Tôn vinh khoa học
9 công trình, cụm công trình vừa được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và 7 công trình, cụm công trình vừa được trao tặng Giải thưởng Nhà nước trong đợt thứ 5 này là sự tôn vinh một lần nữa của Đảng, Nhà nước đối với các nhà khoa học. Điều đặc biệt của lần này, là hầu hết các tác phẩm được vinh danh đều mang tính ứng dụng và thực tiễn rất lớn.
Ra đời từ năm 1996, Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước là giải thưởng cao quý được trao tặng cho các công trình, cụm công trình nghiên cứu, các tác phẩm đặc biệt xuất sắc ở cả 2 lĩnh vực: Khoa học - công nghệ và văn học - nghệ thuật. Cho đến nay đã có 4 đợt xét tặng vào các năm 1996, 2000, 2005, 2010. Năm 2016 là đợt xét tặng thứ 5.
Điều đặc biệt của đợt trao tặng lần này đối với lĩnh vực khoa học - công nghệ, là tính ứng dụng, tính thực tiễn của các công trình, cụm công trình.
Trong danh sách 9 công trình, cụm công trình được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay, không còn cảm giác giải thưởng cao quý chỉ trao cho các bậc “cây đa cây đề” nữa, mà vấn đề là ở chỗ giá trị của nghiên cứu có xứng đáng được tôn vinh hay không. Đã nhìn thấy những gương mặt trẻ, thậm chí cũng không nhất thiết phải có phẩm hàm cao.
Ví dụ Giải thưởng Hồ Chí Minh đã được trao cho kỹ sư Phan Tử Giang dưới 40 tuổi - đồng tác giả của công trình Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Công trình nghiên cứu này đã làm lợi trực tiếp cho đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia có đủ năng lực thi công giàn khoan khai thác dầu khí tự nâng.
Hay ở cụm công trình “Ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác” của GS.TS Mai Trọng Khoa đã giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị ung thư, làm giảm tỷ lệ tử vong, tăng tỷ lệ điều trị thành công ung thư và một số bệnh khác, góp phần đưa chuyên ngành y học hạt nhân và ung bướu Việt Nam theo kịp trình độ các nước tiến tiến trong khu vực và một số nước phát triển trên thế giới…
Hay ở 7 công trình, cụm công trình đoạt Giải thưởng Nhà nước, có thể nhìn thấy giá trị thực tiễn rõ rệt của hai giống lúa mới OM6976 và OM5451 có chất lượng cao, nhiều đặc tính chống chịu tốt với môi trường như chống xâm nhập mặn đã được đưa vào sản xuất trên diện rộng và đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao do PGS TS Trần Thị Cúc Hòa nghiên cứu, chọn tạo và phát triển.
Diện tích ứng dụng của hai giống lúa này qua 3 năm từ 2013-2015 lên đến trên 3 triệu hecta ở Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Đông Nam Bộ, tạo ra lợi nhuận tăng thêm to lớn cho nông dân và trở thành hai giống lúa xuất khẩu chất lượng cao chủ lực ở Đồng bằng sông Cửu Long…
Dẫn ra một số ví dụ để thấy xu hướng khoa học ngày nay đã gần gũi với thực tiễn đời sống và sự vinh danh những công trình xuất sắc, tiêu biểu theo tiêu chí lựa chọn này là một xu hướng đúng.
Các nhà khoa học được vinh danh bằng những giải thưởng cao quý không phải là những tác phẩm, những công trình nghiên cứu cao siêu mà thiếu tính thực tiễn.
Đúng như Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nói: Các nhà khoa học phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình.
Ngay cả trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, các công trình đoạt giải thưởng lần này cũng là những thành tựu xuất sắc của các nhà nghiên cứu như Giáo sư Phan Huy Lê (Giải thưởng Hồ Chí Minh), cố GS TS Đỗ Hữu Châu (Giải thưởng Hồ Chí Minh), GS TS Nguyễn Tài Thư (Giải thưởng Nhà nước)… về triết học, lịch sử và ngôn ngữ, làm rõ tầm cao tư duy của dân tộc Việt, các giá trị, hạn chế và bài học lịch sử quý báu.
16 công trình, cụm công trình được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước đợt này là sự vinh danh xứng đáng, thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ các nhà khoa học nhưng cũng đồng thời là dịp để hoàn thiện hơn cơ chế chính sách, để như đề nghị của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là tạo môi trường thuận lợi, tạo điều kiện tinh thần và vật chất để phát triển khoa học và công nghệ.
Phải phát huy hết mọi nguồn lực, tiềm năng trí tuệ của dân tộc, đặc biệt là năng lực sáng tạo của đội ngũ tri thức. Những giải thưởng cao quý là cần thiết, nhưng bên cạnh đó, cần chính sách để không phải các nhà khoa học chỉ chờ để được vinh danh, mà nghiên cứu của các nhà khoa học phải có cơ chế để được áp dụng vào thực tiễn, tạo ra thị trường khoa học - công nghệ lành mạnh, chất xám phải được trả đúng giá trị và có ích cho cộng đồng.
Đồng thời, xu hướng xét tặng giải thưởng và tính công bằng, nghiêm túc trong xét tặng cũng là dịp để thay đổi những quan niệm trong nghiên cứu khoa học.
Ví dụ như ở lần tôn vinh thứ 5 này, đã thấy dấu hiệu của những nhân tố trẻ, tính thực tiễn cao của công trình nghiên cứu, không phụ thuộc vào học hàm, học vị… sẽ tác động trở lại với giới nghiên cứu, góp phần khuyến khích, tạo động lực cho các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ đổi mới hoạt động nghiên cứu, sáng tạo.
Đây là điều đáng mừng để khoa học ngày càng gắn kết và thiết thực với đời sống, đóng góp tích cực cho đất nước phát triển.