Đa dạng sinh học: Những tín hiệu vui 2016

Mai Quyên 11/01/2017 10:57

Việt Nam được xếp thứ 16 trong số các quốc gia đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Bên cạnh sự đe dọa về sự tuyệt chủng của nhiều loài động vật, trong năm 2016, ở nhiều địa phương đã phát hiện một số loài động vật quý hiếm, hoặc thả nhiều động vật quý hiếm về tự nhiên.

Sếu đầu đỏ.

1. Mới đây, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân (Thừa Thiên-Huế) cho biết, trong 2 ngày 8 và 9/11, các cán bộ của đơn vị đã phát hiện đàn vọoc ngũ sắc với số lượng hơn 70 con về trú ngụ tại khoảnh 9, tiểu khu 250, khu vực Hố Nai và ở 2 khu vực thuộc khoảnh 14, tiểu khu 250 và khoảnh 3,5 tiểu khu 251, thuộc khu vực rừng Bắc Hải Vân ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Theo các chuyên gia, voọc ngũ sắc còn gọi là voọc chà vá chân nâu có tên khoa học Pygathrix nemaeus thuộc loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Hiện Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân đang thực hiện các phương án bảo vệ và khảo sát đánh giá để bảo tồn đàn voọc này.

Rừng khu vực Bắc Hải Vân có diện tích gần 10.500 ha, trải dài từ đèo Phước Tượng đến đèo Hải Vân. Xuất phát từ một nhánh của dãy Trường Sơn hùng vĩ chạy thẳng ra Biển Đông, thành điểm cuối rừng miền Trung kể từ Lào nên Hải Vân trở thành “lá chắn” giữa 2 miền khí hậu, thổ nhưỡng Bắc-Nam. Chính vì vậy, đây cũng là vùng rừng núi có sự đan xen của nhiều loài động, thực vật ở hai khu vực Bắc-Nam.

Trước đó, vào khoảng tháng 3/2016, một sự kiện hi hữu đã xảy ra tại Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp). Đó là khi các nhà khoa học phát hiện một con sếu đầu đỏ sau 18 năm di trú nơi khác đã bất ngờ quay về Vườn quốc gia Tràm Chim. Theo ông Nguyễn Văn Hùng- Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim, điều khiến cán bộ, nhân viên Vườn quốc gia vui và ngỡ ngàng là lần trở về này, con sếu còn dẫn theo “vợ” và 2 con dưới 1 năm tuổi. Gia đình sếu 4 thành viên hiện khỏe mạnh và có mặt tại các khu A1, A4 và A5 của Vườn quốc gia.

Để có thể xác định chính xác điều này, theo ông Hùng, là vì ngày 14-3-1998, Hội Sếu quốc tế, Viện Nghiên cứu điểu học Hoàng gia Nhật Bản, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (Trường ĐHQG Hà Nội) cùng Ban Quản lý Vườn quốc gia Tràm Chim đã bắt cá thể sếu này, đeo máy định vị và vòng số 150 - 036 cho sếu, khi đó sếu mới 3 tuổi.

Có thể nói, từ tín hiệu này cho thấy, điều kiện tự nhiên, môi trường ở Vườn quốc gia Tràm Chim đã tốt hơn, vì vậy, hy vọng thời gian tới, sếu đầu đỏ tiếp tục về vùng đất lành này nhiều hơn nữa.

2. Trong thời gian qua, ở nhiều tỉnh, thành đã diễn ra những hoạt động thả động vật quý về với tự nhiên, hoặc bán tự nhiên. Ví dụ như hồi đầu tháng 9-2016, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã - Save Vietnam’s Wildlife, tiến hành tái thả thành công 33 cá thể tê tê Java về môi trường tự nhiên, tại Vườn quốc gia Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai. Đây là những cá thể tê tê quý hiếm được cứu hộ từ một vụ tịch thu 255kg tê tê được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh chuyển giao cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội chăm sóc…

Trung tuần tháng 11/2016, Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) cũng đã bàn giao 1 cá thể vượn đen má vàng cho Trung tâm Cứu hộ linh trưởng Vườn Quốc gia Cát Tiên. Trước đó, ngày 28/10, Trung tâm Cứu hộ bảo tồn phát triển sinh vật Hoàng Liên đã tổ chức thả 7 cá thể động vật thuộc 5 loài quý hiếm về với môi trường tự nhiên tại Vườn quốc gia Hoàng Liên, thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Những cá thể động vật được thả trong đợt này bao gồm 2 nhóm khỉ và rắn như khỉ mốc, khỉ vàng...

Mới đây, ngày 13/12, Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Đồn Biên phòng Cửa Sót và chính quyền xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) thả một cá thể rùa biển quý về với đại dương. Cá thể rùa này được một ngư dân sống trên địa bàn xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) bắt được, trong lúc dùng lưới đánh cá tại vùng biển Cửa Sót…

Nhắc lại một số sự kiện như trên, chúng ta có thể thấy vấn đề chung tay bảo vệ môi trường sống cho các loại động vật hoang dã là hết sức quan trọng. Chỉ khi thật sự có môi trường sống bình yên, các loài động vật mới có thể trở về. Và dù là các loài động vật, nhưng mỗi loài đều muốn gắn bó với những nơi chốn được sinh ra, lớn lên. Vì thế, công cuộc bảo vệ môi trường rất cần được quan tâm, để môi trường sống của các loại không bị đe dọa.

Theo các chuyên gia, mặc dù có những tổn thất quan trọng về diện tích rừng trong một thời kỳ kéo dài, hệ thống động vật Việt Nam cũng hết sức phong phú. Hiện đã thống kê được 310 loài thú, 870 loài chim, 296 loài bò sát, 162 loài ếch nhái, trên 1.000 loài cá nước ngọt, hơn 2.000 loài cá biển và thêm vào đó là hàng chục loài động vật không xương sống ở cạn, ở biển và ở nước ngọt…

Theo một thống kê đã công bố, trong hơn 10 năm qua Việt Nam đã phát hiện được nhiều loài động vật cỡ lớn và trung bình mới cho khoa học trong đó có 5 loài thú, 3 loài chim và 2 loài cá.

Việc làm suy thoái các hệ sinh thái, như mất rừng, đất ngập nước đã làm mất nơi cư trú và nhiều loài động, thực vật quý cũng đang bị suy thoái theo, thậm chí một số loài đang trên đường bị tuyệt chủng. Vì thế, hơn lúc nào hết, việc bảo vệ môi trường sống cho các loài động thực vật phát triển là yếu tố vô cùng quan trọng để gìn giữ sự đa dạng sinh học.

Mai Quyên