Khen thưởng theo Thông tư 22: Không khó
Thời điểm này các trường tiểu học trên cả nước đang tiến hành sơ kết học kỳ I, năm học 2016-2017. Vấn đề dư luận quan tâm là theo tinh thần của Thông tư 22 mới, học sinh sẽ được đánh giá như thế nào?
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
“Đánh giá thường xuyên, không phải cuối năm mới đánh giá”
Đó là khẳng định của ông Phạm Xuân Tiến- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội phát biểu tại Hội nghị Sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II cấp Tiểu học do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức ngày 13/1.
Năm học 2016-2017, Hà Nội có 727 trường tiểu học, tăng 11 trường so với số trường của năm học 2015-2016. Trong đó, có hơn 16 nghìn lớp học, sĩ số học sinh trung bình là 39 học sinh/lớp. Tỷ lệ giáo viên/lớp trung bình là 1,5.
Nhìn nhận việc quy hoạch mạng lưới trường lớp ở một số quận chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Nhiều khu đô thị không có trường học nên nhiều trường chịu áp lực tuyển sinh vì dân số cơ học tăng nhanh.
Diện tích đất quy hoạch nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Một số trường sĩ số học sinh trên lớp quá đông (từ 50-60 học sinh/lớp).
Cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học, các phòng học, phòng chức năng một số nơi còn thiếu và ngày càng xuống cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới dạy và học. Một số trường thiếu giáo viên chuyên biệt, tỷ lệ giáo viên chưa đủ để đảm bảo dạy học 2 buổi/này.
Thống kê chất lượng giáo dục tiểu học học kỳ I cho thấy, có trên 60% số học sinh cấp 1 đạt hoàn thành tốt về kiến thức, kĩ năng, 38% hoàn thành và gần 1% chưa hoàn thành. Về năng lực, có 3 mức tốt (61%) và đạt (37%) và chưa đạt. Về phẩm chất, chỉ có 0,28% trong tổng số gần 640 nghìn học sinh tiểu học xếp ở mức chưa đạt.
Theo ông Tiến, những xếp loại này được quy định, hướng dẫn rất rõ ở Thông tư 22. Sở cũng đã tổ chức tập huấn nhiều lần đến các trường, các thầy cô giáo.
Lưu ý với các chương trình liên kết ngoại ngữ
Về chương trình bổ trợ liên kết được xây dựng trên khung chương trình của Bộ GD&ĐT đang được thực hiện trong các nhà trường, ông Tiến cho rằng rất bổ ích, vừa tạo cho học sinh được tham gia nhiều sân chơi ngôn ngữ tiếng Anh phong phú nhằm học tốt cả 4 kỹ năng nghe, nói đọc viết, đồng thời giáo viên sinh hoạt thường xuyên với giáo viên bản ngữ, thống nhất chương trình giảng dạy, nâng cao năng lực ngoại ngữ, đổi mới phương pháp dạy học đạt hiệu quả. Từ việc đảm bảo học sinh được học đủ thời lượng nhằm đạt mục tiêu hết cấp tiểu học đạt trình độ A1 để học liên thông lên cấp THCS.
Bên cạnh những mặt mạnh của chương trình liên kết, Sở GD&ĐT Hà Nội đánh giá còn tồn tại một số vấn đề các nhà trường phải chấn chỉnh kịp thời. Đó là cần tăng cường sinh hoạt chuyên môn nhiều hơn nữa với giáo viên nước ngoài, thống nhất chương trình bổ trợ trên nền tảng của chương trình của Bộ GD&ĐT.
Ban giám hiệu các trường phải chịu trách nhiệm quản lý giáo viên liên kết phải tham gia trong các hoạt động giáo dục của nhà trường, tuyệt đối không được độc lập trong giảng dạy và không sinh hoạt chuyên môn với giáo viên của trường. Thực hiện quản lý chương trình liên kết và dạy học ngoại ngữ ở tiểu học theo các văn bản đã ban hành.
Cần lưu ý việc lưu giữ hồ sơ đề án chương trình liên kết tại trường phải đầy đủ, đúng theo hướng dẫn nhằm đảm bảo cho công tác thanh kiểm tra của các cấp, dạy và học trên tinh thần tự nguyện, không được phép bắt buộc dưới mọi hình thức đối với các đối tượng tham gia.
Mức học phí thu theo tinh thần đồng thuận, thoả thuận, tự nguyện, đảm bảo thu đủ chi, được thống nhất trong Hội đồng nhà trường, Ban phụ huynh học sinh trường, lớp và được phòng GD&ĐT và phòng KHTC quận/huyện duyệt trước khi triển khai.
Dạy học đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc viết và được kiểm tra đánh giá độc lập, khách quan đúng hướng dẫn theo định dạng bài thi bậc 1 cấp tiểu học của Bộ GD&ĐT.