Tìm duyên quan họ

Hoài An 29/01/2017 10:00

Say mê quan họ, tôi không muốn chờ đến hội Lim. Phải chăng tôi ngại chốn đông người? Tôi muốn được sống trong bầu không khí quan họ xưa cũ với những anh hai, chị hai đằm thắm, mặn mà và tình tứ trong canh quan họ cổ.

Một canh hát Quan họ cổ tại nhà anh Hai Chiến, làng Lim.

Trong suốt cả tháng Giêng hội hè, đi bất cứ làng nào ở vùng Kinh Bắc này, nào là làng Lim, làng Thị Cầu, làng Viêm Xá, làng Diềm, làng Thổ Hà… bạn đều có thể được tham dự vào những canh hát quan họ.

Ở đó, bạn sẽ nghe quan họ một cách mộc mạc nhất, ngọt ngào nhất qua những chất giọng có thể nói đậm đặc thổ ngữ “quê mùa”, nhưng đó mới đúng chất quan họ mà không một nơi nào có được. Nghe quan họ kiểu cổ xưa là không cần nhạc đệm, chỉ có giọng hát cất lên, bên nam đối với bên nữ. Thế mà từ làn điệu, lời ca đầy “lúng liếng” ấy đã đủ làm mê hoặc người nghe, mang đến trọn vẹn không khí của mùa xuân.

Chính nhờ những lần du xuân miền quan họ đó mà tôi đã biết thế nào là quan họ truyền thống. Đó là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian của xứ Kinh Bắc với những quy định khắt khe, đòi hỏi những người hát như liền anh, liền chị phải am tường các tiêu chuẩn, tuân thủ luật lệ. Trong các luật lệ cổ, một canh hát quan họ có ba chặng.

Thứ nhất là phải hát “lề lối”, tức giọng cổ : “hừ là, là rằng, ái ả”, giọng “kim lang”, hay giọng “cây gạo”, là những giọng rất khó và đặc biệt là chú trọng về những kỹ thuật hát như “vang, rền, nền, nảy”. Khi nào hát xong các bài giọng lề lối đó thì mới chuyển sang hát giọng vặt, gồm những bài hát hoa lá, nói về tình yêu, nói về cảnh vật, nói về nỗi lòng…

Có lẽ chính vì cái quy định ngặt nghèo là người quan họ đã kết bạn với nhau thì không được lấy nhau nữa nên những canh hát càng chất chứa nhiều nỗi niềm, càng lay động lòng người. Sau khi hát xong giọng vặt rồi, thì mới tới giọng cuối cùng là “giã bạn”.

Màn giã từ nhau này thường nhiều quyến luyến, nhiều khi hát giã bạn tới hai, ba tiếng đồng hồ. Bình thường một canh quan họ có thể hát từ 7 giờ tối cho đến 2, 3 giờ khuya. Có những nơi có thể kéo dài hai, ba đêm. Càng nghe về khuya mới càng ngấm.

Ngày nay, dân ca quan họ đã phát triển và hoàn chỉnh cả về phương diện âm nhạc, lời ca và hình thức trình diễn. Các làn điệu quan họ ngày càng phong phú hơn và đều có phong cách riêng kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại. Lối hát quan họ mới được nhiều người chấp nhận vì dễ học, dễ hát, không phải tập luyện nhiều, tiết tấu nhanh, phát âm tiếng đơn rất ít kỹ thuật rền nảy.

Quan họ mới cũng sử dụng đàn organ nên không tránh khỏi sự gấp gáp, khô cứng làm mất đi chất mượt mà, thanh cao, bác học vốn có của dân ca quan họ cổ. Điều này chắc hẳn những người làm nhiệm vụ lưu giữ quan họ xác định chưa đúng mục đích lễ hội, vừa muốn gìn giữ giá trị cổ truyền, vừa muốn có doanh thu, nên xuất hiện các đoàn “quan họ xung kích”, “quan họ ngả nón xin tiền” với kiểu hát khác hẳn lối hát canh, có trình tự của các nghệ nhân.

Thực trạng đó đã ít nhiều làm biến dạng văn hóa quan họ. Nhưng người hiểu được giá trị đích thực của quan họ ngày càng nhiều, và đó cũng chính là lý do các canh quan họ cổ đang dần hồi sinh tại miền quan họ.

Tôi đã du xuân miền quan họ để nghe canh quan họ cổ như thế nhiều lần mà vẫn cứ muốn quay trở lại. Trong những ngày đầu của năm mới, để được sống trong bầu không khí ngọt ngào, tình tứ của người quan họ.

Cũng vẫn là quan họ thôi mà canh hát của mỗi làng vẫn có cái hay riêng, lôi cuốn người nghe bằng cái duyên riêng của mình. Và cũng vẫn là quan họ thôi mà mỗi lần trở lại Kinh Bắc tôi lại thấy mình cảm nhận được thêm một cái hay, cái đẹp mới của quan họ.

Hình như càng yêu nó, càng hiểu về nó thì lại càng nhìn thấy nhiều điều còn ẩn chứa trong nó. Và tôi có cảm giác như ở miền đất này, quan họ đã là máu thịt của người dân, nó đọng lại trong từng cỏ cây hoa lá, nó vương vít trong mỗi hồn người, lấp ló trên môi của bất kỳ ai từ già trẻ, lớn bé ở làng.

Hoài An