Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi: Khoảng trống còn lớn
Tốc độ già hóa dân số nước ta đang diễn ra nhanh, kéo theo số lượng người cao tuổi (NCT) chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Tuy nhiên, số người được tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc dành cho NCT còn quá thấp. Việc chăm sóc NCT vì vậy cần được chú trọng hơn để nâng cao chất lượng dân số và giảm gánh nặng về y tế.
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là trách nhiệm của toàn xã hội.
Bất cập
Là một cán bộ về hưu, có con định cư bên nước ngoài nên tuổi già của cụ N.V.N ( Cầu Giấy, Hà Nội) chỉ biết trông cậy vào sự chăm sóc của nhân viên điều dưỡng Viện Dưỡng lão Thiên Đức (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Cụ bảo, để vào trại dưỡng lão, cả cụ và con cụ cũng phải đấu tranh tư tưởng rất lớn, bởi có không ít người sẽ nghĩ con cụ bỏ rơi bố ở trại dưỡng lão, còn mình sống ở trời Tây.
Cũng vì nỗi sợ này mà cụ phải sống lủi thủi một mình. Con cụ vì công việc nên không thể về nước, mà tuổi như cụ cũng không còn sức để sang ở cùng con.
Sau ba năm dài sống một mình, cuối cùng cụ cũng quyết định chọn Viện Dưỡng lão Thiên Đức là ngôi nhà thứ 2 để có người chăm sóc thường xuyên.
“Viện dưỡng lão có nhiều người hoàn cảnh giống tôi. Cũng có người còn con cháu đề huề, nhưng bị bệnh tật ốm đau, ở Viện dưỡng lão có nhân viên điều dưỡng chăm sóc khoa học hơn, nên cũng đăng ký vào đây. Ngoài việc được chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ, chúng tôi còn được điều trị các bệnh mãn tính nên rất yên tâm. Đặc biệt vào đây, chúng tôi có rất nhiều bạn, chuyện trò rôm rả suốt ngày”- cụ N kể.
Tuy nhiên, những người có điều kiện kinh tế để được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc tại nhà hoặc tại các viện dưỡng lão như cụ N.V.N không phải là nhiều. Nhất là trong hoàn cảnh số lượng người cao tuổi ngày càng tăng lên, trong khi các dịch vụ xã hội, chăm sóc y tế lại chưa đáp ứng đủ. Phần lớn những NCT hiện nay được chăm sóc tại gia đình bởi những người chưa được đào tạo hoặc phải tự chăm sóc cho mình.
Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi, cả nước hiện có gần 10 triệu NCT, chiếm khoảng 10,5% dân số. Tuy nhiên, mới có hơn 2 triệu NCT được khám sức khỏe định kỳ; 1,7 triệu NCT được lập sổ theo dõi sức khỏe ban đầu...
Theo các chuyên gia, dù dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho NCT đã được xã hội hóa, nhưng các dịch vụ này vẫn chưa nhiều và chưa thực sự phát triển. Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách y tế cho NCT cũng còn nhiều khoảng trống.
Cần chính sách ưu đãi
Trước thực trạng già hóa dân số nêu trên, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chính sách liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe NCT. Mặc dù vậy, việc thực thi các chính sách liên quan đến chăm sóc NCT còn gặp nhiều khó khăn.
Nhận thức của một số Bộ, ban ngành và chính quyền địa phương về già hóa dân số và chăm sóc sức khỏe NCT còn chưa đầy đủ. Hiện có hàng trăm mô hình chăm sóc NCT tại cộng đồng do Nhà nước và nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện.
Tuy nhiên, những mô hình này vẫn còn nhiều thách thức do nguồn kinh phí hạn hẹp, cơ sở hạ tầng còn rất hạn chế; nguồn nhân lực chưa ổn định và đáp ứng nhu cầu chăm sóc; đặc biệt là việc chăm sóc vẫn còn mang tính chất tự nguyện và chưa được lồng ghép trong các hoạt động chung ở cộng đồng.
Là người nhiều năm gắn bó với công tác chăm sóc người cao tuổi, ông Nguyễn Tuấn Ngọc- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội NCT Việt Nam cho biết, thách thức của quá trình già hóa dân số hiện nay đã gây nên sự quá tải đối với các cơ sở hạ tầng, cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Đa phần các cơ sở bảo trợ chăm sóc người cao tuổi hiện nay là của Nhà nước nên còn nhiều hạn chế, chưa chuyên nghiệp. Việc thành lập các trung tâm chăm sóc người cao tuổi đang là xu hướng tất yếu, tuy nhiên, việc thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân đầu tư trong lĩnh vực này còn nhiều khó khăn.
Do đó Nhà nước sớm ban hành chính sách ưu tiên về đất đai, nguồn vốn… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu được chăm sóc của người cao tuổi hiện nay.
Trên thực tế, xu thế trên thế giới là chuyển công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT từ trong BV sang cộng đồng. Ở Việt Nam nhiều địa phương cũng đã xuất hiện mô hình này, song công tác xã hội hóa trong lĩnh vực chăm sóc NCT còn gặp nhiều khó khăn, nhất là chính sách, cơ chế khuyến khích tư nhân đầu tư các cơ sở chăm sóc NCT.
Theo Báo cáo của Ủy ban quốc gia về NCT, năm 2016, cả nước có 10.144.400 NCT, chiếm 10,94% dân số, trong đó có có 1.892.900 người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 18,6% tổng số NCT). Số NCT sống ở khu vực nông thôn là 6.636.000 người (chiếm 65,7%); tỷ lệ NCT thuộc hộ nghèo khoảng 22%. |