Lao động nữ nuôi con được nghỉ 60 phút mỗi ngày ảnh hưởng đến doanh nghiệp: Lý do không thuyết phục

Lê Bảo 10/01/2017 10:05

Theo quy định hiện hành, chủ doanh nghiệp không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa nếu người đó mang thai từ 6 tháng trở lên mà làm việc ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Phần đông phụ nữ mong muốn duy trì quy định cũ.

Người chủ không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với lao động nữ khi họ kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Ngoài ra lao động nữ được nghỉ 60 phút/ngày khi nuôi con nhỏ (nuôi con dưới 12 tháng) trong thời gian làm việc, để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Tuy nhiên mới đây, trao đổi với báo chí, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Pháp chế, Bộ LĐTB&XH cho hay, các doanh nghiệp kiến nghị nên bỏ quy định trên bởi việc sản xuất gặp khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao. Nếu có quá nhiều quyền lợi cho lao động nữ khi thai sản thì doanh nghiệp khó bố trí kế hoạch sản xuất, đặc biệt là những ngành nghề như dệt may, da giầy...

Mặc dù mới chỉ là đề xuất ban đầu của các doanh nghiệp song thông tin bỏ quy định lao động nữ nuôi con dưới 1 tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút khiến không ít “mẹ bỉm sữa” lo lắng.

Đã qua thời nuôi con nhỏ nhưng chị Nguyễn Thị Linh - công nhân điện tử khu công nghiệp Bá Thiện, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc cho biết, nếu không có quy định được nghỉ 60 phút mỗi ngày thì chị phải xin nghỉ vì cả 2 đứa con chị đều nhất quyết nói không với sữa công thức.

“Nhiều người ở ngoài nhìn vào đều nói 60 phút thì làm được gì và không đáng nghỉ, nhưng với tôi đó là khoảng thời gian vô cùng quý giá. Cũng nhờ có quy định đó mà mỗi ngày tôi chạy về khu trọ cho con bú và vắt sữa để ở nhà bà cho con uống. Giờ nếu bỏ quy định này đi sẽ là thiệt thòi rất lớn cho phụ nữ” – chị Linh nói.

Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn kết xung quanh đề xuất trên, bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng cho rằng, quy định lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi được nghỉ 60 phút mỗi ngày như hiện hành là một quy định nhân văn và cần phải được tiếp tục duy trì.

Lý do theo bà Giang, hiện nay Đảng và Nhà nước đang có nhiều chính sách khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ nhằm giúp thế hệ tương lai có một thể chất khỏe mạnh. Đây cũng chính là lý do nâng chế độ thai sản từ 4 lên 6 tháng.

“60 phút nghỉ mỗi ngày với lao động nữ là quãng thời gian rất đáng quý, nó không chỉ giúp người mẹ giải tỏa được nỗi lo con bị đói, con bị khát sữa mà còn giúp đứa trẻ được bú mẹ nhiều hơn, nâng cao sức đề kháng giảm gánh nặng về bệnh tật. Và khi đứa trẻ khỏe mạnh thì người mẹ sẽ càng lao động hăng say, năng suất lao động được tăng. Vì thế lý do nói doanh nghiệp gặp khó khăn nên phải bỏ quy định này là hoàn toàn không thuyết phục” – bà Giang nói.

Với vai trò Tổ trưởng Tổ biên tập Dự án Luật, ông Bốn cho rằng nên giữ như hiện nay bởi đây là quy định nhân văn, lao động nữ còn làm vợ, làm mẹ, chăm sóc gia đình. Việc bỏ hay giữ quy định thì phải chờ tập hợp ý kiến, thời gian tới trình Quốc hội cho ý kiến có thông qua hay không.

Song theo ông Bốn, chế độ thai sản 6 tháng cho lao động nữ của Việt Nam đang ở mức cao so với nhiều nước trong khu vực. Các quy định nên hài hòa lợi ích chủ doanh nghiệp và người lao động. Nếu ưu tiên quá thì lại trở thành rào cản cho lao động nữ. Bởi khi gánh chi phí sản xuất, tiền đóng bảo hiểm xã hội cao, doanh nghiệp sẽ tìm cách cắt giảm nhân công, không tuyển nữ.

Dự kiến, tháng 3 tới Chính phủ sẽ trình cơ quan thẩm tra của Quốc hội và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tháng 4 trình Quốc hội Dự án luật.

Lê Bảo