Thi THPT quốc gia 2017: Vì sao không công bố đề thi và đáp án?
Đây là câu hỏi “nóng” nhất những ngày qua của những người quan tâm tới nền giáo dục nước nhà. Nhiều ý kiến băn khoăn nếu không công bố thì sao có cơ sở để giám sát kỳ thi, để thí sinh phúc khảo cũng như liệu đề thi, đáp án có đảm bảo tính chính xác?
Ảnh minh họa (Nguồn: Baodanang.vn).
Trả lời vấn đề này, TS Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho rằng, trên thế giới có rất ít tổ chức dùng đề thi chuẩn hóa lại công bố đề thi và đáp án sau khi tổ chức thi. Đề thi được sử dụng sắp tới phải trải qua nhiều bước kiểm tra nghiêm ngặt nên có thể hoàn toàn tin cậy về tính chính xác của đề thi.
Các bước nghiêm ngặt khi xây dựng câu hỏi thi
Theo TS Sái Công Hồng, quy trình xây dựng câu hỏi thi được thực hiện theo 8 bước nghiêm ngặt. Mỗi bước lại bao gồm rất nhiều quy trình nhỏ để chuẩn hóa câu hỏi trong ngân hàng đề thi năm nay.
“Để có 1.500 câu hỏi thi/môn, chúng tôi cần có ít nhất 6.000 câu hỏi thô. Quy trình dẫn từ việc ra câu hỏi thô, rồi từ thô sang câu hỏi được chuẩn hóa, qua các vòng biên tập, thử nghiệm và đo lường bằng các phần mềm về thi rất mất công, vất vả. Nếu phải công bố đề thi, đáp án, công khai 1.500 câu hỏi thi/môn năm nay, mặc dù các chuyên gia vẫn tiếp tục sản xuất các câu hỏi thô một cách liên tục thì bộ phận xây dựng ngân hàng thi cho kì thi THPT quốc gia vẫn không thể có đủ nguồn lực để làm xuể được. Chưa kể, nội dung của đề thi các năm sau cũng vẫn tập trung nhiều vào kiến thức lớp 12 nên nếu công khai hết sẽ làm cạn kiệt nguồn dữ liệu có thể khai thác để viết câu hỏi sau này”- TS Hồng lý giải.
Cụ thể, trong 8 bước của quy trình xây dựng đề thi trắc nghiệm, đầu tiên sẽ phải xây dựng ma trận đề thi và bản đặc tả đề thi. Trên cơ sở ma trận đề thi, bản đặc tả chia ra các đơn vị kiến thức khác nhau để viết các câu hỏi. Bản đặc tả đề thi phải bảo mật vì để lộ cũng có thể xem như lộ định hướng đề thi.
Hiện việc huy động giáo viên viết câu hỏi thô cho ngân hàng đề thi đã tiến hành nhiều đợt được khoảng 60.000 câu hỏi. Nhưng từ câu hỏi thô, còn phải rà soát, chọn lọc, biên tập, thẩm định. Mỗi môn sẽ có khoảng 20-30 người làm công việc này. Các câu hỏi không chỉ được xem xét phương án trả lời đúng mà còn được rà soát, giải thích lý do đưa ra ba phương án nhiễu.
Tháng 4, thí sinh sẽ được làm đề thi thử nghiệm
Theo TS Sái Công Hồng, sau khi thẩm định câu hỏi được chuẩn hóa, 100% số câu hỏi đã biên tập, lựa chọn và thẩm định được tiến hành thử nghiệm và đặc biệt có bước thử nghiệm đề thi vào cuối tháng 4 khi các em học sinh đã hoàn thành chương trình học tập toàn khóa để phân tích đề thi và cân bằng độ khó giữa các đề thi, đảm bảo các đề thi có độ khó hoàn toàn tương đương nhau.
Đối với mẫu thử nghiệm, TS Sái Công Hồng cho hay, sẽ được chọn đa dạng đối tượng, vùng miền. Kết quả bài làm của học sinh qua các đợt thử nghiệm sẽ được phân tích phần mềm khảo thí chuyên dụng để phân tích các thông số định chuẩn của các câu hỏi và các đề thi.
Những câu hỏi không đạt độ tin cậy (do quá sức thí sinh, do không nằm trong chương trình, do sai kiến thức không giải được…) sẽ được hiển thị trên kết quả phân tích và lập tức được xem xét lại hoặc loại bỏ. Bởi vậy với quy trình này, sẽ khó có thể lọt lưới các câu hỏi thi được thiết kế thiếu chính xác.
Trước khi kỳ thi diễn ra, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập hội đồng đề thi là các chuyên gia môn học có kinh nghiệm trong chuyên môn và trong công tác viết đề thi.
Hội đồng sẽ làm việc theo hình thức cách ly hoàn toàn. Khi phần mềm tự động tổ hợp các câu hỏi chuẩn hóa thành đề thi chính thức theo ma trận qui định, các thành viên hội đồng đề sẽ rà soát, thẩm định các đề thi chính thức và dự phòng để phục vụ cho kỳ thi.