Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Từ kinh nghiệm quốc tế đến thực tiễn Việt Nam

Thu Hương 11/01/2017 08:35

Ngày 10/1, Bộ GD&ĐT phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và vận dụng vào điều kiện Việt Nam. Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được thực hiện từ năm học 2018 - 2019.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, mục đích của hội thảo là muốn lắng nghe, tham khảo ý kiến góp ý tư vấn của các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và trong nước nhằm hoàn thiện dự thảo chương trình (CT) giáo dục phổ thông tổng thể theo hướng tiếp cận quốc tế nhưng phải mang bản sắc của Việt Nam.

Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Từ kinh nghiệm quốc tế đến thực tiễn Việt Nam

Trong chương trình mới, phẩm chất cần hình thành,
phát triển ở học sinh gồm: nhân ái, khoan dung; chuyên cần, tiết kiệm; trách nhiệm, kỷ luật; trung thực, dũng cảm.

Giảm khoảng một nửa số lượng môn học

Tại hội thảo, GS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên CT giáo dục phổ thông mới - đã trình bày dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Trong đó, nêu rõ phương hướng và kế hoạch khái quát của toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm những quy định về các vấn đề chung của giáo dục phổ thông: Quan điểm xây dựng chương trình, mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông và mục tiêu chương trình giáo dục của từng cấp học, yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung của học sinh cuối mỗi cấp học, các lĩnh vực giáo dục và hệ thống các môn học, thời lượng của từng môn học, định hướng nội dung giáo dục bắt buộc ở từng lĩnh vực giáo dục và phân chia vào các môn học ở từng cấp học đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc, định hướng về phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục và cách thức đánh giá chất lượng giáo dục của từng môn học, điều kiện tối thiểu của nhà trường để thực hiện được chương trình.

Cụ thể, ở cấp học THPT, theo phác thảo của CT mới, điểm thay đổi lớn nhất chính là việc giảm khoảng một nửa số lượng môn học so với chương trình hiện hành. Ở lớp 10, học sinh vẫn được học đủ các môn với nội dung hướng nghiệp của từng môn rõ ràng.

Tuy nhiên, ngoài 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ được dạy suốt cả năm học, các môn còn lại mỗi môn chỉ được bố trí trong một học kỳ. Riêng môn giáo dục thể chất sẽ được tổ chức dưới hình thức các câu lạc bộ thể thao tự chọn thay vì yêu cầu học sinh học tất cả các môn như hiện nay.

Đến lớp 11 trở đi, học sinh sẽ phải xác định đâu là hướng đi cho mình bằng cách tập trung vào các môn học chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai. Mỗi học sinh chỉ cần chọn khoảng 5 môn học, trong đó ngoài những môn cần cho nghề nghiệp tương lai, các em có thể chọn thêm ít nhất một môn phù hợp với sở trường, sở thích của mình.

Thay vì học dàn trải như hiện nay, chương trình mới tạo điều kiện cho học sinh học chuyên sâu hơn, có nhiều thời gian thực hành hơn. Dự kiến sẽ có 3 nhóm môn học: một nhóm học 3 tiết/tuần, nhóm 4 tiết/tuần và nhóm học 5 tiết/tuần.

Điểm khác biệt thứ hai của dự thảo là sẽ chỉ quy định tổng thời lượng mỗi môn học trong năm, không quy định chi tiết đến từng tuần như trước. Các trường có toàn quyền chủ động sắp xếp kế hoạch phù hợp với điều kiện cụ thể.

Điểm khác biệt thứ ba của dự thảo CT giáo dục phổ thông tổng thể yêu cầu cụ thể về hoạt động trải nghiệm sáng tạo, trong đó có các hoạt động phục vụ cộng đồng, là điều kiện bắt buộc để xét tốt nghiệp. Đồng thời đưa ra khuyến nghị các trường ĐH, CĐ coi đó là điều kiện ưu tiên để tuyển sinh.

“Trong CT mới, phẩm chất cần hình thành, phát triển ở học sinh gồm 16 chữ: nhân ái, khoan dung; chuyên cần, tiết kiệm; trách nhiệm, kỷ luật; trung thực, dũng cảm”- GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.

Tiếp cận năng lực là xu thế chung được nhiều quốc gia áp dụng

Về xu thế quốc tế, các chuyên gia giáo dục đến từ các nước đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm để góp ý cho Việt Nam. Chẳng hạn, về số lượng năm học của giáo dục phổ thông, ở nhiều nước thường kéo dài 12 năm và chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục bắt buộc bao gồm cấp tiểu học và THCS, kéo dài 9 hoặc 10 năm; giai đoạn giáo dục sau THCS thường kéo dài 3 năm. Việc thực hiện phân luồng thường ngay sau khi học xong THCS.

Phát triển CT theo hướng tiếp cận năng lực là xu thế chung được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng; nhiều quốc gia đã đưa ra khung năng lực, trong đó coi trọng các năng lực chung cần thiết cho việc tham gia cuộc sống lao động, sinh hoạt hàng ngày và cho việc học tập suốt đời.

Báo cáo tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng, một số năng lực chung được chú ý là: tự học, học cách học; tự chủ, tự quản lí; xã hội, hợp tác; giao tiếp; tư duy và giải quyết vấn đề, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.

Đối với vấn đề dạy học tích hợp với dạy học phân hóa theo hướng tích hợp cao ở lớp/cấp học dưới, phân hoá sâu ở lớp/cấp học trên.

Ở Tiểu học, đối với lớp 1, 2, 3 thực hiện tích hợp cả khoa học tự nhiên và xã hội hoặc tách thành 2 môn: khoa học và nghiên cứu xã hội; lớp 4, 5 hoặc 6 thường tách 2 lĩnh vực khoa học và xã hội để xây dựng các môn học.

Ở THCS, nhiều nước thực hiện tích hợp để hình thành 2 môn khoa học và nghiên cứu xã hội, hoặc chỉ tích hợp theo các chủ đề liên môn. Ở THPT một số nước thực hiện tương tự như THCS, tuy nhiên nhiều nước thiên về hướng xây dựng các môn học riêng.

Phân hóa là xu thế được nhiều nước chú ý từ lâu, nhưng cách thức phân hóa thì có khác nhau. Phân hoá ở tiểu học và THCS bằng các môn/chuyên đề/hoạt động tự chọn.

Ở THPT có 2 hình thức phân hóa là phân ban và tự chọn, trong đó phân hoá bằng tự chọn là hình thức đang được nhiều nước áp dụng.

Cách thức tổ chức của hình thức tự chọn có thể khác nhau trong CT các nước, tuy nhiên có một số điểm chung là: học sinh học một số môn học bắt buộc và chọn học một số môn học khác theo năng lực, nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của cá nhân; số môn học bắt buộc có thể khác nhau, song 3 môn Tiếng mẹ đẻ, Ngoại ngữ, Toán được hầu hết các nước quy định là môn bắt buộc.

Với CT tự chọn, các nước đưa ra rất nhiều nội dung học tập đa dạng, đáp ứng với nhu cầu học tập phong phú của người học, những nội dung này có thể được gọi tên là chuyên đề học tập tự chọn, khoá học tự chọn, môn học tự chọn tuỳ ý,…

CT, SGK và tài liệu dạy học theo hướng mở, một CT nhưng có nhiều SGK. Việc thực nghiệm CT được triển khai một cách thiết thực, gọn nhẹ và thường chỉ tiến hành đối với nội dung, phương thức tổ chức giáo dục mới. Chú trọng phân cấp trong xây dựng và quản lý CT một cách linh hoạt, thống nhất trong đa dạng.

Hôm nay và ngày mai, các chuyên gia giáo dục đến từ Vương quốc Anh, CHLB Đức, Israel sẽ tiếp tục trao đổi về kinh nghiệm xây dựng CT giáo dục phổ thông.

Đồng thời, đây cũng là thời gian để các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế và trong nước tư vấn, phản biện cho dự thảo CT giáo dục phổ thông tổng thể của Việt Nam.

Thu Hương