Vật liệu mới dẫn dắt thị trường xây dựng
Khảo sát nhu cầu về sử dụng vật liệu xây dựng tại các công trình nhà phố, chung cư cao tầng tại TP HCM cho thấy sự phát triển bứt phá của thị phần các vật liệu xây dựng mới, với các công năng độ bền cao, kiến trúc đẹp, độc đáo, dễ thi công, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, chi phí phù hợp,…Xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp tục chiếm lĩnh thị trường trong năm 2017.
Vật liệu xây dựng không nung đang được ưa chuộng. (Ảnh: Hồng Phúc).
Kỹ sư Trần Văn Phương (Công ty bất động sản Đông Sài Gòn, Q.9, TP HCM) cho biết, hiện nay các loại vật liệu truyền thống ít được lựa chọn, hoặc giảm sút đơn đặt hàng xây dựng, thiết kế, trang trí nội ngoại thất do vấn đề liên quan đến giá thành và các tiêu chí so sánh.
Có kinh nghiệm trong thi công hạ tầng cơ sở cho các dự án khu dân cư hiện hữu, kỹ sư Phương phân tích: trên thị trường hiện xuất hiện các loại vật liệu xây dựng mới, với các công năng độ bền cao, kiến trúc đẹp, độc đáo, dễ thi công, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, chi phí phù hợp,…là những tiêu chí hàng đầu được khách hàng lựa chọn. Ngược lại, vật liệu truyền thống lại có xu hướng ngày càng kém thích nghi, chưa kể khả năng cạnh tranh thấp hơn so với các loại vật liệu mới xuất hiện trên thị trường. Đó là các hạn chế về độ bền, màu sắc, cách âm, cách nhiệt,…, trong khi các kiến trúc Á – Âu đang ngày càng kén chọn, ngay kể cả các loại vật liệu mới có xuất xứ từ trong nước sản xuất.
Tại dự án của Khang Điền trên đường Đỗ Xuân Hợp (Q.9), kỹ sư Vũ Ngọc Tản cho hay, các vật liệu tại dự án này đa phần được nhập từ nước ngoài, với ưu điểm ít tiêu tốn nguyên liệu, năng lượng, nhiên liệu, thân thiện môi trường. Có những vật liệu có ưu điểm lớn so với các vật liệu truyền thống về khả năng cách âm, cách nhiệt, như vật liệu không nung, sản phẩm tái chế, vật liệu được tạo ra từ công nghệ nano.
Ông Nguyễn Tuấn, từng tham gia công tác quản lý thị trường vật liệu xây dựng trên địa bàn Q.Thủ Đức nhìn nhận, chính việc khó năng cấp, do hầu hết công nghệ trước đây đều lạc hậu, không tương thích với các công nghệ mới, trong khi phải tiêu tốn nhiều nguyên liệu, ô nhiễm môi trường đã khiến cho các vật liệu truyền thống nói chung tự “lép vế” trên thị trường.
KTS Nguyễn Duy Công (Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và tư vấn thiết kế U.Design) cho biết, xu hướng hài hòa giữa kiến trúc truyền thống (mái ngói, cấp 4, nhà ống,…) trong nước đang có sự kết hợp hài hòa với kiến trúc hiện đại. Điều này tạo nên sự đa dạng trong bức tranh kiến trúc đương đại tại Việt Nam. Chẳng hạn, trong thiết kế các căn hộ cao cấp và biệt thự, nhà phố song lập hiện nay đã quan tâm đến các loại gạch ốp lát ceramic, granit nhân tạo, đá ốp lát nhân tạo, kính xây dựng, tấm trần, tấm tường sản xuất từ xơ, sợi tổng hợp, tấm thạch cao, các tấm sản xuất bằng vật liệu compozit, các loại sơn tổng hợp,…Các loại vật liệu mới này có ưu điểm về cách âm, cách nhiệt, bền đẹp, tiết kiệm năng lượng,…là những tiêu chí rất được quan tâm của thị trường.
Theo các chuyên gia về vật liệu xây dựng, ngoài vật liệu không nung thì hiện nay hầu hết các công trình hiện đại, những chung cư, tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại, khách sạn được chủ đầu tư lựa chọn vật liệu kính là một giải pháp mới để đáp ứng được cũng lúc nhiều tiêu chí về không gian,ánh sáng, tầm nhìn, sự tiện dụng mà vẫn không kém phần sang trọng và hiện đạ. Sự đa dạng và tính thẩm mỹ cao của kính cùng với công nghệ hiện đại giúp gia tăng tối đa những ưu điểm của loại vật liệu này đã đưa kính thành một loại vật liệu hữu dụng được ưa chuộng nhất trong thiết kế kiến trúc hiện đại.
Theo dự kiến của Bộ Xây dựng, đến năm 2020 thì gạch không nung sẽ thay thế được khoảng 30 – 40% gạch đất sét nung để tiết kiệm đất nông nghiệp, than, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá ngành xây dựng nước nhà. Theo chiến lược của ngành vật liệu xây dựng, vật liệu không nung sẽ được ưu tiên phát triển, dựa trên các tiêu chuẩn sản phẩm, định mức tiêu hao đến các tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu. Đây là các tiêu chuẩn đáp ứng được nhu cầu thực sự của các dự án từ cao, trung cấp đến trung bình hiện nay tại các đô thị lớn.