Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp
“Từ việc doanh nghiệp đi tìm ngân hàng, sau đó là ngân hàng đi tìm doanh nghiệp, giờ cả hai tự tìm đến nhau. Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp không chỉ được giải quyết về nguồn vốn mà niềm tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp được củng cố”, ông Nguyễn Phước Thanh – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định.
Gỡ khó về nguồn vốn từ chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Ngày 10/1, UBND TP HCM và Ngân hàng Nhà nước phối hợp tổ chức hội nghị Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2016 và kế hoạch triển khai năm 2017.
Ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM thông tin, năm 2016 tổng số tiền cho vay từ chương trình đạt 281.216 tỷ đồng, cao hơn 60% so với năm 2015 và bằng cả số tiền cho vay, giải ngân của chương trình trong 4 năm qua với số lượng khách hàng gấp 2,3 lần.
Mong muốn chương trình kết nối này tiếp tục đạt hiệu quả cao, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho hay, năm 2107 sẽ thực hiện đăng ký theo tiêu chí đặt ra về lãi suất, về điều kiện tín dụng gắn với các chương trình kích cầu đầu tư, chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chương trình bình ổn thị trường,... tạo điều kiện về vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đến nay đã có 16 đơn vị của 15 thương hiệu Ngân hàng tham gia đăng ký gói hỗ trợ với tống số tiền trên 241.100 tỷ đồng. Lãi suất cho vay ngắn hạn không quá 7%/năm; trung và dài hạn từ 8 - 10%/năm.
Song song đó, tiếp tục triển khai chương trình kết nối cấp thành phố theo chuyên đề, lĩnh vực với nguồn vốn của các ngân hàng tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh cho các nhóm ưu tiên: xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp chuyển từ hộ sản xuất kinh doanh,…
Nhận định về chương trình kết nối nguồn vốn cho doanh nghiệp, ông Trần Việt Anh – Tổng Giám đốc Công ty Nam Thái Sơn mong muốn: “Ngân hàng nên thực hiện cho vay vốn một cách công bằng hơn nữa, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp để doanh nghiệp này có điều kiện phát triển.
Nếu được, ngân hàng nên tư vấn đầu tư cho doanh nghiệp. Đây là kiến thức mà ngân hàng có được trong quá trình hoạt động mà doanh nghiệp không có”.
Dựa trên kết quả thực hiện của chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, ông Nguyễn Phước Thanh – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định: “Từ doanh nghiệp đi tìm ngân hàng, sau đó là ngân hàng đi tìm doanh nghiệp, giờ cả hai tự tìm đến nhau. Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp không chỉ được giải quyết về nguồn vốn mà niềm tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp được củng cố”.
Đánh giá về tình hình phát triển của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP HCM trong năm 2016, trước đó ông Tô Duy Lâm - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM khẳng định, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn ổn định trong xu hướng tích cực.
Các yếu tố lãi suất, tỷ giá diễn biến phù hợp với thị trường, phù hợp quan hệ cung - cầu vốn, tác động tích cực đến hoạt động ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Kết quả, huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 16%; dư nợ tín dụng tăng 18%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ của các năm trước đây.
Hiện nay, dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 1.457.600 tỷ đồng. Trong đó tín dụng cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm 78% trong tổng số dư nợ tín dụng.
Ông Tô Duy Lâm cho biết thêm, trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả và bền vững.
Đặc biệt, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tuân thủ quy định về tăng trưởng tín dụng, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và đặc biệt quan tâm, theo dõi sát sao tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: chứng khoán; kinh doanh bất động sản. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các chương trình tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương và UBND TP HCM.