Làm Mặt trận thì không thể xa dân
Việc thí điểm xây dựng mô hình mới trong công tác Mặt trận ở cơ sở, tức “Tổ công tác Mặt trận ở địa bàn tổ dân phố” tại Khu phố 4, phường 7, quận 3, TP HCM mới đầu vẫn phải trải qua giai đoạn “mò mẫm” khó khăn. Thế nhưng ở “cuối đường hầm” đã nhanh chóng lóe lên tia ánh sáng, nhằm phát huy tích cực công tác Mặt trận tại cơ sở. Đó chính là việc tạo chân rết của Mặt trận trên địa bàn khu dân cư, nhất là đặc điểm ở các đô thị lớn đông dân.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM dự ngày hội Đại đoàn kết
khu dân cư năm 2016 và nghe báo cáo thí điểm mô hình
“Tổ công tác Mặt trận” tại Khu phố 4, P.7, Q.3, TP HCM.
Mặc dù còn phải trải nghiệm qua thực tiễn cuộc sống để định hình tối ưu mô hình nhưng bước đầu có thể nhận thấy “Tổ công tác Mặt trận” là phương thức họat động linh họat, thực chất của Ban Công tác Mặt trận- nấc thấp nhất của hệ thống Mặt trận nhằm bảo đảm phương châm Mặt trận thực sự gần dân, lắng nghe rõ hơn tiếng nói của dân và cùng chia sẻ với những khó khăn chung của người dân.
Tổ Công tác Mặt trận- “chân rết” ở cơ sở
Trong Luật Mặt trận chỉ nêu tên Ban Công tác Mặt trận (CTMT) khu phố. Và theo nhận định của UBTƯ MTTQVN từ lâu nay, Ban CTMT khu phố vẫn được xem là lực lượng gần dân, sát dân nhất. Thế nhưng, từ lúc nghỉ hưu tham gia công tác Mặt trận ở cơ sở với tư các Trưởng Ban CTMT khu phố 4, P.7, Q.3 hoạt động trong một số năm tôi vẫn thấy Ban CTMT vẫn chưa thực sự sát cơ sở.
Thực tế các văn bản chính thức không có tên tổ CTMT ở địa bàn tổ dân phố, trong khi về phía chính quyền, ngoài UBND phường bên dưới có khu phố và tổ dân phố. Điều đáng nói là một trong những chức năng, nhiệm vụ then chốt của MTTQ (được nêu trong Hiến pháp 2013 và Luật MTTQ 2015: “MTTQ là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân”. Nhưng làm sao thực hiện được nhiệm vụ này, khi mà ở địa bàn thấp nhất của hệ chính quyền là “tổ dân phố”, lại không có sự hiện diện chân rết tương ứng tổ chức Mặt trận.
May mắn thay, trong “cái khó ló cái khôn”. Theo quy định của pháp luật có 4 cấp chính quyền (Trung ương, tỉnh thành, quận huyện, phường xã). Khu phố chỉ là cầu nối giữa UBND phường và tổ dân phố. Vậy khi lập Tổ CTMT ở địa bàn tổ dân phố không có gì sai vì nó chỉ là “chân rết” thể hiện hình thức hoạt động của Ban CTMT chứ không phải “1 cấp” trong hệ thống Mặt trận.
Là ủy viên Hội đồng tư vấn của UBTƯ MTTQVN, đồng thời làm Trưởng ban CTMT KP.4, tôi chủ động xin ý kiến và được sự chấp thuận của Thường trực UBTƯ MTTQVN, của UBMTTQ TP.HCM, UBMT Q.3, UBMT P.7, Q.3 để “làm thử” tổ CTMT ở địa bàn tổ dân phố. Từ cuối năm 2015 đầu năm 2016, theo sự chỉ đạo của Đảng ủy P.7, sự hướng dẫn của UBMTTQ P.7 và sự đồng thuận của UBND P.7, Ban CTMT Khu phố 4, P.7 tiến hành việc xây dựng kế hoạch thí điểm Tổ CTMT. Khâu quyết định đầu tiên là công tác tổ chức, với việc hình thành ngay tổ chỉ đạo điểm gồm những người sẳn sàng “vác tù và hàng tổng” vì sự thịnh vượng bình yên ở khu dân cư.
Nhưng ngay từ đầu, chúng tôi đã vấp phải trở ngại trong Ban CTMT Khu phố 4 do thói quen tư duy lối mòn lâu nay. Một số ý kiến băn khoăn cho rằng đã có Ban điều hành tổ dân phố rồi, tại sao phải lập thêm Tổ CTMT tạo thêm sự cồng kềnh. Chúng tôi đã tự “khai phóng”, giải thích rõ Ban điều hành tổ dân phố là “chân rết” của UBND, có nhiệm vụ quản lý, điều hành, còn Tổ CTMT có nhiệm vụ “vận động thuyết phục, giám sát, phản biện” để phát huy vai trò Mặt trận phối hợp thực tiễn đời sống khu dân cư. Rõ ràng hai nhiệm vụ của Ban điều hành tổ dân phố và Tổ CTMT khác nhau nhưng bổ sung cho nhau, tạo động lực, sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ chung là phục vụ cộng đồng khu dân cư.
Thế rồi ở Khu phố 4, P.7, Q.3, TP HCM, những người góp sức cho công tác Mặt trận cùng đồng tình và bắt đầu tìm nhân sự cho 4 tổ CTMT: 4A, 4B, 4C, 4D. Công việc này có sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự gắn kết giữa Tổ CTMT với các tổ chức đoàn thể và sự phối hợp của Ban điều hành tổ dân phố. Cuối cùng 4 tổ CTMT đã có 18 thành viên tham gia. Các thành viên Ban CTMT Khu phố 4 làm tổ trưởng tổ CTMT.
Một yếu tố quan trọng nữa để giúp cho hoạt động của các tổ CTMT là phải có tài liệu “cẩm nang” hướng dẫn hoạt động. Quá trình nghiên cứu, mò mẫm, chúng tôi đã soạn thảo được quy chế hoạt động của Tổ CTMT; kế hoạch triển khai thí điểm xây dựng mô hình Tổ CTMT.
Qua đó thấy rõ sự phân biệt chức năng nhiệm vụ của Ban điều hành tổ dân phố và của Tổ CTMT. Và cuối cùng là chương trình hành động của Tổ CTMT ở địa bàn tổ dân phố. Lộ trình ngay từ ban đầu là đi sâu, đi sát từng gia đình- được xem như một “Mặt trận thu nhỏ” gồm ông bà, cha mẹ là thành viên Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, con cháu là thành viên của Đoàn TN, Hội LHTN, Đội thiếu niên nhi đồng, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng: “Muốn trở thành một thành phố tử tế trước hết phải có những cá nhân tử tế, gia đình tử tế, rồi hạt giống tử tế có thể lan rộng ra”.
Đó là cơ sở để xây dựng “con người tốt, gia đình tốt” theo lời căn dặn của Bác Hồ, và như thế cuối cùng mới có được những “gia đình hạnh phúc”, “gia đình văn hóa tiêu biểu” một cách thực chất. Những hoạt động cụ thể ở khu dân cư cần phải thiết thực, không thể ngoài sự chỉ dạy của Bác Hồ: “Cần, kiệm, liêm, chính trong 7 vấn đề sau: ăn, mặc, ở, học hành, việc làm, sức khỏe, đi lại” (được gọi là đời sống xã hội ở khu dân cư).
Đại diện Ban CTMT KP4, P7, Q3 đăng ký thi đua năm 2017.
Huy động sức dân để lo cho dân
Nhờ quán triệt phương châm hướng về cơ sở để Mặt trận gần dân hơn, sâu sát dân hơn, sát từng gia đình hơn, bước đầu Tổ CTMT đã thực hiện một số hoạt động hiệu quả, thiết thực, giải quyết những bức xúc của người dân mà trước đây chưa làm được.
Tổ CTMT 4A lần đầu tiên nghe phản ánh ý kiến quần chúng từ nấc thấp nhất trong hệ thống Mặt trận. Vận động dân góp 84 triệu đồng để sửa kịp thời hệ thống thoát nước bị hỏng. Tổ CTMT 4B trong năm 2016 (tiếp nối các năm trước) kiên trì phản ánh ý kiến của nhiều cụ cao tuổi ở 99 Trần Quốc Toản về việc mua nhà (dạng tập thể), cuối cùng được sự chấp thuận của chính quyền.
Tổ CTMT 4C, nhờ đi sát dân, phát hiện một gia đình nghèo giữa trung tâm TP HCM, người vợ làm công với lương 6 triệu đồng/tháng phải nuôi chồng đi bộ đội về mất sức, thêm 2 con gái học cấp 2 và 3. Tổ CTMT đã kịp thời hỗ trợ 2 triệu đồng cho 2 cháu đi học.
Bên cạnh đó đã giúp gia đình rất khó khăn về thủ tục nhà ở, kết luận sau nhiều năm để tồn tại bất cập với người dân cuối cùng chính quyền khẳng định rằng: Muốn lấy nhà chị phải trả cho chị này 2 tỷ đồng, chứ không phải bắt chị trả 2 tỷ đồng. Tổ CTMT 4D năm 2016 cũng tích cực vận động người dân tự nguyện đóng góp tiền để có đèn chiếu sáng trên đường hẻm. Có một thành viên tự nguyện khám sức khỏe cho các cụ cao tuổi trong KP4 mỗi tuần 2 lần. Có thành viên góp tiền học bổng trong quận 3 trên 10 triệu đồng, 20 triệu đồng cho quỹ vì người nghèo của phường 7.
Trong tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, có thành viên đề xuất 2 vấn đề làm rõ nợ động trong xây dựng nông thôn mới, sớm luật hóa việc xây dựng “gia đình hạnh phúc” nêu trong Hiến pháp 2013. Hai vấn đề nêu ra được đại biểu Quốc hội chấp thuận, báo cáo lên Quốc hội. Những việc làm cụ thể như thế ở cơ sở đã phản ánh sinh động chuyện “người Mặt trận” thực sự đồng hành với đời sống khu dân cư.
Mô hình thí điểm Tổ CTMT đạt kết quả bước đầu được báo cáo tại ngày Hội đại đoàn kết toàn dân tộc do Ban CTMT Khu phố 4, P.7, Q.3, TP HCM tổ chức ngày 13/11/2016. Bí thư Đinh La Thăng tham dự và đánh giá cao mô hình đầy tình nghĩa tình thương, chỉ đạo nhân mô hình ra diện rộng.
Ông Đinh La Thăng cho rằng, “Ban CTMT KP4 cùng các tổ CTMT có cách làm sáng tạo, đầy ý chí, phấn đấu xây dựng những gia đình có văn hóa, tử tế. Phải ra sức xây dựng thành phố đáng sống, văn minh, hiện đại. Cần đặc biệt chăm sóc tốt người cao tuổi, con cháu chúng ta. Mong bà con ta cùng góp sức, mẫu mực đi đầu trong các phong trào hành động. Cả nước xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. TP HCM sẽ ra sức xây dựng đô thị văn minh”.
Nhận định về mô hình thí điểm theo tinh thần đổi mới phương thức và nội dung họat động CTMT ở cơ sở tổ dân phố, Bí thư Thành ủy TP HCM nhấn mạnh: “Tổ CTMT là mô hình tốt đi sâu đi sát từng gia đình. Nên nhân rộng mô hình để góp phần tạo một thành phố có chất lượng cuộc sống tốt của mỗi người, do mỗi người, vì mỗi người. Phải kiên quyết thu hẹp khoảng cách giữa giàu và nghèo, vì đây là vấn đề hệ trọng của chế độ XHCN chúng ta. Phía trước còn vô vàn khó khăn. Nhưng với thành phố mang tên Bác dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, phải sống tốt, tử tế. Chúng ta cùng nhau xây dựng một thành phố tử tế, văn minh, yên bình. Muốn trở thành một thành phố tử tế, trước hết phải có những cá nhân tử tế, gia đình tử tế, rồi hạt giống tử tế mới có thể lan rộng ra”.
Và, thành phố mang tên Bác Hồ dù khó cũng phải làm cho kỳ được. Ngày 22/12/2016 vừa qua, cuộc họp UBMTQ Việt Nam P.7, Q.3, TP HCM đã quyết định nhân mô hình Tổ CTMT ở KP.4, P.7 ra các khu phố 1, 2, 3, 5 ngay trong năm 2017 này.