Phạm Tuyên, người chép sử bằng âm nhạc
Hiếm có đêm nhạc nào như “Nhớ và quên” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, để người ta được bồi hồi về một thời kỳ hào hùng của lịch sử dân tộc và cả những ký ức về tuổi thơ trong trẻo.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Câu chuyện âm nhạc
Quả không sai khi nhạc sĩ Phạm Tuyên được coi là người viết sử bằng âm nhạc. Đêm nhạc kỷ niệm sinh nhật thứ 88 của ông vừa diễn ra đã phần nào khắc họa những dấu mốc quan trọng trong lịch sử hào hùng của dân tộc.
Tại chương trình, các bài hát đã được trình diễn trải dài theo thời gian, ghi lại dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước của dân tộc cũng như cuộc đời nghệ thuật của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Bắt đầu bằng những ca khúc thiếu nhi, điều thú vị là những bài hát thiếu nhi nhưng do các đội viên đội Thiếu sinh quân ngày xưa, bây giờ họ đều đã là những ông, bà, nhưng vẫn đeo khăn quàng đỏ và thể hiện thật trong sáng, say mê những giai điệu quen thuộc về tuổi thơ như: Tiến lên đoàn viên, Hành khúc đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
Tiếp đó, cảm xúc lại càng được tăng lên khi tiếp sau đó là những trường đoạn về Thủ đô những năm bom Mỹ ác liệt với liên khúc “Hà Nội những đêm không ngủ” và “Hà Nội Điện Biên Phủ”. Tiếng còi báo động máy bay ngân vang và giọng nói hối hả “Đồng bào chú ý, máy bay địch còn cách Hà Nội 50 cây số. Đồng bào cần bĩnh tĩnh vào hầm trú ấn...” khơi lại những ký ức của một thời đạn bom giữa hòa bình hôm nay.
Tất cả xuất hiện như một câu chuyện từ lịch sử quá trình sáng tác của tác giả, đồng thời cũng liền theo những sự kiện của đất nước.
Chương trình được khép lại sau một liên khúc các bài hát thiếu nhi rất nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Tuyên như: Chú voi con ở bản Đôn, Tiếng chuông và ngọn cờ, Gặp nhau giữa trời thu Hà Nội… Không ít lần khán giả đã vỗ tay theo nhịp của những bài hát.
Có thể nói, việc mở đầu và kết thúc đều là những ca khúc dành cho thiếu nhi cũng là cách để tạo được điểm nhấn cho chương trình khi Phạm Tuyên đã được công chúng yêu mến và gắn với biệt danh nhạc sĩ của tuổi thơ.
Nhạc sĩ của trẻ em
Không chỉ là những hồi ức về một thời tuổi trẻ, nhiều người lớn tuổi tại chương trình lại bắt gặp mình trong những bản tình ca của “Những nốt nhạc từ trái tim”. Không nổi tiếng với các bản tình ca, nhưng tại đêm nhạc khán giả hết sức bất ngờ với một số ít các sáng tác về tình yêu của nhạc sĩ, qua bàn tay của đạo diễn âm nhạc Lưu Hà An đã trở nên mới mẻ và cuốn hút vô cùng.
Điểm nhấn của phần này chính là phần thể hiện Năm bông hồng trắng của ca sĩ Thanh Lam với phần đệm guitar của Thanh Phương. Màn kết hợp này đã tặng khán giả và chính tác giả một phần trình diễn nồng nàn mà đẹp đẽ, thanh cao.
Cao trào của đêm nhạc chính là bài hát chủ đề “Nhớ và quên” được kết hợp một cách bất ngờ giữa hai giọng ca thính phòng nổi bật Trọng Tấn, Lan Anh và giọng ca nhạc nhẹ Thanh Lam. Sự tương phản trong cách thể hiện lại trở nên hòa quyện cảm xúc tuyệt vời với bản phối đẹp như nhạc phim.
Và các bạn nhỏ, không phải theo ông bà, cha mẹ tới đêm diễn của người lớn, mà tới chính đêm diễn dành cho trẻ em. Những ca khúc thiếu nhi từ những bài hát Nga bất hủ được ông đặt lời Việt như Nụ cười, Ở trường cô dạy em thế đến các ca khúc mẫu giáo như Trường của cháu đây là trường mầm non, Cả tuần đều ngoan, Cô và mẹ hay các ca khúc thiếu niên... đều được thể hiện trong đêm nhạc.
Đặc biệt, hình ảnh xúc động nhất trong chương trình là nhạc sĩ Phạm Tuyên xuất hiện trên sân khấu hát cùng các cháu thiếu nhi, được chúc mừng sinh nhật. Vị nhạc sĩ đáng kính cũng đánh đàn cho con gái út, chị Phạm Hồng Tuyến hát bài “Tiễn thầy đi bộ đội”. Khán giả rất thú vị khi biết chị Tuyến chính là người “ép” bố sáng tác ca khúc “Trường của cháu đây là trường mầm non” và chị là… ca sĩ đầu tiên của ca khúc mầm non nổi tiếng này.
Trong đêm nhạc, khán giả cũng được gặp lại những giọng ca bất hủ như NSND Trung Kiên, Trần Hiếu, Thanh Hoa, NSƯT Mạnh Hà và dõi theo những màn kết hợp giữa các thế hệ ca sĩ như Mạnh Hà - Việt Hoàn, Thanh Hoa - Việt Hoàn, Trần Hiếu - Jayden Trịnh, Tùng Dương - Nhật Minh. Điều này không chỉ làm nên nét đặc biệt cho đêm nhạc mà còn tạo nên sự kết nối thế hệ trong nghệ thuật và cuộc sống.
Đêm nhạc được đạo diễn sân khấu Phạm Hoàng Nam “gia giảm” vừa phải, đúng chất con người và sự đơn giản của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Toàn bộ sân khấu được sắp xếp thành những bậc thang lớn để dàn nhạc sống ngồi chơi, phía sau là màn hình lớn để trình chiếu những hình ảnh trong quá khứ.
Ánh sáng cũng được điều chỉnh màu sắc, cường độ để đồng điệu với mọi hoạt động trên sân khấu. Mọi thứ ăn nhập với nhau đến từng chi tiết.
Càng về cuối, chương trình càng khiến người xem dễ rơi nước mắt. Điều ấy phần nào nói lên mong mỏi của người nhạc sĩ đáng kính: Mong muốn âm nhạc thiếu nhi Việt Nam sẽ có thêm nhiều người trẻ viết, cho con trẻ hát, vì thế hệ tương lai hướng đến chân - thiện - mỹ.