Trong vòng tay quê hương ấm áp
Trước thềm năm mới Đinh Dậu 2017, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) Vũ Hồng Nam chia sẻ với Đại Đoàn kết về chính sách kiều bào của Đảng, Nhà nước và tình cảm của kiều bào với quê hương.
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam.
PV:Thứ trưởng có thể cho biết những chương trình sẽ được Ủy ban đề ra trong năm mới 2017 nhằm hướng về cộng đồng kiều bào?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Năm 2017 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam. Đất nước ta với vị thế không ngừng được nâng cao, lần thứ hai đăng cai sự kiện có ý nghĩa toàn cầu là Hội nghị cấp cao các nền kinh tế Châu Á Thái Bình Dương APEC 2017.
Đây cũng là năm đánh giá hiệu quả sau một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020, sau một năm Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với NVNONN giai đoạn 2016 – 2020 đi vào cuộc sống.
Với những ý nghĩa đó, trong năm 2017, Bộ Ngoại giao, Ủy ban NVNONN xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch hoạt động ở trong và ngoài nước nhằm tập hợp, thu hút đông đảo kiều bào từ nhiều nước trên thế giới; tạo sự giao lưu, trao đổi, tăng cường đoàn kết gắn bó giữa kiều bào các nước với nhau cũng như giữa kiều bào với nhân dân trong nước; góp phần triển khai chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động thường niên, chúng tôi sẽ tập trung vào các hoạt động cụ thể và thực chất.
Trước tiên, chúng tôi sẽ thúc đẩy các Bộ, các ngành cùng “vào cuộc” để Chương trình hành động của Chính phủ thực sự đi vào cuộc sống. Cần phải có sự nhất quán, đồng bộ về nhận thức, phối hợp hành động tích cực, chặt chẽ và kết nối chương trình hành động giữa các Bộ, ngành với Uỷ ban để tạo ra sức mạnh tổng hợp và hiệu quả.
Thứ hai, tích cực triển khai các kết quả của năm 2016, đặc biệt là Hội nghị tháng 11/2016. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi sẽ phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh hình thành cơ chế tương tác, trao đổi thường xuyên với các chuyên gia kiều bào; nghiên cứu đề xuất của kiều bào và lựa chọn những dự án khả thi để đưa vào triển khai trên thực tế.
Thứ nữa là tiếp tục tập trung vào việc thu hút “hiền tài” cho sự nghiệp “chấn hưng đất nước” kèm với đó là việc kiến nghị Chính phủ có đãi ngộ đối với một số chuyên gia kiều bào khi tham gia các dự án về Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài; tạo điều kiện để các nhà khoa học kiều bào thực hiện các dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tại Việt Nam; đa dạng hoá các hình thức tập hợp ý kiến, tranh thủ tri thức chất xám như trao đổi từ xa, tổ chức toạ đàm trực tuyến…
Cuối cùng là tăng cường hỗ trợ cộng đồng trong tiếp cận thông tin, duy trì và phát huy bản sắc văn hoá, bảo tồn tiếng Việt. Chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ nội dung thông tin cho báo chí, truyền hình của người Việt ở nước ngoài, tổ chức mời báo chí truyền thông của người Việt hải ngoại về nước tìm hiểu tình hình thực tế… và thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt trong đó chú trọng hỗ trợ cho địa bàn khó khăn cả trong dạy và học; cố gắng cấp một số học bổng cho con em kiều bào về nước học tập.
Qua tiếp xúc với kiều bào, Thứ trưởng có cảm nhận hay còn băn khoăn gì về cuộc sống của bà con?
Qua các chuyến đi, qua các cuộc tiếp xúc với kiều bào ở khắp nơi trên thế giới, tôi nhận thấy đời sống của đại đa số bà con tốt lên nhiều. Đã có lần tôi nhắc với bạn về xu hướng trí thức hóa cộng đồng người Việt Nam ngày càng phát triển…
Đây là điều đáng mừng, là dấu hiệu khởi sắc trong sự phát triển của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, ở một số địa bàn cuộc sống của kiều bào còn nhiều khó khăn: Địa vị pháp lý thấp, đời sống vật chất còn nghèo, thiếu thốn về văn hóa và môi trường dạy tiếng Việt, hạn chế về thông tin từ trong nước…
Nhưng, điều tôi cảm nhận rõ là kiều bào dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào đều luôn tâm niệm “cây có cội, nước có nguồn”, luôn hướng về quê hương, quan tâm đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở trong nước, mong muốn đất nước ổn định và phát triển. Qua các cuộc tiếp xúc, bà con cảm ơn Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thuận lợi cho kiều bào về nước thăm thân, du lịch, đầu tư kinh doanh…
Nhưng, bà con vẫn mong được quan tâm hơn về nhu cầu thông tin và văn hóa; làm sao bảo tồn được văn hóa, truyền thống dân tộc, giữ gìn tiếng Việt; làm sao cho con cháu mình không quên cội nguồn. Bà con cũng bày tỏ nguyện vọng được đóng góp cho đất nước; tham gia vào sự nghiệp phát triển đất nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Sau mỗi cuộc tiếp xúc, chúng tôi càng cảm thông và chia sẻ với bà con. Bộ Ngoại giao, Uỷ ban NVNONN và các cơ quan đại diện đã dành ưu tiên và nguồn lực cho việc hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của bà con.
Chúng tôi ghi nhận các ý kiến, nguyện vọng của bà con để kiến nghị Đảng và Chính phủ có những chính sách đáp ứng trong điều kiện cho phép và khuôn khổ pháp luật của Việt Nam như mở rộng phủ sóng các kênh truyền hình của Việt Nam ra các địa bàn có đông người Việt định cư; hình thành nhà cộng đồng hay nhà Việt Nam là nơi tổ chức các hoạt động của cộng đồng, nghiên cứu và giao lưu văn hoá Việt, dạy và học tiếng Việt; cấp học bổng cho con em kiều bào về nước học và nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hoá, nghệ thuật dân tộc để sau đó quay về truyền bá ở sở tại… để bà con, dù ở nơi đâu đều thực sự cảm nhận được vòng tay ấm áp của quê hương và cảm nhận mình là một phần máu thịt không thể tách rời của cả dân tộc.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Là một người “trong cuộc”, xin Thứ trưởng cho biết ấn tượng của mình về công tác đối với NVNONN trong năm 2016? Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Năm 2016 có ý nghĩa bản lề đối với công tác NVNONN: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động tiếp tục đẩy mạnh Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020. Trong năm đầu tiên thực hiện Chương trình hành động, công tác của Ủy ban NVNONN đã được triển khai sôi nổi và toàn diện, đạt được nhiều kết quả thực chất. Năm 2016 cũng là năm phong trào dạy và học tiếng Việt có nhiều khởi sắc, triển khai rộng khắp từ Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia ở Châu Á; Đức, Séc, Ucraina ở Châu Âu, từ New Caledonie ở Nam bán cầu đến Canada, Hoa Kỳ ở phía Bắc xa xôi, rồi ở các nước vẫn còn khó khăn, bà con vất vả mưu sinh nhưng việc dạy và học tiếng Việt không ngừng phát triển như ở Campuchia, Lào. Công tác thông tin tuyên truyền và giữ gìn bản sắc văn hóa tiếp tục gặt hái được nhiều thành công: Xuân Quê Hương, kiều bào thăm Trường Sa, trại hè thanh thiếu niên đều được hưởng ứng nhiệt tình của kiều bào. Đặc biệt, năm 2016 đoàn đi thăm Trường Sa có nhiều kiều bào tham gia nhất từ trước đến nay với nhiều thành phần khác nhau. Tháng 11/2016 chúng tôi phối hợp với UBND TP HCM tổ chức thành công Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế”. 500 kiều bào từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ, hầu hết là trí thức và doanh nhân nổi tiếng và thành đạt, trong đó hơn 100 ý kiến thu được tại Hội nghị là “ngân hàng ý tưởng quý giá” với quá trình xây dựng thành phố mang tên Bác phát triển năng động và hội nhập quốc tế. |