Vì lợi ích chung
Ngày 11/1, trong buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lấy ví dụ về trường hợp Dự thảo Luật Quy hoạch vẫn còn có các ý kiến khác nhau giữa một số Bộ khi Dự thảo Luật được đưa ra thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê bình các cơ quan vì lợi ích cục bộ, cùng một lời nhắn nhủ: “Chính phủ sẽ kiểm điểm vấn đề này đối với các cơ quan liên quan “vì lợi ích cục bộ của mình”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thông điệp được Thủ tướng đưa ra được tựu trung, là nhắc nhở đối với cơ quan chịu trách nhiệm trong phân bổ nguồn lực của đất nước, cũng là lời “chỉnh” đối với các bộ ngành. Đó là dù ở bất cứ việc nào cũng phải hướng tới mẫu số chung là lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia chứ không phải của riêng bộ, ngành, tỉnh thành nào.
Từ việc chỉ ra tinh thần sát dân, sát cơ sở, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thẳng thắn còn ít và một bộ phận Bộ Kế hoạch và Đầu tư tư duy ít thay đổi, vẫn tư duy cũ, Thủ tướng đã nêu lên một thực tế khi chính sách cơ chế chưa huy động tốt nguồn lực xã hội. Mà muốn vậy theo Thủ tướng “phải đổi cách làm, đổi mới tư duy. Đổi mới là khó nhưng không đổi mới cách làm, đổi mới tư duy” vẫn “tiếp tục tinh thần bao cấp, quan liêu là chết”.
Sự đổi mới trong cách làm và tư duy được Thủ tướng nhắc tới cũng chính là những thành quả mà Chính phủ cương quyết làm trong thời gian qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Mặt trận, và nhân dân. Trong năm 2016-năm đầu tiên thực hiện kế hoạch mà Đại hội XII của Đảng đề ra - dù đất nước gặp nhiều khó khăn do cả thiên tai và nhân tai, chỉ tính riêng các cơn bão, lũ nối tiếp ở khu vực miền Trung và Nam Trung Bộ vừa qua đã gây thiệt hại khoảng 2 tỷ USD.
Thế nhưng nền kinh tế đã cơ bản hoàn thành và nhiều chỉ tiêu vượt mức kế hoạch đã đề ra tạo tiền đề cho năm 2017. Đánh giá của Ngân hàng Thế giới về kinh tế Việt Nam nhìn nhận “trong năm 2016, tự do đầu tư kinh doanh bước đầu được khơi dậy, môi trường đầu tư, niềm tin xã hội, niềm tin thị trường tăng lên” là một minh chứng rõ ràng nhất.
Nền kinh tế đã chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế thị trường, chính vì vậy điều được Thủ tướng đặt ra với Bộ Kế hoạch và Đầu tư-kiến trúc sư trưởng của nền kinh tế - là ở chỗ, việc tư duy của nhà lập kế hoạch phải thay đổi trước một bước, chứ không phải chỉ thay đổi theo.
Việc lập kế hoạch phải dựa trên các quy luật của nền kinh tế thị trường khi thị trường đã là một nhà lập kế hoạch rất tài ba. Chức năng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là lập kế hoạch cho Nhà nước chứ không phải lập kế hoạch thay cho thị trường.
“Việc lập kế hoạch, quy hoạch phải trên tinh thần kiến tạo chứ không phải tiện cho việc quản lý, kiểm soát, kìm hãm, tạo cơ hội xin-cho. Lập quy hoạch không thể chỉ khép kín trong nội bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thay vào đó, lập kế hoạch phải có sự tham gia hay tối thiểu là vai trò góp ý, phản biện của giới chuyên gia, ý kiến của người dân, các doanh nghiệp, tư nhân và cả nhà đầu tư nước ngoài. Việc lập quy hoạch phải xóa lợi ích nhóm, loại bỏ việc đan xen bất hợp lý các lợi ích cục bộ của bộ, ngành, các tập đoàn trực thuộc và những doanh nghiệp thân hữu. Lập quy hoạch phải dựa trên lợi ích quốc gia, dân tộc; lợi ích ngắn hạn không được mâu thuẫn với lợi ích chiến lược dài hạn”- Thủ tướng nêu rõ.
Cách đây đúng nửa năm, trong phát biểu nhậm chức ngày 26/7/2016, trước nhân dân Thủ tướng đã cương quyết phải bảo đảm các nguồn lực tiềm năng được sử dụng có hiệu quả. Theo đó, thị trường vốn, đất đai, tài nguyên cần phải được phát triển lành mạnh, không để cho các nhóm lợi ích thao túng, nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm năm tới và tạo điều kiện để tiếp tục phát triển bền vững trong một tương lai xa hơn, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nỗ lực phấn đấu, xây dựng nước Việt Nam XHCN ngày càng giàu mạnh, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Điều mà Thủ tướng hướng tới “vì dân tộc, lợi ích quốc gia” cũng là điều mà bất kỳ quốc gia nào cũng cần hướng đến. Nhưng ý chí đó chỉ có thể trở thành hiện thực khi chúng ta phản ánh tốt hơn nguyện vọng của nhân dân;chỉ khi tất cả chúng ta cùng góp tay xây dựng mục tiêu chung.
Có lẽ cái đích đến luôn là phấn đấu vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, lợi ích của nhân dân phải luôn được đặt lên hàng đầu, trong đó có sự hoạch định và điều chỉnh chính sách. Đất nước đang đứng trước nhiều vận hội phát triển nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.
Việc cần phát huy nội lực và tranh thủ ngoại lực, vì lợi ích quốc gia dân tộc, để phát triển nhanh và bền vững, xây dựng đất nước giàu mạnh, có vị trí ngày càng cao trên trường quốc tế cho nên việc “phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội” như lời Thủ tướng nói là việc làm xuyên suốt được đề cao trách nhiệm trong bối cảnh hiện nay.
Cũng là dễ hiểu khi tại Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) tại Đảng bộ Văn phòng Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý trong việc tham mưu, đề xuất các chính sách phải tuyệt đối tránh “lợi ích nhóm”, chống “tham nhũng chính sách”.
Điều người đứng đầu Chính phủ cương quyết cũng là bởi trên thực tế, hiện tổng vốn đầu tư của Nhà nước vẫn chiếm hơn 37,6%, tức hơn 1/3 tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Một sự phân bổ sai, kém hiệu quả, sẽ gây lãng phí nguồn lực rất lớn bởi nguồn vốn ngân sách chính là tiền thuế của người dân. Để “sử dụng sao cho xứng đáng với đồng tiền hạt gạo của người dân” nên việc đổi mới sáng tạo, phá bỏ các cản trở phát triển, nâng cao năng lực của nền kinh tế, xóa tan tảng băng lợi ích nhóm, cục bộ là việc cần thiết nhất vào lúc này.