Để Hà Nội đẹp như vốn có
Còn nhớ vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, Thành phố rộn ràng các công tác chuẩn bị cho lễ hội. Nhiều dự án được đề xuất: 1.000 cái trống, 1.000 bài thơ, 1.000 con rồng…
Khi ấy các KTS cũng băn khoăn lắm, rằng tại sao không dành những đầu tư ấy cho sân chơi, trường học, nhà trẻ cho trẻ em. Có lẽ đơn giản là làm ra những thứ thiết thực rất khó khăn, vất vả, suy nghĩ nát óc… còn làm ra những thứ tầm phào thì dễ, dễ nhặt nhạnh và càng làm ẩu thì cái tâm trí con người nó lười biếng mà bớt lanh lợi dần đi.
Lại có dự án làm các cổng chào thì mới kỳ cục: vừa tốn kém, vừa vô nghĩa. Các KTS Hà Nội đã họp và đưa ra câu hỏi: làm cổng chào thì chào ai, ai phải chào?
Không ai trả lời cho ra nhẽ nên cái dự án đó dẹp đi không kèn trống. Lễ hội 1000 năm diễn ra không có mấy cái cổng chào, không có cả nghìn thứ khác thì Hà Nội vẫn là Hà Nội.
Mấy năm trở lại đây, mỗi dịp lễ Tết trên các đường phố lại rộn ràng trang trí nhưng màu sắc thì tùy tiện, hình khối thì vụng về. Gần đây lại thêm trang trí bằng hoa chậu xếp hình, đèn chiếu sáng, bảng điện tử nữa… trông rất bất ổn.
Các KTS lớn tuổi phàn nàn: “Sao bây giờ nhiều rác vậy, mà không phải rác thường đâu, toàn thứ rác đắt tiền: rác kiến trúc, rác quy hoạch, rác gốm sứ, rác trang trí… Giữa Thủ đô mà hàng ngày nhìn thấy những thứ xấu xí bày ra tràn lan, những người yêu cái đẹp trầm lắng, sâu xa, lịch lãm của Hà Nội đau lòng lắm. Tết đã đến gần, nhân chuyện trang điểm phố phường lại liên tưởng để ngẫm: “Ngũ sắc làm ta lóa mắt/ Ngũ thanh làm ta chói tai/ Ngũ vị làm ta lợm giọng”.
Trang trí thành phố cần chuyên môn nghệ thuật thiết kế đô thị. Vật liệu trang trí có thể bền vững lâu dài hay có thể trong thời gian giới hạn, nhưng nó tuân thủ những quy tắc thụ cảm thị giác tĩnh và động (hiệu ứng cinetique).
Thị cảm theo thời gian: ban ngày là hình hài màu sắc tự nhiên do tác động của ánh sáng mặt trời. Tối do chiếu sáng tập trung hay phận tán, hiệu ứng hình nền, các phổ ánh sáng điều tiết phối hợp bởi cường độ sáng tối, gam mầu nóng lạnh, tương tác với cảnh quan kiến trúc, thiên nhiên… và vượt lên là những thông điệp, tính ẩn dụ của hình thức trang trí – Không đơn giản như những gì ta đang thấy trên đường phố hôm nay.