Đề xuất giảm 0,5% mức đóng BHXH bắt buộc

L.Hương 16/01/2017 10:00

Đây là một trong những đề xuất của Bộ LĐTB&XH tại Dự thảo Nghị định quy định mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động (BHTNLĐ), bệnh nghề nghiệp.

Ảnh minh họa.

Theo Bộ LĐTB&XH, Luật BHXH năm 2014 quy định: Hàng tháng, người sử dụng lao động đóng 1% trên quỹ tiền lương, tiền công đóng BHXH của người lao động vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Bên cạnh đó thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Bộ LĐTB&XH đã tiến hành rà soát chế độ BHXH về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, kết quả cho thấy, với mức đóng hiện hành (1%) thì tỷ lệ chi/thu quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đều chưa tới 10% và ít biến động trong nhiều năm trở lại đây.

Với các căn cứ nêu trên, việc Chính phủ ban hành Nghị định mới quy định mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thấp hơn mức quy định hiện hành và áp dụng trong một giai đoạn ngắn hạn, là hoàn toàn có thể được, nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Do đó, Bộ LĐTB&XH đề xuất 2 phương án giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong BHXH bắt buộc.

Phương án 1: Mức giảm đồng đều áp dụng cho tất cả ngành, nghề (dự kiến là 0,5% quỹ tiền lương đóng BHXH của NLĐ). Phương án 2: Mức giảm sẽ linh hoạt theo mức độ rủi ro và hậu quả của các tai nạn xảy ra đối với từng ngành, nghề.

Đánh giá tác động 2 phương án trên, đại diện Bộ LĐTB&XH cho rằng, Phương án 2 sẽ khuyến khích việc chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp so với Phương án 1. Tuy nhiên, để xác định mức đóng linh hoạt này cần có thời gian nghiên cứu, tính toán đầy đủ, chính xác tương đối mức độ rủi ro, tai nạn nghề nghiệp theo từng ngành, nghề.

“Phương án 1 đơn giản hơn Phương án 2 và có thể áp dụng ngay. Mặt khác, một trong những đặc điểm của BHXH là chia sẻ rủi ro giữa những đối tượng tham gia (đối tượng rủi ro ít chia sẻ với rủi ro cao). Phương án 1 hiện nay cơ bản đáp ứng được việc chia sẻ rủi ro này.

Vì vậy, Bộ LĐTB&XH đề xuất dự thảo Nghị định theo Phương án 1, đồng thời sẽ nghiên cứu, đánh giá tác động sau khi triển khai trong vòng 3 năm để xem xét mức độ phù hợp của Phương án 2 (quy định tại Điều 3 của dự thảo Nghị định)” – Đại diện Bộ LĐTB&XH khẳng định.

Theo thống kê, khoản chi dài hạn này đang tiến tới ngưỡng 70% tổng mức chi hàng năm. Đến khi nào khoản chi ngắn hạn (trợ cấp 1 lần) không đáng kể thì Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ vận hành như quỹ dài hạn (chủ yếu gánh khoản chi tích lũy trong quá khứ). Vì vậy, rất cần có khoản tích lũy này để bảo đảm cân đối Quỹ trong dài hạn.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điểm c, Khoản 3 Điều 6 Luật An toàn, vệ sinh lao động, Chính phủ chỉ hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện.

Vì vậy, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có thể còn phải tính toán dự phòng cân đối nguồn để chi khi triển khai bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện cho NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động (theo nguyên tắc mọi người tham gia Quỹ đều hưởng bình đẳng như nhau, nhằm chia sẻ rủi ro).

Để nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp thì việc ban hành Nghị định quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp càng sớm càng tốt.

Hiện nay, hàng tháng, mỗi doanh nghiệp phải đóng cho người lao động 22% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào ba quỹ là quỹ BHXH (18%), bảo hiểm y tế (3%), bảo hiểm thất nghiệp (1%). Ngoài ra, người lao động phải cùng đóng vào ba quỹ trên 10,5% tiền lương.

L.Hương