Đổi thay ở Vượng Lộc
Mùa xuân đang về và miền quê Vượng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) cũng khoác lên mình tấm áo mới - xã nông thôn mới. Với người dân nơi đây, chưa bao giờ mùa xuân lại vẹn tròn như năm nay.
Mô hình vườn mẫu - điểm nổi bật của xã Vượng Lộc.
Hạt nhân đoàn kết
Khi về xã Vượng Lộc để tìm hiểu về phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), chúng tôi được nghe hai lãnh đạo địa phương cùng khẳng định: Nếu không có linh mục quản xứ Nguyễn Tiến Dũng thì chưa chắc xã Vượng Lộc có thể về đích nông thôn mới được. Và quả thật, vị linh mục này chính là hạt nhân kết đoàn, tạo nên sức mạnh cho Vượng Lộc vươn lên trong công cuộc xây dựng NTM.
Vượng Lộc là xã thuần nông, địa hình sâu trũng, thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề từ lũ lụt, địa bàn lại rộng, dân số đông với trên 8.500 người, trong đó 20% đồng bào theo đạo Thiên Chúa, có 2 nhà thờ.
Ngay từ khi bước vào xây dựng NTM, chính quyền xã xác định, đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương - giáo là nhiệm vụ hàng đầu, quyết định việc thực hiện thành công các mục tiêu, nhất là trong xây dựng NTM.
Chủ tịch UBND xã Vượng Lộc Nguyễn Văn Quế cho hay: Cái hay và cái được lớn nhất ở Vượng Lộc là sự đoàn kết lương - giáo, điều đó thể hiện rõ nét ở thôn Cự Lâm và Đoài Duyệt- nơi có đông đồng bào giáo dân.
Hai thôn này luôn đi đầu trong các phong trào, từ hiến đất làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa đến vệ sinh môi trường, chỉnh trang vườn hộ…
Tất cả các công trình đều được cộng đồng dân cư tự làm, tự kiểm tra, giám sát nên hiệu quả các công trình rất cao lại tiết kiệm. Những thành quả này nhờ vai trò vận động, đồng hành của linh mục quản xứ Nguyễn Tiến Dũng.
Quá trình xây dựng NTM, những việc làm nổi bật của Cự Lâm và Đoài Duyệt phải kể đến như xây dựng nghĩa trang mới với diện tích 15.000 m2, tổng kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng; xây mương thoát nước thải bao quanh khu dân cư dài gần 2km, với tổng kinh phí gần 690 triệu đồng, làm nhà máy xử lý nước sạch cho cộng đồng dân cư trị giá hơn 1,5 tỷ đồng…
Tất cả kinh phí để thực hiện các công trình này đều được linh mục quản xứ vận động bà con giáo dân tại địa phận và huy động nguồn lực từ con em xa quê. Mỗi khi cần đến nhân công để thi công công trình công cộng thì hàng nghìn giáo dân đều tham gia tích cực.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, Linh mục Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh: Quả thật, mọi người trong khối dân cư trên địa bàn xã Vượng Lộc đang trở thành một gia đình - “gia đình chung”- nơi đó mọi thành viên yêu thương đùm bọc lẫn nhau, trên tinh thần tôn trọng những nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhau với phương châm: “Niềm vui chia sẻ, niềm vui lớn - nỗi buồn chia sẻ, nỗi buồn vơi”.
Tôi cũng thường xuyên rao giảng và làm gương cho bà con điểm nổi bật tạo nên sự thành công trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chính là mỗi người nhận thức rõ mối liên kết “máu mủ của giống nòi”. Do đó, mỗi người dù là ai, thuộc tín ngưỡng nào, đều có bổn phận xây dựng đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước.
“Điểm nổi bật trong xây dựng NTM ở đây là lương - giáo đồng lòng, đồng sức qua sự vận động của cha xứ, đó là điểm mạnh ít nơi có được. Giáo dân ở đây có khoảng 1.600 người nhưng có những ngày huy động được khoảng 2.000 người cả lương và giáo tham gia lao động làm nghĩa trang, làm đường. Tiền đóng góp là một phần nhưng nhân công cũng rất quan trọng, họ ý thức được tốt thì mới tham gia đông như thế. Điểm nhấn ở đây là lương – giáo không hề tách biệt mà đoàn kết một lòng. Hai nữa là giữa nhà thờ và chính quyền địa phương không có ranh giới mà rất hài hòa, cùng ra sức xây dựng NTM”, Linh mục Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.
Bộ mặt nông thôn đổi thay
Năm 2011, khi rà soát, đánh giá việc thực hiện xây dựng NTM, xã Vượng Lộc mới đạt 1 tiêu chí là an ninh trật tự. 5 năm sau, xã đã đạt 19 tiêu chí, về đích đúng hẹn. Nhưng điều quan trọng nhất là bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần đều được nâng lên.
Xã Vượng Lộc hôm nay đã khoác lên mình một gam màu hoàn toàn khác, gam màu của sự đủ đầy, sung túc, bình yên, sạch đẹp. Những con đường rộng rãi, khang trang thay thế cho sự lầy lội, sụt lún cách đây 5 năm.
Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, những khu vườn sum suê trĩu quả, xanh mướt rau củ mọc đầy trong các khu dân cư. Có thể nói cuộc sống của người dân Vượng Lộc đã bước sang một trang mới.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Quế cho biết: Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 của Vượng Lộc đạt gần 29 triệu đồng/người/năm. Hệ thống cơ sở hạ tầng được kiện toàn, đảm bảo cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đến nay xã đã có nhiều mô hình chăn nuôi gia trại và mô hình tổng hợp với 4 mô hình lớn, 6 mô hình vừa, 25 mô hình nhỏ.
Ngoài ra còn có nhiều mô hình nuôi vịt, bò, lợn đưa lại doanh thu hàng năm tương đối lớn giúp người dân cải thiện đời sống. Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi tổng hợp của ông trần Xuân Chính, Trần Xuân Bính (thôn Đoài Duyệt) với quy mô 500 con lợn, 500 con gà, 3 ha nuôi trồng thủy sản… doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm.
Nói về phong trào xây dựng NTM ở xã Vượng Lộc, Phó Bí thư thường trực huyện Can Lộc Đặng Trần Phong nhấn mạnh: Điểm nổi bật nhất của Vượng Lộc là tình đoàn kết lương giáo được thắt chặt, qua đó huy động được nội lực mạnh. Mặt khác, đời sống của người dân ở đây được nâng cao là nhờ làm tốt tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu (tiêu chí riêng của Hà Tĩnh), trong đó vườn mẫu đóng vai trò then chốt.