Tránh cục bộ, lợi ích nhóm
Xung quanh vấn đề lợi ích nhóm, cục bộ, trao đổi với ĐĐK, ông Trương Minh Hoàng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, tùy ở mỗi vị trí, lãnh đạo càng cao thì càng phải coi đại cục làm trọng chứ không phải chỉ bao quát ở lĩnh vực, ngành, địa phương mình phụ trách. Như vậy mới có được đại cục chung tốt đẹp.
Ông Trương Minh Hoàng.
PV:Thưa ông, lâu nay chúng ta vẫn nói nhiều đến lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng luật, chính sách khi các bộ ngành, kể cả địa phương trong quá trình soạn thảo có đưa lợi ích của mình vào trong đó. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
Ông Trương Minh Hoàng: Đây không phải vấn đề mới, mà tại Quốc hội khóa XIII chuyện cục bộ, muốn có lợi trong lĩnh vực mà mình đề xuất, có lồng ghép để đặt quyền lợi của mình cao hơn thì cũng đã diễn ra. Tại các kỳ họp ĐBQH có góp ý về vấn đề này.
Ông bà xưa có câu “ăn cây nào rào cây ấy” nhưng đó không phải đúng trong mọi trường hợp, vả chăng cũng là để nói một chuyện khác, mang tính răn dạy về cách sống. Ở góc độ tâm lý nào đó nó là hoạt động bình thường của mỗi con người, nhưng mà với một cương vị lãnh đạo, ngành lĩnh vực thì phải lấy sự nghiệp chung làm trọng.
Vừa qua, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Quy hoạch, nhiều bộ, ngành đã có ý kiến khác nhau và Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhắc nhở về tình trạng này. Đành rằng trong quá trình xây dựng chính sách để đưa ra sự thống nhất trong quá trình thảo luận, thẩm tra thì tranh luận, có nhiều ý kiến khác nhau giữa đơn vị này với đơn vị khác, lĩnh vực này với lĩnh vực khác là chuyện thường.
Nhưng khi đã biểu quyết chung rồi thì phải đặt cái chung làm trọng. Nghĩa là sự thống nhất đã chung rồi thì đừng thể hiện cá nhân tại diễn đàn khi vấn đề đã được thống nhất.
Tham dự phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi thấy không biết quá trình lấy ý kiến thế nào nhưng quan điểm lại không đúng như Tờ trình trình ra. Những việc như vậy thực sự không nên.
Vậy, cần có giải pháp nào để không tái diễn tình trạng này?
Quá trình tranh luận, đưa ra quan điểm của ngành, lĩnh vực đó là quyền của mỗi bộ, ngành. Nhưng tùy ở mỗi cương vị, lãnh đạo càng cao thì càng phải coi đại cục làm trọng chứ không phải chỉ bao quát ở lĩnh vực mình phụ trách.
Vì nhiều khi lĩnh vực của mình còn tác động đến các lĩnh vực, các ngành khác. Có như vậy mới trở thành đại cục chung. Mọi vấn đề xuất phát từ cá nhân thì có thể tranh luận song nhiều ngành, lĩnh vực đã đi đến thống nhất thì phải theo cái chung, phát ngôn phải chuẩn.
Nên chăng cái đó nên được ghép vào đánh giá trách nhiệm kỷ luật phát ngôn tại một diễn đàn nào đó mà mình trao đổi. Chuyện cá nhân không thống nhất thì bảo lưu ở vị trí lúc anh trao đổi chứ không phải đi thay mặt lĩnh vực, đơn vị đi phát biểu ý kiến cá nhân trong khi mọi chuyện đã đi đến thống nhất, hay người ta đã bỏ phiếu và thống nhất và ý kiến của anh trở thành thiểu số thì anh phải phục tùng. Đó là nguyên tắc chung.
Ông có cho rằng trong quá trình làm luật, chính sách cần quy trách nhiệm lãnh đạo các bộ ngành để tránh cục bộ?
Đúng vậy, thậm chí quá trình xây dựng luật, pháp lệnh, thậm chí đề bạt đề xuất, nếu được giao trách nhiệm thì còn phải gắn trách nhiệm với người tham mưu, đề xuất. Nếu có sai sót đương nhiên phải kiểm điểm, nhắc nhở. Đây là vấn đề chúng ta cũng đang làm.
Vừa qua, Thủ tướng đã nhắc nhở các bộ, ngành vẫn còn các ý kiến khác nhau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Quy hoạch. Nghĩa là Thủ tướng không đồng ý với việc khi đã họp trong thành viên Chính phủ đã đồng ý nhưng ra Thường vụ Quốc hội lại nói khác nhau.
Tôi rất đồng tình với việc Chính phủ cần phải phê phán một cá nhân hoặc với góc độ của ai thì nên nghiêm túc sửa.
Thưa ông, như vậy cơ quan soạn thảo cũng phải nghiêm túc trong quá trình xây dựng cho đến thẩm định cuối cùng trước khi trình ra xin ý kiến?
Các ngành họ trình, họ đề xuất; nhưng tôi cũng cho rằng có khi không phải ngay từ đầu họ trình ra mà diễn biến như vậy là từ một nhóm người tham mưu đề xuất. Nó xuất phát từ “ăn cây nào rào cây ấy” nhưng đã ra tập thể thì phải có trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu.
Chắc chắn phải đề xuất, biểu quyết và trình cấp cao hơn nên người đứng đầu phải lấy đại cuộc làm trọng. Rồi quá trình thẩm định, trách nhiệm thẩm định đương nhiên phải có vai trò của Bộ Tư pháp.
Hay như việc đề ra một chủ trương, chính sách nào đó, quan điểm nào đó, người đứng đầu đã thẩm định, tập thể cho ý kiến thì phải theo nguyên tắc tập thể và đó cũng là theo nguyên tắc của Đảng. Tập thể lãnh đạo, khi đã quyết tập thể thì tập trung dân chủ và mọi thứ đã rõ ràng. Phải theo nguyên tắc như vậy.
Chúng ta cần tăng cường sự tham gia đóng góp của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực vì ý kiến chuyên gia có thể giúp tránh được tình trạng cục bộ, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách, thưa ông?
Đúng vậy. Ngay từ đầu kể cả quá trình soạn thảo, cho tới thẩm tra, thẩm định đều phải có sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia.
Làm luật có những vấn đề, nhu cầu không chỉ có chuyên gia đầu ngành trong nước mà còn tham khảo thêm cả Luật quốc tế. Quy trình làm Luật là phải như thế.
Hay bất cứ Ủy ban nào của Quốc hội được phân công thẩm định một dự án Luật nào thì cũng phải mời chuyên gia tham gia ngay từ đầu, nghiên cứu, cung cấp hồ sơ. Đó là quy trình diễn ra xuyên suốt trong làm Luật.
Trân trọng cảm ơn ông!