Giải pháp cho mô hình điểm phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp

Quốc Định-Đại Dương 11/01/2017 17:44

Làm thế nào để xây dựng chuỗi giá trị và phát triển kênh phân phối nông sản vào thị trường quốc tế và nội địa, Tây Ninh có thể trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao và phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp trong 5 năm tới hay không? Đó là một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại Hội thảo quốc tế: “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và thực hiện mô hình điểm tại Tây Ninh”, được Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu

Giải pháp cho mô hình điểm phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp

Quang cảnh và các đại biểu tại Hội nghị.

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, nước ta có nhiều tiềm năng về phát triển nông nghiệp, có đủ điều kiện phát triển toàn diện các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá lớn.

Trong giai đoạn tới, Tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhằm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, tạo ra những sản phẩm có chuỗi giá trị gia tăng cao có sức canh tranh quốc tế, nâng cao đời sống người dân nông thôn, đảm bảo nền nông nghiệp hàng hóa của nước ta có đủ thực lực để đứng vững và phát triển trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh, số lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, chất lượng còn hạn chế, sản lượng xuất khẩu còn ít, nhất là vào thị trường có yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng cao như Nhật, Hàn Quốc, Châu Âu, Hoa Kỳ...

Do lối canh tác truyền thống theo hộ nông dân hoặc tổ hợp tác nhỏ lẻ nên sản xuất vừa manh mún vừa thiếu đồng bộ, chất lượng sản phẩm hàng hóa không đồng nhất, sức cạnh tranh thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định, nông dân thu nhập thấp.

Năm 2015, tổng giá trị sản phẩm của ngành nông nghiệp chiếm 28% tổng sản phẩm của cả tỉnh với kim ngạch xuất khẩu nông, lâm sản chiếm gần 20% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh; giá trị sản phẩm bình quân đất trồng trọt thu được khoảng 85,5 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, phần lớn các nông sản phẩm của tỉnh tiêu thụ chủ yếu và chế biến ở dạng thô, không có thị trường ổn định và phần lớn chưa gắn với tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của quốc gia và quốc tế, chuỗi giá trị một số ngành hàng chưa phát triển. Đây chính là những nguyên nhân chủ yếu làm cho doanh thu và giá trị lợi nhuận trên đơn vị diện tích còn thấp, sản xuất và thị trường không ổn định, hiệu quả kém, phát triển nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.

Trước yêu cầu cấp thiết phải đưa nền nông nghiệp chuyển dịch lên nền sản xuất hiện đại, an toàn, hiệu quả và bền vững, Hội thảo tập trung vào một số nội dung chính: Những chủ trương lớn để tái cấu trúc nền nông nghiệp hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới theo hướng phát triển chuỗi giá trị; Phát triển công nghệ đảm bảo chất lượng sản phẩm và đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao; Phát triển kênh phân phối nông sản vào thị trường quốc tế và nội địa; Giải pháp tài chính và các nguồn nhân lực đầu tư vào chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Nguyễn Văn Bình đánh giá cao tỉnh Tây Ninh đã chủ động triển khai kịp thời chủ trương lớn của Đảng, Nhà Nước và Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông thôn; ban hành kịp thời các nghị quyết, chính sách về tái cơ cấu nông nghiệp trở thành mũi nhọn quan trọng của tỉnh theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, chủ động hội nhập thị trường thế giới và trong nước.

Để thực hiện chủ trương trên, Tây Ninh đã chủ động nghiên cứu, học tập các mô hình trên thế giới và trong nước; tổ chức nghiên cứu thị trường, quảng bá và tiếp thị ra quốc tế cho nông sản của tỉnh một cách bài bản, hiệu quả; liên kết các kênh phân phối nội địa có uy tín để tìm đầu ra cho nông sản.

Từ đó, Tây Ninh đã bước đầu thu hút được nhiều nguồn lực lớn trong nước và quốc tế tham gia đầu tư, tài trợ, chuyển giao công nghệ để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp Tây Ninh bền vững.

Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Nông nghiệp Hữu cơ sau khi giới thiệu Mô hình Chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường thế giới thực hiện tại Tây Ninh đã thể hiện sự tâm huyết và quyết tâm trước Hội thảo: "Chúng tôi thực sự muốn cống hiến cho Tây Ninh, cho Việt Nam thông qua sự trải nghiệm, những công trình nghiên cứu và thực tiễn của chúng tôi để phát triển Mô hình Chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường thế giới và trong nước".

Để có được kết quả cao hơn nữa, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị trong thời gian tới, Bộ NN & PTNT có cơ chế, chính sách, hỗ trợ Tây Ninh thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế sản xuất theo chuỗi giá trị; Ngân hàng Nhà nước có chính sách đảm bảo vốn và vay vốn ưu đãi theo các đề án được phê duyệt; Các Bộ ngành khác chung sức hỗ trợ Tỉnh uỷ - UBND tỉnh Tây Ninh xây dựng mô hình điểm phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở mô hình điểm sẽ trở thành nơi chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm để nhân rộng mô hình trong cả nước.

Quốc Định-Đại Dương