Vì sao bạo lực súng đạn gần như 'vắng bóng' ở Nhật Bản?
Trong khi các vụ xả súng hay tội phạm liên quan tới súng đạn ngày càng gia tăng ở Mỹ, thì đồng minh thân cận của họ ở châu Á, Nhật Bản lại có tỷ lệ tội phạm súng đạn thấp nhất thế giới, với chỉ 6 vụ thiệt mạng do súng năm 2014 so với 33.599 vụ ở Mỹ. Điều gì giúp Nhật kiểm soát được vấn nạn này?
Cảnh sát Nhật cực hiếm khi sử dụng tới súng, mà thường vận dụng võ thuật để trấn áp tội phạm. (Nguồn: AP).
Nếu như một người muốn mua súng ở Nhật Bản, họ cần phải cực kỳ quyết tâm và kiên nhẫn bởi phải trải qua một lớp học kéo dài cả ngày, tham gia một bài kiểm tra viết tay và vượt qua một bài kiểm tra bắn súng thực hành với số điểm ít nhất là 95%.
Đó là chưa kể hàng loạt các quá trình kiểm tra tâm lý và kiểm tra xem người sử dụng súng có sử dụng chất gây nghiện hay không.
Cảnh sát Nhật cũng sẽ kiểm tra xem họ có tiền án, tiền sự hay có liên hệ với tổ chức cực đoan nào hay không, sau đó kiểm tra cả thân nhân trong gia đình, thậm chí là cả đồng nghiệp ở cơ quan.
Cảnh sát Nhật cũng có đủ thẩm quyền khước từ đơn xin sử dụng súng, khám xét và thu giữ súng đạn.
Nhưng chưa hết. Các loại súng ngắn bị cấm tiệt ở Nhật Bản. Chỉ có súng săn và súng hơi được phép sử dụng.
Luật pháp nước này cũng hạn chế số lượng các cửa hiệu súng. Ở phần lớn trong số 40 khu phức hợp ở Nhật Bản, trung bình chỉ có khoảng 3 cửa hiệu mỗi vùng, và người ta chỉ có thể mua đạn mới sau khi trả lại các vỏ đạn đã sử dụng.
Cảnh sát cần phải được thông báo về nơi mà súng và đạn được dự trữ, và chúng cần phải được lưu trữ bên trong những vật dụng có khóa và chìa khóa.
Cảnh sát cũng tổ chức kiểm tra tất cả súng đạn mỗi năm một lần. Và mỗi ba năm, giấy phép sử dụng súng hết hạn, những người dùng cần phải tham dự và vượt qua các bài kiểm tra một lần nữa.
Điều này lý giải vì sao các vụ xả súng hàng loạt cực hiếm khi xảy ra ở Nhật Bản. Khi một vụ giết người hàng loạt xảy ra ở nước này, phần lớn kẻ thủ ác sử dụng một con dao.
Được biết bộ luật kiểm soát súng đạn hiện hành ở Nhật Bản được áp dụng từ năm 1958, nhưng ý tưởng đằng sau chính sách này đã có từ vài thế kỷ trước.
“Kể từ khi súng đạn du nhập, Nhật Bản đã luôn có các bộ luật kiểm soát gắt gao” - Iain Overton, chuyên gia phân tích về bạo lực súng đạn, cho hay - “Họ là quốc gia đầu tiên áp dụng luật kiểm soát súng đạn trên thế giới và tôi nghĩ rằng điều này đã đặt nền móng vững chắc cho tâm lý chung rằng súng đạn không đóng vai trò gì trong xã hội của họ”.
Người dân Nhật từ năm 1685 đã được treo thưởng nếu như từ bỏ súng đạn. Bởi vậy, tỷ lệ sở hữu súng đạn ở nước này cực thấp - 0,6 khẩu súng trên mỗi 100 người (năm 2007) theo tổ chức Nghiên cứu Vũ khí hạng nhẹ - so với 88,8 ở nước Mỹ.
Cảnh sát Nhật Bản cũng rất hiếm khi phải sử dụng đến súng mà phần lớn nhờ tới võ thuật. Bởi vậy mà phần lớn cảnh sát nước này đã đạt đến đai đen trong môn vật Judo, thậm chí còn tập thêm cả môn kiếm đạo, hơn là học sử dụng súng.
Ngược lại, ở nước Mỹ, chính quyền lại theo đuổi chính sách gần như “quân sự hóa lực lượng cảnh sát”.
“Nếu như có quá nhiều cảnh sát sử dụng súng ngay khi mới gặp một nghi phạm, chắc chắn sẽ nảy sinh một cuộc chạy đua vũ trang giữa cảnh sát và những kẻ tội phạm” - ông Overton nhận định.
Để hiểu hơn về sự chặt chẽ của luật súng đạn ở Nhật, đã từng có một trường hợp một sỹ quan cảnh sát nước này dùng súng của mình để tự sát, và sau đó đã bị buộc tội vì hành động trên.
Hay trong một cuộc tập bắn của lực lượng cảnh sát Nhật, khi kết thúc, mọi vỏ đạn bắn ra đều được đếm cẩn thận và chỉ cần thiếu 1 vỏ đạn thôi là cả đơn vị sẽ phải tìm bằng được trước khi ra về.
Các bộ luật kiểm soát súng đạn ở Nhật Bản không hề có kẽ hở và cũng không bao giờ giảm nhẹ hình phạt với bất cứ ai. Theo giới chuyên gia, tâm lý này dường như xuất phát từ thời hậu Thế chiến II và người dân Nhật đều cho rằng chiến tranh và súng đạn là điều đáng sợ.
Theo ông Overtone, việc Nhật Bản gần như cấm tiệt sử dụng súng đạn cho thấy họ đang hướng tới việc xây dựng một quốc gia hoàn thiện. Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lấy một ví dụ khác là Iceland, quốc gia cũng có tỷ lệ tội phạm liên quan tới súng đạn cực kỳ thấp, bất chấp tỷ lệ sở hữu súng đạn rất cao.
Tuy nhiên, đối với các băng đảng bên trong nước Nhật, thì các bộ luật kiểm soát súng đạn chặt chẽ như vậy là một vấn đề.
Các vụ án liên quan tới súng đạn của tổ chức Yakuza ở nước này đã giảm mạnh trong vòng 15 năm qua, nhưng những người tiếp tục sử dụng vũ khí nóng lại tìm ra nhiều cách khác để tuồn chúng vào trong nước.
“Có nhiều kẻ tội phạm đã nhét nhiều khẩu súng vào trong một con cá ngừ” - ông Tahei Ogawa, một sỹ quan cảnh sát nghỉ hưu cho hay - “Nhưng chúng tôi đã phát hiện ra vụ việc và phát hiện ra số súng nọ”.