Xuân về vùng đất khó

Đơn Thương 09/01/2017 11:05

Khi dưới chốn thị tứ, đồng bằng người ta bắt đầu râm ran về chuyện Tết thì khái niệm ấy với những người thầy trên miền biên ải xa vắng đến hoang hoải này vẫn còn xa vời lắm. Một phần vì không có điều kiện, phần nữa lại xa xôi và thêm phần do đặc thù bám trường, bám lớp ở nơi khó khăn nhất. Xuân đến, Tết về, bao năm rồi họ vẫn lặng lẽ như vậy với một mục đích duy nhất là bám trường, bám lớp và theo ngành.

Tiếng kẻng gọi các em đến trường.

Nhọc nhằn

Trong các tỉnh biên ải hiện có của nước ta, có lẽ chuyến vào Pa Vệ Sử của tôi gần đây vẫn được coi là gian nan nhất. Chỉ cần so sánh thế này, với miền đất khốn khó cuối trời Tây Bắc như Lai Châu thì huyện biên ải Mường Tè vẫn được coi là nơi khốn khó nhất trong đi lại, sinh hoạt. Và trong huyện khốn khó này thì xã Pa Vệ Sử có lẽ cũng không đâu bằng.

Sáng, chia tay cậu bạn thường chú ở trung tâm tỉnh, nơi hè phố đã chất đầy lá dong, đào rừng để cánh buôn đánh về xuôi bán kiếm lợi nhuận, tôi đi trong sự lo toan cho hành trình của mình. Vì như cậu bạn nói, nếu ông chinh phục được miền đất này, trong những tháng mưa phùn, gió núi, tím tái và trơn trượt thì chả còn phải ngán một vùng đất miền cao nào nữa.

Trong xã Pa Vệ Sủ - miền đất dịch theo tiếng người La Hủ trên đây nghĩa là “Cây 8 người ôm” thì bản Sín Chải A vốn là nơi cao và chon von nhất. Vào Sín Chải A phải vượt qua được một con dốc mà nếu muốn ngước lên để nhìn đỉnh người ta phải… đánh rơi cả cái mũ đội đầu. Mùa này, mưa và sương mù vần vũ Pa Vệ Sử cũng như Sín Chải A tựa một lớp hồ, cảm tưởng như có thể véo, có thể nắm trong tay được.

Người La Hủ quan niệm, ai vượt được dốc đá vào với Sín Chải A thì được coi như người thân thiết của mỗi gia đình. Xa xôi, nghèo khó, ở nơi nào thì không biết chứ những ngày tháng cận kề cuối năm này, Xuân- Tết dường như vẫn còn ở đâu đấy chứ chưa đến bản người La Hủ.

Bản Sín Chải A có 44 nóc nhà, thuần nhất chỉ người La Hủ nên các thầy giáo người kinh trên đây được coi là người thiểu số. Người chúng tôi gặp đầu tiên là thầy giáo Lương Văn Độ, sinh năm 1985. Tuy chưa cao tuổi lắm, nhưng lên miền này với trò, với nghề, lại không hợp khí hậu thổ nhưỡng nên trông Độ có vẻ già hơn với tuổi của mình.

Thầy Độ quê ở mạn dưới. Năm 2008, ra trường, cơ hội đứng bục không còn, tìm hiểu, chỉ thấy Lai Châu mà cụ thể hơn là miền đất Mường Tè còn cần người thế là thầy xung phong lên. Trước ý định này của thầy, hàng xóm, họ hàng, rồi gia đình đi từ ngạc nhiên sang thảng thốt. Họ sợ thầy đi không có ngày trở về, nhưng với quan điểm trẻ phải đóng góp, ngành nghề là số phận nên thầy đi.

Hôm thầy đi, gia đình ướt nhoèn nước mắt, cũng cấn cá, nhưng thầy gạt phắt và đeo ba lô lên đường, nơi tìm đến là Ka Lăng xa xôi. Sau do điều chuyển, thầy lại dạt về Pa Vệ Sủ và bản Sín Thầu A là nơi thầy cắm chân với trò, với trường, với lớp như hiện nay.

Sáng nào cũng vậy, cùng với đồng nghiệp, thầy đánh kẻng, thậm chí còn chân trần đến từng nhà neo người, có học sinh ngủ muộn để đánh thức và giục các em đến lớp. 28 tuổi đầu, gần 10 năm vật lộn với giáo dục vùng cao có nhiều chuyện để nhớ nhưng cái nhớ nhất vào những dịp cuối năm này của thầy ấy là những cái Tết xa nhà.

Trong gian chái được gá với lớp học, đống củi lửa nhen nhóm vươn lên nhưng vẫn không khỏa lấp được sương mù và giá lạnh đại ngàn, thầy Độ bấm đốt nhẩm tính, 8 năm mà đã có 4 năm tôi ăn Tết xa nhà. Một năm ở lại do bị ốm, năm nữa thì đồng bào mời nhiệt tình quá nên phải ở lại còn 2 năm kia không về được do mưa và đường trơn.

Theo thầy Độ, Tết trên này buồn lắm, vì thông thường đồng bào La Hủ có tục ăn Tết theo phong tục của họ. Tết truyền thống của người La Hủ trên đây người ta thường căn cứ vào sự ra hoa của cây “ị pư ra mọ” (vùng dưới thường gọi là hoa chó đẻ) để ăn tết. Loài hoa này, thông thường trổ bông vào cữ tháng 10 âm lịch và muộn nhất vào đầu tháng Chạp. Vậy nên họ ăn Tết xong xuôi rồi thì Tết cỏ truyền mới đến.

Những mùa Tết ở lại với chốn biên ải này của thầy Độ là những ngày đáng nhớ nhất. Bạn bè không, sóng điện thoại không có, thầy chỉ biết “thưởng Tết” qua chiếc đài bán dẫn cũ mèm yếu pin gác nơi phản nằm rồi chìm vào giấc ngủ.

Thầy trò nơi vùng gian khó.

Tình người nơi núi cao rừng sâu

Theo ông Trưởng bản Pừ Min De thì bất cứ ai nào vượt được dốc đá để vào với Sín Chải A đều được người La Hủ coi như anh em trong nhà. Ấy thế mà vượt lên trên gian khó ấy, đã có rất nhiều thầy cô giáo như thầy Độ đã vượt dốc vào đây. Họ không chỉ được người La Hủ coi như người thân mà còn được coi là ân nhân của mình.

Cũng theo ông De, là dân bản xứ, lại thêm chức trưởng bản nên ông đã chứng kiến rất nhiều thầy giáo vì điều kiện bản thân, vì thời tiết khí hậu bất thường nên đã không về quê ăn Tết được. Cả năm mới có một lần, ông và người La Hủ trên đây biết lắm. Thông thường những Tết mà có giáo viên ở lại trường này, ông đều thông báo cho dân để dân biết đến chia vui, chúc Tết với các thầy.

Cùng thầy Độ, tại Sín Chải A còn có một người thầy đặc biệt có tên Lù Văn Nam. Thầy Nam sinh năm 1987, kém thầy Độ 2 tuổi nhưng có mối thân tình gắn kết như bạn bè. Để đặt chân lên được vùng đất Sín Chải A làm giáo viên tiểu học này chân thầy Nam cũng đã đạp bao miền đất xa xôi và đã nếm trải những cái tết xa nhà.

Thầy Nam bộc bạch, Tết ai cũng muốn về nhà nhưng ở miền đất gian khó, khí hậu bất thường này thì chuyện đi lại chả ai nói trước được. Đoán định là như thế, nhưng mai, mưa núi bất chợt đổ xuống, đường sá sạt lở thì chuyện đi lại bỗng trở lên xa ngái. Vì thế ở lại với dân, với bản, với những cái Tết cổ truyền của mình.

Xã Pa Vệ Sử có 18 bản và để phủ kín các bản này thì đã có rất nhiều các điểm trường được dựng lên. Theo cô giáo Tống Thị Hồng, Hiệu trưởng trường mầm non Pa Vệ Sử thì những thầy cô giáo đã vượt đá, vượt núi mà lên đây là những người có nghị lực. Lên vùng gian khó này, họ chấp nhận những thiệt thòi trong đó có cả những cái Tết xa nhà.

Những cái Tết xa nhà, một mình nơi bản núi mờ sương của thầy Lường Văn Độ có lẽ chỉ còn dấu ấn đậm nét khi thầy sống đơn thân. Những năm gần đây, tình duyên kết nối, thầy đã có gia đình và hiện vợ con thầy đang ở xã Bum Nưa, cách nơi thầy dậy học hơn 20km. Với khoảng cách này thì không còn cảnh Tết xa quê, xa gia đình, người thân nữa.

Trên đường từ Sín Chải A ra Pa Vệ Sủ rồi cắt đường về trung tâm huyện Mường Tè, hoa “ị pư ra mọ” đã bước vào độ mãn lắm rồi. Thế cho sự mãn của loài hoa dại này thì những nụ đào phai nổi tiếng vùng đất Tây Bắc như Lai Châu bắt đầu bung nụ đón Xuân. Tôi lại nhớ đến những cái Tết xa nhà mà thầy Độ, thầy Nam, cô Hồng đã từng nếm trải trên vùng cao thốc gió, quặn sương đầy khắc nghiệt này.

Và tôi cũng thật sự vui hơn khi nhận được thông tin, vừa qua Lai Châu lại có thêm 30 giáo viên xung phong vào các xã như Ka Lăng, Thu Lũm, Pa Ủ… để làm nghề và dạy trò. Phải chăng sự dấn thân của họ lại thêm phần cho những Xuân, những Tết của Đại Việt nơi biên ải thêm phần vui tươi ấy là khi con chữ bừng sáng trong ánh mắt của những em học trò thiểu số La Hủ, Kháng, Mảng, Lự...

Đơn Thương