Bị cáo Phạm Công Danh bị đề nghị y án sơ thẩm 30 năm tù giam

Lê Anh 11/01/2017 08:05

Ngày 10/1, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp cao tại TP HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) bác toàn bộ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Phạm Công Danh và các đồng phạm trong xét xử phúc thẩm vụ án hình sự gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).

Bị cáo Phạm Công Danh bị đề nghị y án sơ thẩm 30 năm tù giam

Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa.

Trước khi đưa ra đề nghị mức án, VKSND cho biết sau phiên tòa sơ thẩm thì có 25 trong tổng số 36 bị cáo có đơn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm và 18 người có quyền, nghĩa vụ liên quan.

Theo đại diện VKSND, bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT của VNCB, kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) và các đồng phạm đã gây ra hậu quả thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng, với các sai phạm là đặc biệt nghiêm trọng. Bản án sơ thẩm đã xem xét các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ đối với các bị cáo và vì vậy đã đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, cần thiết giữ nguyên các hình phạt.

Đại diện VKSND đã bác kháng cáo của bị cáo Phạm Công Danh, trong khi chỉ chấp nhận một phần kháng cáo liên quan đến trách nhiệm bồi thường, bồi hoàn trong vụ án, theo đó thu hồi số tiền 500 tỷ đồng của bị cáo Danh đã chuyển cho ông Trần Quý Thanh (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát) và số tiền của một số cá nhân, gồm bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ), bà Trần Ngọc Bích (đại diện nhóm Tân Hiệp Phát) để giao VNCB, đảm bảo khắc phục hậu quả.

Riêng về án tù giam, đại diện cơ quan công tố đề nghị tuyên phạt y án sơ thẩm bị cáo Phạm Công Danh 30 năm tù giam, tính từ ngày 29/7/2014 và buộc bị cáo Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh liên đới bồi thường hơn 6.000 tỷ đồng cả gốc và lãi cho VNCB.

Về trách nhiệm dân sự, Phạm Công Danh còn bị buộc phải sử dụng toàn bộ tài sản (sở hữu 80%, còn 20% còn lại do vợ bị cáo Danh sở hữu) của Tập đoàn Thiên Thanh để khắc phục hậu quả của vụ án; kể cả việc kê biên các tài sản của bị cáo Danh để đảm bảo thi hành án.

Các bị cáo khác cũng bị đề nghị y án sơ thẩm, gồm Phan Thành Mai (nguyên Giám đốc VNCB) 22 năm tù; Mai Hữu Khương (nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang) 20 năm tù; Hoàng Đình Quyết (nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) 19 năm tù.

Đối với 32 bị cáo còn lại của vụ án phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” cũng được đề nghị y án các mức án thấp nhất là 3 năm tù treo (thời gian thử thách 5 năm) đến cao nhất là 9 năm tù giam.

Lê Anh