Bộ Y tế có quy định ‘bắt buộc hiến máu’ trong luật?

Dương Tiêu 09/01/2017 16:20

Việc nêu quy định “nghĩa vụ bắt buộc hiến máu” của công dân chỉ nằm trong một báo cáo đánh giá tác động chứ không hề có trong dự thảo luật đang lấy ý kiến người dân.

Hai hôm nay, mạng xã hội rúng động vì thông tin “Dự thảo Luật về máu và tế bào gốc đang được Bộ Y tế xây dựng có quy định mỗi người dân trong độ tuổi 18-60 và có đủ điều kiện sức khỏe đều phải hiến máu tình nguyện ít nhất một lần”. Một quy định mà nhiều Fber cho rằng phản nhân văn và vi hiến.

Bộ Y tế có quy định ‘bắt buộc hiến máu’ trong luật?

Ảnh minh họa.

Thực hư sự việc ra sao?

Thông tin này bắt nguồn từ Báo cáo đánh giá tác động chính sách đối với dự án luật về máu và tế bào gốc. Tại Báo cáo này, Bộ Y tế đưa 2 giải pháp về nghĩa vụ của công dân liên quan đến hiến máu.

Giải pháp 1: Quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu.

Giải pháp 2: Quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu.

Sau khi phân tích tác động đối với nhiều chủ thể, Bộ Y tế kết luận rằng: Cả hai giải pháp đều không có tác động đến tăng chi cho Nhà nước mà chỉ tăng chi cho Quỹ bảo hiểm y tế với mức tăng chi bình quân khoảng 500 tỷ đồng/năm.

Trong đó, việc quy định hiến máu là nghĩa vụ của công dân có mặt tích cực là giúp cho có nguồn máu đầy đủ và ổn định và nếu thực hiện chính sách này thì hằng năm sẽ tiêu tốn khoảng 4.180 tỷ đồng.

Cụ thể: Quỹ bảo hiểm y tế sẽ phải tăng chi khoảng 400 tỷ đồng/năm, chủ sử dụng lao động sẽ phải bỏ ra khoảng 3.200 tỷ đồng để chi trả tiền lương cho khoảng thời gian mà người lao động sự dụng để đi hiến máu và bản thân người lao động sẽ phải bỏ ra thêm 580 tỷ đồng cho việc đi lại phục vụ cho việc hiến máu.

Còn nếu coi việc hiến máu là tự nguyện và trong điều kiện lý tưởng là có 18,2 triệu người hiến máu tình nguyện trong một năm thì hằng năm sẽ tiêu tốn khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó: Quỹ bảo hiểm y tế sẽ phải tăng chi thêm khoảng 524 tỷ đồng/năm, chủ sử dụng lao động sẽ phải bỏ ra khoảng 1.250 tỷ đồng để chi trả tiền lương cho khoảng thời gian mà người lao động sử dụng để đi hiến máu và bản thân người lao động sẽ phải bỏ ra trên 217 tỷ đồng cho việc đi lại phục vụ cho việc hiến máu.

Tham khảo pháp luật quốc tế cho thấy, toàn bộ các quốc gia có ban hành Luật về máu thì không có quốc gia nào quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân, kể cả Trung Quốc.

Theo Luật hiến máu của Trung Quốc thì “Các cơ sở, ban ngành Nhà nước, quân đội, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, các đơn vị, Ủy ban dân cư và Ủy ban thôn xóm cần huy động và tổ chức cán bộ nhân dân của đơn vị mình đi hiến máu nếu ở độ tuổi phù hợp”.

Theo đó các cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong hệ thống nhà nước phải có trách nhiệm tham gia hiến máu và nguồn máu này được lưu trữ và sử dụng phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho toàn dân chứ cũng không quy định nghĩa vụ bắt buộc hiến máu.

Bên cạnh đó, nếu sử dụng giải pháp 1 thì sẽ xuất hiện một lượng máu dư thừa khá lớn không cần thiết là khoảng dần 28 triệu (theo tính toán của Tổ chức y tế thế giới thì một năm một quốc gia cần khoảng 2% dân số hiến máu mỗi năm tương đương với 18,2 triệu đơn vị máu và nếu quy định nghĩa vụ hiến máu của công dân thì sẽ có 46 triệu đơn máu/năm).

Theo Bộ Y tế, việc sử dụng giải pháp 1 cũng làm tăng chi phí của xã hội lên gấp đôi cho với việc sử dụng giải pháp 2.

Từ những phân tích trên, Bộ Y tế đề xuất nên lựa chọn giải pháp 2 để vừa phù hợp với thực tiễn, phù hợp với pháp luật quốc tế cũng như không gây tốn kém không cần thiết cho Nhà nước và xã hội.

Bên cạnh đó, do nội dung của các chính sách được xác định có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân vì vậy theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì thẩm quyền ban hành chính sách thuộc Quốc hội.

Việc đưa 2 giải pháp về nghĩa vụ của công dân liên quan đến hiến máu là một kỹ thuật lập pháp nhằm làm rõ hơn vấn đề. Nó nằm tại báo cáo đánh giá tác động chứ không hề nằm trong Dự thảo luật. Do vậy, những nghi ngại về việc Bộ Y tế “bắt” người dân đi hiến máu dường như là “lo quá xa”.

Và trên trang dự thảo online, Luật máu và tế bào gốc cũng chỉ có giải pháp 2 mà thôi.

Một số người dường như có vẻ “thích” đóng góp ý kiến về dự thảo luật trên mạng, thông qua việc “lý giải” trên báo chí mà ít quan tâm đến văn bản luật gốc đang xin ý kiến. Dự thảo Luật máu và tế bào gốc đưa lên trang Dự thảo online vài tháng nay và chỉ có 1 ý kiến đóng góp vào ngày 25/7/2016.

>> Toàn văn Dự thảo Luật máu và tế bào gốc trên trang Dự thảo Online.

Dương Tiêu