngành nghề mũi nhọn của TP HCM như: ông Johnathan Hạnh Nguyễn (kiều bào Philippines), Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH xuất khẩu liên Thái Bình Dương; ông David Dương (kiều bào Mỹ), Tổng giám đốc Công ty Xử lý chất thải Việt Nam; ông Nguyễn Văn Công (kiều bào Pháp), Trưởng nhóm kỹ sư xây dựng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; TS Nguyễn Quốc Bình, hiện công tác tại Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố, thuộc Sở NN&PTNT, là kiều bào Canada…Riêng Ủy ban MTTQ TP HCM nhiều năm liền có sự phục vụ, cống hiến của TS Lương Bạch Vân và TS Nguyễn Bình, đều là các kiều bào Pháp.
Đất lành chim đậu
Khi được hỏi làm thế nào để giúp TP HCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế, bà Nguyễn Thị Mỹ (Việt kiều Úc, chuyên gia tại Nhà máy nhiệt điện và luyện quặng beauxit - Úc) nói ngay rằng, đó chắc chắn phải là môi trường làm việc, môi trường hội nhập và phát triển “đáng sống”, như Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã nhiều lần nhấn mạnh.
Bà Mỹ bày tỏ lạc quan khi nhận định, TP HCM là một trong những thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Nhưng, điều này cũng đặt ra nhiều áp lực nặng nề để giải quyết các vấn đề cấp bách cho TP HCM, nhất là với hiện trạng cơ sở hạ tầng quá ít, lại xuống cấp, thoát nước và rác thải - ô nhiễm, tạo quan ngại lớn về môi trường sống. Thành phố cũng phải đối mặt với ngập lụt - nhiễm mặn, tắc nghẽn giao thông, thiếu thốn nhà ở và quy hoạch đô thị chắp vá, chất lượng và tỷ lệ sử dụng lao động, nguồn nhân lực còn rất thấp.
Ông Đặng Trung Phước (Việt kiều Canada) cũng nói đến một vấn đề rất nan giải hiện nay mà TP HCM cần xử lý rốt ráo để có thể trở thành “thành phố đáng sống”, như mục tiêu đã đề ra. Đó là tình trạng các nguồn chất thải (công nghiệp, nông nghiệp, y tế và sinh hoạt) đang gia tăng, nhưng khả năng xử lý thì còn lạc hậu và hầu hết những chất thải này được xả thẳng vào môi trường ở mức độ khó kiểm soát. Cả bà Nguyễn Thị Mỹ và ông Đặng Trung Phước đều cho rằng, cách tốt nhất để cung cấp một thành phố đáng sống, có môi trường hấp dẫn đầu tư nước ngoài, thì chính quyền thành phố phải thúc đẩy các sáng kiến hợp tác, thúc đẩy sáng tạo và đổi mới về chính sách thu hút đầu tư.
TS Huỳnh Thế Du- giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright chia sẻ rằng, để tận dụng nguồn chất xám trí thức kiều bào cho TP HCM hiện nay thì chính quyền thành phố cần có chính sách thiết thực trong thu hút các du học sinh đang theo học tại các nền giáo dục hàng đầu trên thế giới. Chuyên gia này dẫn chứng trường hợp khi Intel và Samsung vào, thành phố chỉ cần thỏa mãn tất cả các nhu cầu của họ là thành công, vì cái họ cần nhất là nhân lực trình độ cao cộng với năng lực sáng tạo và điều này rất cần thiết và có lợi cho TP HCM.
Hiện cả nước có 130.000 du học sinh đang du học tại các nước. Chuyện về hay ở của du học sinh đã được nhắc đến trong nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, chính sách đãi ngộ, cũng như sự minh bạch và rõ ràng từ thu hút đầu tư mới là những điều quyết định vấn đề này. “Khi vinh quy ai cũng muốn bái tổ. Nói cách khác khi công việc và cuộc sống ổn định thì hầu hết mọi người sẽ bắt đầu quan tâm và có hành động cụ thể hướng về nơi chôn nhau cắt rốn của mình”- TS Du chia sẻ.
Có thể nói, với tình yêu nước khôn nguôi, luôn hướng về Tổ quốc, những trí thức kiều bào tại các nước phát triển luôn kỳ vọng, mong mỏi một ngày nào đó sẽ được về cống hiến cho quê hương. Tuy nhiên, vấn đề quyết định chuyện về hay ở của kiều bào, chính là một môi trường làm việc tốt, kèm cơ chế đãi ngộ phù hợp. Cách làm của TP HCM đang hướng đến những giá trị cơ bản ấy, và là bài học kinh nghiệm để nhiều địa phương khác tham khảo trong quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay.