Chân dài bóng chuyền Việt: Tài sắc vẹn toàn
Bóng chuyền là một trong những môn có nhiều hoa khôi nhất làng thể thao Việt Nam. Những chân dài không chỉ nổi bật trên sàn thi đấu bởi tài năng, và sắc đẹp, mà còn rất nữ tính, thùy mị nết na ở ngoài đời. Dịp Tết đến xuân về- khoảng thời gian hiếm hoi các VĐV bóng chuyền được nghỉ ngơi, tất cả sum vầy bên gia đình, trổ tài “nữ công gia chánh” với tài nấu ăn, trang trí nhà cửa, chăm lo cho gia đình.
Bóng chuyền cho em sự nghiệp, theo đuổi thần tượng và niềm đam mê. Em cảm thấy mình may mắn hơn bạn bè cùng trang lứa ở nhà, khi theo bóng chuyền- Thu Hoài cô gái có gương mặt bầu bĩnh, đôi mắt to, trong sáng nói.
Tuổi 18 của Hoa khôi mới nổi Thu Hoài
Nguyễn Thị Thu Hoài (1998) là một trong những cây chuyền hai rất triển vọng của bóng chuyền nữ Việt Nam. Thu Hoài bén duyên với bóng chuyền khi đầu quân cho đội Vĩnh Phúc. Ban đầu bố mẹ cô không đồng ý nhưng vì thương con, và biết rằng Hoài quá đam mê với môn bóng chuyền, nên cả hai đã chiều lòng đứa con gái bướng bỉnh.
Theo tập thử đội bóng chuyền năng khiếu Vĩnh Phúc một thời gian, nhưng cảm thấy bản thân không phù hợp, Thu Hoài đã tự tìm đến đội bóng chuyền trẻ ngành Ngân hàng. Quyết định này đã khiến Hoài gặp nhiều rắc rối, nhưng đó lại là một bước ngoặt để 9X quê Thái Bình đánh dấu bước tiến mới trong sự nghiệp của mình. Nói như Thu Hoài thì nếu vẫn ở Vĩnh Phúc thì có lẽ đến giờ cô vẫn chỉ là một VĐV… nhặt bóng.
Được HLV Nguyễn Thúy Oanh, huấn luyện và đào tạo từ tháng 9/2013, nhưng với chiều cao 1m74, nhanh nhẹn, cảm giác bóng cực tốt, Thu Hoài đã nhanh chóng có những bước tiến dài về chuyên môn. Không chỉ ngày một khẳng định được tài năng, cô gái quê Thái Bình còn sở hữu khuôn mặt bầu bĩnh rất đáng yêu, đôi mắt to và sáng.
Hoài được gọi lên đội tuyển trẻ quốc gia và đây chính là bệ phóng để Hoa khôi bóng chuyền ghi được những dấu ấn của mình. Năm 2016, tại giải vô địch Đông Nam Á, tay đập 18 tuổi đi vào lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam khi là cây chuyền hai đầu tiên giành được danh hiệu chuyền hai xuất sắc nhất tại một giải đấu quốc tế.
Cũng trong năm 2016, Thu Hoài đã được gọi lên tuyển quốc gia. VĐV người Thái Bình dù không có suất chính thức nhưng mỗi khi cần có sự thử nghiệm nhân tố trẻ, HLV trưởng Thái Thanh Tùng đều tung Thu Hoài vào sân và cô đã hoàn thành rất tốt vai trò của mình.
18 tuổi, nhưng sự trải nghiệm với bóng chuyền đủ để Thu Hoài có những cảm nhận, đánh giá về nghề: “Bóng chuyền cho em sự nghiệp, theo đuổi thần tượng và niềm đam mê. Em cảm thấy mình may mắn hơn bạn bè cùng trang lứa ở nhà, khi theo bóng chuyền”.
Khép lại một năm thành công, Thu Hoài đã có rất nhiều kế hoạch đón Tết cùng gia đình. Cô gái có đôi mắt to tròn rất thích cùng bố mẹ gói bánh chưng, trang trí nhà cửa và nấu ăn.
Chuyện đời, chuyện nghề của chân dài bóng chuyền bãi biển
Sinh năm 1996, nhưng bảng thành tích của Từ Thị Thu Vân lại khiến nhiều VĐV khác phải ghen tị. Cô gái có nước da ngăm đen người Quảng Ngãi từng 2 năm liên tiếp vô địch giải trẻ quốc gia (2015-2016), là trụ cột của đội tuyển trẻ quốc gia, đội tuyển quốc gia bóng chuyền bãi biển.
Tuổi 9X nhưng VĐV bóng chuyền Từ Thị Thu Vân luôn có suy nghĩ chững chạc và già dặn. Cô gái có chiếc răng khểnh rất duyên thích tự mình làm mọi thứ, làm bao nhiêu thì tận hưởng bấy nhiêu và không bao giờ hài lòng với những gì có được. Cái tính cách ấy, quan điểm sống ấy, đã giúp Thu Vân không những trụ lại được mà còn “sống khoẻ” với môn thể thao đầy khắc nghiệt như bóng chuyền bãi biển.
Khi 14 tuổi, nói thật ngày đó em đâu có phân biệt bóng chuyền bãi biển với trong nhà, nhưng không hiểu vì sao lại bén duyên với bóng chuyền bãi biển, dù lúc đầu rất thần tượng chị Phạm Kim Huệ của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam- Thu Vân nói.
Vì sao Thu Vân lại đến với môn thể thao luôn phải chơi ở ngoài bãi biển nắng cháy, cát và gió, thay vì chọn bóng chuyền trong nhà. Lý do mà Vân đưa ra lại rất đơn giản: “Từ bé em đã có chiều cao nổi bật so với bạn bè cùng trang lứa. Thấy em có chiều cao tốt nên chú của em đã thuyết phục bằng được theo học bóng chuyền. Hồi đó là khi em mới 14 tuổi.
Nói thật ngày đó em đâu có phân biệt bóng chuyền bãi biển với trong nhà, nhưng không hiểu vì sao lại bén duyên với bóng chuyền bãi biển, dù lúc đầu rất thần tượng chị Phạm Kim Huệ của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam”.
Hồi mới tập da Thu Vân đen cháy, ngày nào cũng phải lăn lê bò toài trên cát nóng. Lúc đầu tập luyện khổ cực cô gái người Quảng Ngãi đã khóc vì nghĩ mình khó vượt qua, nhưng được các thầy cô và đặc biệt là gia đình luôn ủng hộ nên cũng quen dần.
Nghiệp thể thao luôn là sự hi sinh, đánh đổi nhiều hơn vinh quang. Mỗi lần gặp khó khăn, thử thách, Vân lại nghĩ tới người bố quá cố của mình: “Bố em sau một thời gian mắc bệnh đã qua đời. Khi đó em đang tập luyện ở Đà Nẵng nên không thể về kịp để nói lời cuối với người đã sinh ra mình. Em buồn lắm và đã có ý định buông tất cả, nhưng lại nghĩ tới lúc bố còn sống đã luôn ủng hộ, động viên nên tiếp tục theo nghiệp bóng chuyền đến ngày hôm nay.
Trước lúc mất, bố nói với mẹ rằng lo nhất em vì là con út trong gia đình. Em tự nhủ mình luôn phải là đứa con ngoan, không để bố thất vọng về mình”.
“Bóng chuyền giúp em học được sự kiên nhẫn và nỗ lực vượt khó khăn. Quan điểm sống của em là thích tự lập, không dựa dẫm vào ai cả. Làm bao nhiêu thì hưởng thụ bấy nhiêu và em vẫn thích tự tay mình làm ra mọi thứ . Phải trải nghiệm thì mới biết mình quý giá thứ mình làm được. Chỉ như vậy thì em mới trưởng thành”, chia sẻ đầy chững chạc của chân dài bóng chuyền sinh năm 1996.
Quan điểm sống của Thu Vân rất thực tế. VĐV 9X đang là sinh viên năm thứ nhất nên mục tiêu trước mắt là ra trường với tấm bằng Đại học trong tay. Vân nghĩ là dù có làm gì thì ngoài đam mê ra mình phải có kiến thức, sự hiểu biết về lĩnh vực đó.
Nói về những ngày nghỉ Tết, VĐV quê Quảng Ngãi cho biết mình sẽ tranh thủ “làm thêm”.
“Em được mời tham gia khá nhiều sự kiện liên quan đến games show truyền hình, chụp ảnh người mẫu, diễn thời trang… Đây như là nghề tay trái của em. Làm người mẫu em được gặp thêm nhiều người, mở rộng thêm các mối quan hệ, qua đó cũng gúp em học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm, vốn sống”, Thu Vân chia sẻ.
Hoa khôi không tuổi
Tuyên bố giải nghệ sau mùa giải 2015, nhưng Kim Huệ đã buộc phải thay đổi quyết định sau khi Ngân hàng Công thương “năn nỉ” cô ở lại để dìu dắt lứa trẻ. Vốn nặng lòng với bóng chuyền, Huệ đã trở lại và tiếp tục toả sáng ở giai đoạn 1 giải bóng chuyền VĐQG 2016.
Màn thi đấu đầy ấn tượng khiến những nhà quản lý, chuyên môn phải tiếp tục thừa nhận Huệ vẫn rất cần cho ĐTQG. Vì thế mà tại cúp châu Á và hiện tại là VTV Cup 2016, Kim Huệ đã có tên trong danh sách tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam.
Ngày Tết với Kim Huệ thật bận rộn. Hoa khôi không tuổi dành trọn vẹn thời gian bên gia đình và cô luôn cảm thấy hạnh phúc vì có một người mẹ chồng tâm lý, một người chồng là trụ cột, một cô con gái xinh xắn, học giỏi, ngoan ngoãn. “Tôi nghĩ rằng nếu mỗi VĐV đều có sự ủng hộ của gia đình, thì thành công đã là 80-90% rồi”- Kim Huệ chia sẻ.
Sau đúng 10 năm, Kim Huệ trở lại với chiếc băng đội trưởng của tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam. Ngoài tài năng, các khán giả truyền hình hay các khán giả có mặt tại nhà thi đấu còn trầm trồ vì nhan sắc không tuổi của hoa khôi bóng chuyền.
Dù bóng chuyền nữ Việt Nam đã xuất hiện nhiều gương mặt trẻ xinh đẹp, nhưng nói về danh hiệu Hoa khôi bóng chuyền thì người ta chỉ nhớ Phạm Thị Kim Huệ. Đôi môi chúm chím, đôi mắt to tròn và khuôn mặt cực ăn ảnh là điểm nhấn khiến vẻ đẹp của cô gái Hà Nội rất nổi bật và khác biệt.
Phạm Thị Kim Huệ trở lại đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam với rất nhiều niềm tin và hy vọng. Phụ công xinh đẹp của Ngân hàng Công Thương dù đã 34 tuổi nhưng vẫn hừng hực khí thế mỗi khi xung trận và kinh nghiệm của người từng 10 lần dự giải đã giúp tuyển Việt Nam giành ngôi vị Á quân tại VTV Cup.
Ít ai ngờ đã ở độ tuổi “băm” nhưng Kim Huệ vẫn có môt năm tỏa sáng rực rỡ. Cô luôn trở thành tấm gương với các đàn em, đàn cháu ở CLB và ĐTQG.
Với Kim Huệ, cô luôn làm mẫu người phụ nữ làm tròn vai cả trong công việc lẫn ở gia đình. Kim Huệ cho biết, cô cảm thấy có lỗi với chồng con khi dành quá nhiều thời gian cho sự nghiệp thi đấu: “Khi còn thi đấu, tôi thường ra khỏi nhà lúc 6h và đến tối mịt mới về. Còn những đợt tập trung CLB hay đội tuyển quốc gia, tôi xa nhà hàng tháng trời.
Nói thật con gái giờ học lớp 3, nhưng tôi chẳng mấy khi dạy con học. Tôi còn nhớ hồi cháu vào lớp 1, sau 2 tháng tập trung trên tuyển về nhà đã thấy con biết đọc, biết viết tên mẹ. “Lúc ấy cảm xúc thật lẫn lộn, vừa hạnh phúc, vừa cảm thấy thật có lỗi với con”- Kim Huệ tâm sự.
Con gái Kim Huệ rất ngoan, luôn nằm trong tốp 5 của lớp. Kim Huệ cho biết con gái mình không thích thể thao mà chỉ thích nghệ thuật, cụ thể là hội hoạ. “Hồi còn bé cháu đi đâu nhìn thấy những trái bóng đều rất thích, nhưng sau này lớn lên lại thay đổi. Cháu nói rằng theo thể thao làm gì cho mệt và khẳng định sẽ không theo nghiệp bóng chuyền của mẹ, mà muốn học thật giỏi, vẽ thật đẹp”, Kim Huệ nói về sở thích của con.
Cũng như những chân dài bóng chuyền khác, ngày Tết với Kim Huệ thật bận rộn. Hoa khôi không tuổi dành trọn vẹn thời gian bên gia đình và cô luôn cảm thấy hạnh phúc vì có một người mẹ chồng tâm lý, một người chồng là trụ cột, một cô con gái xinh xắn, học giỏi, ngoan ngoãn.
“Tôi nghĩ rằng nếu mỗi VĐV đều có sự ủng hộ của gia đình, thì thành công đã là 80-90% rồi. Hậu phương vững chắc, tư tưởng thoải mái, còn lo gì nữa đâu. Với tôi, hạnh phúc nhất trong những ngày Tết, là ở được bên gia đình mình một cách trọn vẹn”, Kim Huệ chia sẻ.