Tết và bình ổn giá

Việt Thắng (thực hiện) 09/01/2017 09:05

Như thông lệ, thường vào dịp cận Tết, giá cả hàng hóa lại tăng. Trao đổi với Đại Đoàn Kết, PGS TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng: Nếu giá tiêu dùng trong dịp Tết gia tăng sẽ kéo lạm phát của 2017 lên cao. Vì thế việc bình ổn giá trong dịp Tết sẽ góp phần bình ổn giá cho cả năm 2017, góp phần làm cho nền kinh tế phát triển theo đúng định hướng đã được Quốc hội, Chính phủ đề ra.

Tết và bình ổn giá

PGS TS Đinh Trọng Thịnh.

PV:Thông thường cứ vào dịp cận Tết là giá cả hàng hóa lại tăng. Theo ông, ngoài Chỉ thị của Bộ Tài chính đưa ra thì chúng ta cần những biện pháp nào để bình ổn giá trong dịp Tết này?

PGS TS Đinh Trọng Thịnh: Giá cả hiện nay ở trong siêu thị, các cửa hàng lớn chiếm tỷ lệ không lớn trong hàng tiêu dùng Việt Nam với khoảng 40%. Do đó đầu tiên đối với cửa hàng, siêu thị, Nhà nước phải có chính sách yêu cầu các cửa hàng không nâng giá, hoặc nâng giá không quá mức 5%. Đương nhiên giá cả thị trường sẽ lên, và giá tại các siêu thị sẽ lên do đó Nhà nước có thể yêu cầu các siêu thị khống chế các mặt hàng, đồng thời cũng phải chuẩn bị các mặt hàng Tết để từ đó mức tăng không cao.

Phần quan trọng nhất là hơn 60% hàng hóa là nằm trong tay tiểu thương và hộ gia đình. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý thị trường, các cơ quan kiểm soát giá cả thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và có động thái can thiệp vào thị trường để từ đó không có mức tăng quá cao so với ngày thường. Rõ ràng giá thị trường phải lên xuống theo cung – cầu do đó có thể lên theo khi nhu cầu cao.

Như những năm trước, chúng ta có bỏ ra một lượng tiền lớn để mua dự trữ hàng hóa để đảm bảo giá thị trường nhưng rõ ràng cách làm này không có hiệu quả. Vì hàng bình ổn không thực sự là hàng bình ổn cho Tết.

Năm nay cách thức có khác đi và không còn những hàng bình ổn ở một số cửa hàng như trước đây nữa vì vậy cách thức quản lý thị trường cũng phải khác. Phải giúp khâu lưu thông và dự trữ hàng hóa của các công ty thương mại, mua bán để lượng hàng cần thiết có thể đáp ứng được nhu cầu, tất nhiên phải kiểm soát giá cả để nó không tăng cao quá.

Cần có dự trữ một số mặt hàng cần thiết để can thiệt vào dịp Tết để giá không quá cao, do đó Sở Công thương phải có cách thức đảm bảo giá cả thị trường ổn định trong dịp Tết vì giá chắc chắn sẽ tăng, nhưng quan trọng là tăng ở mức độ nào thôi.

Theo ông mức tăng bao nhiêu là hợp lý để đảm bảo mức lạm phát đề ra trong năm 2017 là 4%?

- Thực tế những mặt hàng tăng giá là do cung - cầu, khan hiếm có thể tăng 15-20%, nhưng lại có những mặt hàng không tăng, thậm chí có mặt hàng có thể giảm. Điều quan trọng là cố gắng giảm thiểu mức tăng giá, từ đó góp phần làm giảm lạm phát, bình ổn cân đối lớn của nền kinh tế trong năm 2017.

Vì nếu giá tiêu dùng trong dịp Tết tăng cao quá sẽ kéo lạm phát của 2017 lên cao. Vì thế việc bình ổn giá trong dịp Tết trở thành bài toán góp phần bình ổn giá cho cả năm 2017, góp phần làm cho nền kinh tế phát triển theo đúng định hướng mà đã được Quốc hội, Chính phủ đưa ra.

Thường biến động của giá xăng dầu có ảnh hưởng rất lớn đến giá cả hàng hóa. Hiện giá xăng dầu có xu hướng phục hồi. Theo ông, có khả năng biến động của giá xăng dầu từ đó tác động đến giá hàng hóa, dịch vụ dịp Tết không?

- Giá xăng dầu từ nay đến Tết cũng có thể tăng nhưng tăng không lớn, vì vừa rồi đã tăng rồi. Hiện nay giá xăng dầu trên thế giới cũng tương đối ổn định do đó khoảng 3 đến 6 tháng tới, mức tăng giá xăng dầu không nhiều nữa.

Sau khi có động thái giữ sản lượng của một số nước trong khối OPEC, hay nước có lượng sản xuất dầu lớn trên thế giới như Nga thì hiện giá xăng dầu khá bình ổn.

Do đó từ nay đến Tết và sau Tết chắc tỷ giá không tăng cao quá so với mức độ hiện nay. Do đó tăng giá xăng dầu không tác động nhiều lắm đến mức tăng giá của Tết, mà chủ yếu là do cung-cầu tập trung vào một số mặt hàng nên có thể đẩy giá một số mặt hàng lên. Đây là quy luật, và các nhà sản xuất hoàn toàn nắm được cho nên có thể đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng.

Tại thời điểm này, giá cả hàng hóa đã có dấu hiệu nhích lên, thưa ông?

- Thực ra giá cả một số mặt hàng bắt đầu nhích lên từ trước năm 2017, khi chúng ta điều chỉnh tăng giá của dịch vụ y tế, giáo dục. Vì thế giá của một số mặt hàng bắt đầu tăng từ tháng 9/2016.

Thực sự để giữ lạm phát mà Chính phủ đặt ra trong năm 2017 là bài toán khó vì việc mức lạm phát phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong nước và nước ngoài, cả ngân sách cũng như chính sách tiền tệ của ngân hàng, và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Nếu đặt ra tốc độ tăng trưởng 6,7% đòi hỏi lượng hàng hóa, tiền tệ tương đối lớn vào sản xuất, nó cũng tạo sức ép về mặt tăng lãi suất có thể có chiều hướng đi lên trong thời gian tới.

Về mặt ngân sách Nhà nước, những thâm hụt ngân sách vẫn cao dù Chính phủ, Bộ Tài chính đang quyết tâm hạ thấp thâm hụt ngân sách nhưng do mức trả nợ đang lớn, chi tiêu thường xuyên vẫn ở mức cao cho nên thâm hụt ngân sách có giảm so với trước nhưng giảm không nhiều.

Tất cả các yếu tố đó lại nằm trong một xu thế chung đó là nền kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng nhưng có nhiều động thái khác, đặc biệt nền kinh tế Mỹ tăng trưởng rất nhanh, đồng USD tăng giá. Sau khi ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ thì đồng USD tăng giá rất nhanh và lớn, dẫn đến việc đồng Việt Nam có sức ép về mặt giảm giá để đáp ứng cân bằng với các đồng tiền khác trên thế giới cũng như phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu.

Vì thế yếu tố lạm phát trong năm 2017 là rất lo ngại nếu chúng ta không làm quyết liệt ngay từ những tháng đầu, quý đầu, nhất là trong dịp Tết thì tỷ lệ lạm phát có thể không ở mức như mong muốn và tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế năm 2017.

Cho nên việc các cấp chính quyền, cơ quan quản lý thị trường, tài chính, thuế có biện pháp và giải pháp kiên quyết ngay từ tháng đầu, quý đầu của năm 2017 là đáng quan trọng.

Đây là chỉ đạo nhanh nhạy của Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm góp phần giảm thấp áp lực lạm phát, và cố gắng giữ mức lạm phát ở mức thấp góp phần làm cho tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt được mức mong muốn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Việt Thắng (thực hiện)