Sẽ nghiêng về giải pháp hiến máu tình nguyện

Ngọc Kha 10/01/2017 09:00

Vừa qua, Bộ Y tế phát đi thông tin đề xuất trình Quốc hội Dự thảo Luật Máu và Tế bào gốc mà theo đó, bộ này đưa ra 2 giải pháp tạo nguồn máu: Bắt buộc phải hiến máu 1 lần/năm và hiến máu tự nguyện. Do ngày 9/1, báo chí có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, chiều muộn cùng ngày, Vụ pháp chế (Bộ Y tế) tổ chức gặp gỡ báo chí thông tin chính thức xung quanh vấn đề này.

Vụ trưởng Vụ pháp chế Nguyễn Huy Quang cho rằng: Hiện nay chúng ta chưa có cơ chế pháp lý về công tác huy động máu và tế bào gốc. Bộ Y tế cũng chưa đề xuất bất kỳ một chính sách bắt buộc huy động máu mà mới chỉ dừng lại ở tinh thần hiến máu tình nguyện.

Tuy nhiên, trong vấn đề này, có ý kiến cho rằng nếu hiến máu tình nguyện không đáp ứng trong một tình huống nào đó thì sao? Trong bối cảnh này, Bộ Y tế cho rằng: Vấn đề hiến máu vẫn cần thiết được duy trì ngày càng tích cực, nhất là vào các dịp lễ, Tết, Ngày hiến máu tình nguyện (7-4), các phong trào Chủ nhật đỏ, Hiến máu nghĩa tình... để tạo ra nguồn máu quý hiếm.

Theo ông Quang, năm 2016, chúng ta huy động được hơn 1,4 triệu đơn vị máu, tăng hơn 3,9% so với năm 2015, đạt 1,52% dân số hiến máu. Theo quốc tế, nếu chúng ta có được mức 2% dân số hiến máu thì đạt yêu cầu. Tức là, nếu chúng ta đạt 1,9 triệu đơn vị máu hiến thì đáp ứng nhu cầu điều trị. Hiện nay, số người hiến máu tình nguyện đạt 97% số người cho máu và đó là xu hướng nhất quán mà chúng ta vẫn phải duy trì.

“Giả định thực tế có lúc nhu cầu máu tăng cao, việc hiến máu tình nguyện không đáp ứng, chúng ta vẫn không được huy động máu bắt buộc, trừ trường hợp liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia” - ông Quang khẳng định trước báo giới.

Cũng theo ông Quang, trên thế giới, không có một quốc gia nào quy định hiến máu bắt buộc. Theo ông Quang, nếu lấy máu bắt buộc ở mức mỗi người 1 lần/năm thì không những vi phạm quyền con người mà lượng máu được huy động sẽ thừa ra so với nhu cầu, lãng phí cả máu lẫn kinh phí chi cho việc huy động này.

“Tại sao Bộ Y tế đưa ra 2 phương án huy động máu như báo chí đưa tin nhưng đồng thời lại “nghiêng” về phương án hiến máu tự nguyện?”. Trả lời câu hỏi này của PV báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Huy Quang cho rằng, là do có ý kiến lo ngại sau này có những khi lượng máu được huy động từ hiến máu tự nguyện không đáp ứng đủ nhu cầu máu. Ông Quang khẳng định: Giải pháp 1 sẽ không được ghi vào Dự thảo của Bộ luật này khi trình Chính phủ và Quốc hội.

Ngọc Kha