Không thanh tra các doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật thuế
Năm 2017, qua dự báo của các tổ chức nghiên cứu, kinh tế thế giới sẽ phục hồi. Cũng theo các nghiên cứu và dự báo này, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam có nhiều điểm tốt, thế nhưng dự báo ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn khó khăn và gặp điểm nghẽn chủ yếu nằm ở khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Ảnh minh họa.
Dự toán toán thu ngân sách nhà nước giao cho ngành Thuế năm 2017 được giao là 968.580 tỷ đồng, tăng 9,5% so với ước thực hiện năm 2016, trong đó thu từ dầu thô là 38.300 tỷ đồng, thu nội địa là 930.280 tỷ đồng.
Dù nền kinh tế đang có những tăng trưởng nhất định, tinh thần quốc gia khởi nghiệp lên cao, môi trường kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng cải thiện, số lượng doanh nghiệp thành lập mới ngày càng nhiều nhưng để thu đủ được nguồn ngân sách trên không hề đơn giản. Với nguyên nhân đến từ nhiều phía. Thứ nhất, đó là lo ngại về sự đóng góp ngân sách tại khu vực doanh nghiệp nhà nước. Thứ hai, đó là khối nợ xấu khổng lồ vẫn đang án ngự trong nền kinh tế. Thứ ba, bản thân nhiều doanh nghiệp cũng chây ỳ nộp thuế.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, những khoản lỗ nghỉn tỷ đồng ở các dự án lớn tại khu vực DNNN có thể làm nguồn thu từ khu vực này giảm. Trong năm 2017, mức hụt thu ngân sách do DNNN làm ăn thua lỗ có thể lên tới khoảng 12.000- 14.000 tỷ đồng.
Ngoài ra số thu tại khu vực tài chính ngân hàng cũng sẽ không như ý khi các đơn vị lại phải đang xử lý nợ xấu bằng phương thức trích dự phòng rủi ro. Điều này khiến nộp ngân sách cũng giảm tương ứng.
Năm qua, tình hình thu NSNN đã vượt khó và hoàn thành chỉ tiêu với các dữ liệu thu từ dầu thô đạt 40.186 tỷ đồng (bằng 73,7% dự toán). Thu nội địa ước đạt 844.214 tỷ đồng (bằng 111,8% dự toán) . Trong đó: Thu tiền sử dụng đất đạt 97.495 tỷ đồng, bằng 195% dự toán (vượt 47.495 tỷ đồng); Thu cổ tức và lợi nhuận còn lại đạt 74.168 tỷ đồng (bằng 134,9% dự toán); thu nội địa không kể tiền sử dụng đất, cổ tức và lợi nhuận còn lại đạt 672.550 tỷ đồng (bằng 103,5% dự toán).
Cơ quan nhà nước đã thực hiện những biện pháp mạnh với doanh nghiệp tăng thu. Trong đó bêu tên những doanh nghiệp nợ thuế, thậm chí khóa tài khoản các doanh nghiệp trốn thuế. Cục thuế các địa phương thường xuyên công bố danh sách các doanh nghiệp nợ đọng thuế lớn. Đây cũng là lý do khiến cho việc thu NSNN về đích.
Song vấn đề đặt ra hiện nay là, “vũ khí” công khai danh tính doanh nghiệp nợ thuế có tiếp tục phát huy? Lãnh đạo Tổng cục thuế khẳng định ngoài thực hiện các giải pháp thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, ngành Thuế cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra.
Chỉ tiến hành thanh tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, tuyệt đối không đưa vào kế hoạch thanh tra các doanh nghiệp có ý thức tuân thủ tốt pháp luật về thuế, tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Riêng công tác thu hồi nợ thuế tiếp tục đẩy mạnh, điều này đã làm giảm giá trị tuyệt đối cả về số tiền nợ thuế cũng như tỷ lệ nợ thuế trong tổng thu NSNN.
Được biết, mới đây Tổng cục Thuế có Công văn số 80/TCT-KTNB yêu cầu cơ quan thuế các cấp tăng cường chấn chỉnh công tác bán, cấp hóa đơn lẻ tại các Chi cục Thuế. Tổng cục Thuế cho biết tại một số Chi cục Thuế xảy ra tình trạng các tổ chức, hộ, cá nhân lợi dụng việc bán, cấp hóa đơn lẻ để hợp thức hóa chứng từ mua vào, bán ra gây thất thu NSNN.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu Cục trưởng các Cục Thuế và Chi cục trưởng Chi cục Thuế ngoài việc tổ chức tập huấn, cần triển khai đầy đủ và kịp thời các giải pháp về nhận dạng, rà soát, kiểm tra các hộ, cá nhân, tổ chức có rủi ro cao về bán, cấp hóa đơn lẻ.
Đồng thời, để việc bán, cấp hóa đơn lẻ được khách quan và giám sát chặt chẽ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu không để một công chức thực hiện toàn bộ quá trình. Đối với các Chi cục Thuế thực hiện bán, cấp tập trung phải phân ra các bộ phận tiếp nhận hồ sơ, ấn chỉ và phải thực hiện trình tự các bước.