Phi hành gia cuối cùng đi bộ trên Mặt trăng đã qua đời
Chương trình chinh phục không gian của Mỹ vừa mất đi một tượng đài khổng lồ, khi phi hành gia Gene Cernan, chỉ huy nhiệm vụ Apollo 17 và là người cuối cùng đi bộ trên Mặt trăng, vừa qua đời.
Cernan giơ tay chào trước lá quốc kỳ Mỹ được cắm trên Mặt trăng. (Nguồn: NASA).
Theo trang tin Mashable, ông Cernan từ trần trong ngày 16/1, hưởng thọ 82 tuổi. Sinh thời ông đã có một sự nghiệp lẫy lừng trong hoạt động chinh phục không gian. Ông được huấn luyện trở thành phi hành gia vào năm 1963 và sau đó đã tham gia vào chuyến đi bộ trong không gian dài 2 giờ đồng hồ trong nhiệm vụ Gemini 9, diễn ra hồi tháng 6/1966. Ông là người Mỹ thứ hai thực hiện việc đi bộ trong không gian.
Cernan còn là thành viên nhiệm vụ Apollo 10 rất quan trọng, đã tạo các cơ sở để nhiệm vụ Apollo 11 đưa người đổ bộ lên Mặt trăng diễn ra thành công. Trong khuôn khổ nhiệm vụ Apollo 10, diễn ra vào mùa Xuân năm 1969, Cernan cùng phi hành gia Tom Stafford đã lái module Mặt trăng, thử nghiệm hệ thống điều khiển và động cơ đẩy của nó tới khu vực cách bề mặt Mặt trăng chỉ hơn 10km, nhằm thực hành hoạt động đổ bộ cho nhiệm vụ kế tiếp.
NASA xác nhận Cernan đã qua đời ở tuổi 82. (Nguồn: NASA).
Trong nhiệm vụ Apollo 11, các phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin đã điều khiển module này đáp xuống bề mặt Mặt trăng.
Dù không phải là người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng, Cernan là người cuối cùng bước đi trên bề mặt chị Hằng, tính tới thời điểm này. Ông cũng nằm trong nhóm 3 phi hành gia duy nhất (bên cạnh Jim Lovell và John Young) đã tham gia 2 chuyến đi tới Mặt trăng.
Trong nhiệm vụ Apollo 17, Cernan và Harrison Schmitt đã có tổng cộng 3 ngày ở trên Mặt trăng, khám phá các miệng hố gần đó cũng như dãy núi Taurus-Littrow. Họ cũng dành nhiều thời gian để chạy lòng vòng quanh Mặt trăng trên một chiếc xe đặc biệt.
Nhiệm vụ Apollo 17 có vài khoảnh khắc đáng nhớ, gồm một lần Cernan cùng Schmitt nhảy tưng tưng trên Mặt trăng và hát ca khúc "Strolling Through the Park." Những lời cuối của Cernan trên Mặt trăng cũng rất đặc biệt: "Tôi tin tưởng lịch sử rồi sẽ ghi lại rằng thách thức mà nước Mỹ vượt qua trong ngày hôm nay đã định hình số phận nhân loại trong tương lai. Khi chia tay Mặt trăng cùng dãy núi Taurus-Littrow, chúng ta rời đi giống như lúc đã đến. Theo ý chí Thượng đế, chúng ta sẽ trở lại, với hòa bình và hy vọng cho toàn nhân loại. Thượng lộ bình an, phi hành đoàn Apollo 17."
Tổng cộng Cernan đã có 566 giờ và 15 phút ở trong không gian, với hơn 73 giờ trên Mặt trăng./.
Điểm module đổ bộ hạ xuống trên Mặt trăng trong nhiệm vụ Apollo 17. (Nguồn: NASA).