Một bậc thầy Đông y cây cao bóng cả
Mặc dù là cây bút không chuyên, nhưng tác giả Trần Việt Trung không còn xa lạ với bạn đọc yêu sách. 3 năm trước, Nxb Trẻ đã trình làng cuốn “Quyền Sư” viết về các bậc tôn sư môn phái Vĩnh Xuân Quyền tại Việt Nam. Một trong số tác giả cuốn sách là Trần Việt Trung.
Gần đây, Nxb Kim Đồng cho ra mắt cuốn “Thầy Thiên Đức” của Trần Việt Trung. Thầy Thiên Đức- nguyên là Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam giai đoạn 1991-2001.
Cuốn truyện nhiều tình tiết hấp dẫn, với những câu chuyện kể dã sử lồng bóng cổ tích; về một miền quê bên bờ con sông Cái với nhiều tập tục văn hóa đậm đà, nơi có truyền thống anh dũng kiên cường chống giặc ngoại xâm. “Cuốn sách tôi muốn viết ra không chỉ là chân dung một người thầy mà còn cả nếp sống nho học đã qua của cha ông ta mang hệ thống sắc thái văn hóa của người Việt kéo dài hàng nghìn năm nhưng bị chế độ thuộc địa xóa đi và ngay cả chúng ta đang dần lãng quên”- tác giả tâm sự.
Cuộc đời của thầy Thiên Đức gắn liền với truyền thống gia đình, dòng họ; với truyền thống quê hương đất nước. Trong cuốn sách, tác giả cũng cho biết tình thầy trò thâm giao tri kỷ với cụ Thiên Đức, tới nay đã ngót một phần tư thế kỷ. Cụ Thiên Đức giờ đây tuổi đã 97 nhưng vẫn minh mẫn, hàng ngày vẫn bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc, vẫn đàm đạo bên tách trà, ly rượu. Tác giả Trần Việt Trung vốn dĩ là quyền sư đi theo thầy Thiên Đức, để cố gắng tiếp nhận sở học của thầy, bao gồm Triết, Nho ,Y, Lý, Số của Phương Đông huyền bí. Là một trong những học trò ưng ý của cụ Thiên Đức, tác giả tâm sự: “Ba năm đầu tiên theo thầy Thiên Đức là một khoảng thời gian khá dài…
Những lý luận, phương pháp, các bài thuốc, vị thuốc mình thuộc trong đầu vẫn chỉ là những điều ghi chép lại, nó vẫn còn nằm nguyên trên các trang giấy. Điều cần nhất đối với một thầy thuốc Đông y là phải bắt mạch cho tinh, xử phương, dựng dược cho đúng thì tôi còn đang thiếu hoặc còn vụng. Mà những kỹ năng này chỉ có thể dần dần tích lũy thông qua sự chỉ bảo tỉ mỉ của thầy và sức tiếp thu của trò. Càng học tôi càng lấy làm lạ, sao có những người mới học xong một khóa y học cổ truyền vài năm đã “tự tin” ra tay chữa bệnh? Chưa kể vài người mang tiếng “lương y” nhưng chỉ đọc thủng vài quyển giáo trình, tài liệu nghiên cứu thì lười học, vậy mà khi tranh luận lại thuyết giảng thao thao bất tuyệt như thánh như tướng, liều thật!”
Thầy Thiên Đức ngoài đời chính là cụ Nguyễn Thiên Tích. Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Lâm- Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương thì “Lương y Nguyễn Thiên Tích là một trong số 31 lương y đầu tiên được Bộ Y tế tuyển chọn cho ngành Đông y Việt Nam.
Được biết, gia đình cụ có 4 đời làm ngự y trong triều. Cụ Tích là người được tuyển vào làm và giảng dạy cho lớp các bác sĩ Đông y kế cận. Cụ giỏi về y lý, uyên bác về Đông y và đặc biệt rất giỏi về nhi khoa, nội nhi”. Thầy Thiên Đức bươn trải với dòng đời từ sớm, có lúc trong cơn bĩ cực để nuôi sống gia đình nhỏ trong những ngày cận Tết đã từng phải bán chữ ở góc phố cổ; lúc thì thuê nhà mở phòng mạch tư và rồi sau đó gần như cả đời làm công ăn lương phục vụ nhân dân chu toàn trong một bệnh viện công. Đó là Viện Y học cổ truyền.
Còn nhiều điều hay trong cuốn sách, nhưng không gì hay hơn khi tự giở cuốn sách ra và bắt đầu hành trình tự khám phá.