Đồng bào Mông ăn chung một Tết
Sau 4 năm thực hiện Cuộc vận động, đến nay 100% đồng bào Mông ở các thôn, bản của tỉnh Yên Bái đều bắt đầu tổ chức ăn chung một Tết Nguyên đán cùng với các dân tộc khác.
Bà con người Mông làm bánh dày đón Tết.
Trước đây Tết của đồng bào người Mông ở Yên Bái thường diễn ra trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng (từ ngày 30/11 Âm lịch) và kéo dài trong 3 ngày. Sau thời gian ăn Tết, mùa lễ hội của người Mông diễn ra với các trò chơi giao lưu, múa hát trong suốt mùa hội cho đến sau Rằm tháng Giêng bà con mới bắt đầu công việc làm ăn cho năm mới.
Bắt đầu từ năm 2013, tỉnh Yên Bái thực hiện cuộc vận động đồng bào dân tộc Mông “ăn chung một tết” Nguyên đán của dân tộc. Theo ông Hoàng Đức Quế-Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ Yên Bái người Mông ăn Tết chung có nhiều cái được. Cái được thứ nhất là về mặt kinh tế, đồng bào Mông trước đây ăn tết kéo dài nên sản phẩm phục vụ cho Tết tốn kém rất nhiều. Bây giờ người Mông ăn tết chỉ 5-10 ngày thì sản phẩm phục vụ tết rất ít. Cái được thứ hai sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian để đồng bào sản xuất vụ Đông xuân, làm ra của cải vật chất, phục vụ của sống để xóa đói giảm nghèo.
Năm đầu thực hiện vẫn còn một số hộ đồng bào Mông tổ chức ăn tết theo tết cũ vào tháng 12 âm lịch. Sau một thời gian đồng bào đã nhận ra được cái hay, cái tốt, lợi ích thiết thực của ăn tết chung. Việc không ăn tết Mông và chỉ ăn một tết Nguyên đán, đồng bào có thời gian sản xuất vụ đông xuân, con em không phải nghỉ học dài ngày; có điều kiện tham gia, thưởng thức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cùng các dân tộc khác và quảng bá được tinh hoa văn hóa của dân tộc mình, tiết kiệm được cả thời gian, vật chất mà không ảnh hưởng đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đến nay thì 100% các hộ đồng bào dân tộc Mông ở tỉnh Yên Bái đã tổ chức ăn chung một tết cùng tết Nguyên Đán của đồng bào cả nước.
Để có được kết quả trên, trước hết là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; đồng thời biết lắng nghe tâm tư tình cảm, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đặc biệt, vai trò của già làng, trưởng thôn, bản và người có uy tín, trưởng dòng họ cùng với sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức là người dân tộc Mông đã được phát huy tối đa.
Theo anh Lý A Vừ - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mù Cang Chải: “Khi được quán triệt chủ trương ăn chung một tết của tỉnh, cán bộ từ cấp huyện đến cơ sở đều nhận thức sâu sắc ý nghĩa và cái được to lớn của chủ trương này nên các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đều chủ động tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân. Mục tiêu không chỉ là sự chấp hành, mà sâu xa hơn, bền vững hơn, đó là phải làm thay đổi nhận thức của bà con trong thực hiện ăn chung một tết”.
Ông Thào A Dơ, người dân xã Trạm Tấu cho biết, trước đây khi đồng bào Mông tổ chức ăn Tết sớm, thời gian ăn Tết lại kéo dài đến gần 2 tháng nên bà con không tổ chức sản xuất được, cứ đến ngày giáp hạt là thiếu đói. Giờ tỉnh vận động bà con người Mông ăn chung một Tết, vừa vui, vừa tiết kiệm bởi ngay sau Tết bà con tập trung sản xuất, thu được nhiều lúa, ngô, nhiều phụ phẩm nông nghiệp để chăn nuôi được nhiều lợn, gà hơn.
Ngoài ra bà con cũng thấy rõ lợi ích của việc ăn chung tết Nguyên đán không bị gấp gáp và có nhiều thời gian để sắm sửa, thêu thùa, may vá váy áo đẹp, chuẩn bị lợn gà; có thời gian sản xuất lúa xuân đúng khung thời vụ. Đặc biệt, ngày tết, con cháu đi học, đi làm ăn xa đều được nghỉ về sum họp đông đủ; các phong tục, tập quán thờ cúng tổ tiên, đón năm mới vẫn được giữ nguyên…nên rất nhiệt tình hưởng ứng.