Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng: Phát triển mạng lưới nước sạch cho các xã nông thôn
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, hợp lòng dân, có ý nghĩa rất lớn và quan trọng về mặt kinh tế xã hội. Nước sạch và vệ sinh môi trường (tiêu chí 17.1) là một chỉ tiêu quan trọng trong bộ tiêu chí đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trong thời gian qua, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã tranh thủ nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án, các tổ chức quốc tế, Ngân hàng Thế giới, vốn tín dụng ưu đãi... để đầu tư xây dựng nhiều trạm cấp nước tập trung và mở rộng tuyến ống cấp nước cho các trạm, hệ cấp nước đang hoạt động với chiều dài hàng trăm km.
Trong năm 2016 Trung tâm đã hoàn thành kế hoạch tổ chức lắp đặt được trên 10.000 đồng hồ sử dụng nước cho người dân với sản lượng nước sạch cung cấp đạt 10,5 triệu m3. Lũy kế tổng số đồng hồ Trung tâm đang quản lý đến nay trên 84.000 cái, tính đến nay, Trung tâm đang quản lý vận hành 140 công trình gồm 78 trạm cấp nước có công suất từ 20-60m3/h và 62 hệ cấp nước có công suất 7m3/h.
Tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ dân nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 97% tăng 1% so với năm 2015, trong đó tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt QCVN 02-BYT đạt 48% tăng 3% so với năm 2015.
Trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 17.1 được lãnh đạo đơn vị quan tâm thực hiện. Qua 6 năm triển khai Chương trình, đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 38/80 xã đạt tiêu chí 17.1 về nước sạch theo bộ tiêu chí nông thôn mới, đạt tỷ lệ 47,5%, trong đó có 09/25 xã điểm (Giai đoạn 2016-2020) đạt tiêu chí 17.1 nông thôn mới, đạt tỷ lệ 36%. Năm 2016, Đơn vị được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được lãnh đạo Tỉnh Ủy, UBND tỉnh giao. Trong thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, Đơn vị rút kết được một số bài học kinh nghiệm như sau:
Một là cần có sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp nhất là UBND các huyện, sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị xã hội và đồng thuận hưởng ứng của người dân trong suốt quá trình tổ chức thực hiện. Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, các ngành, huyện cần quan tâm đến việc ban hành các văn bản cụ thể hóa phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Hai là việc xây dựng kế hoạch, nhất là kế hoạch hàng năm phải xuất phát từ nhu cầu của người dân nông thôn, kế hoạch phải đi từ dưới lên. Phải làm tốt công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trước, trong và sau khi lập kế hoạch và thực hiện đầu tư xây dựng các công trình cấp nước ở địa phương để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và thụ hưởng.
Ba là cần phải hoạch định kế hoạch thực hiện dài hạn, trung hạn với tầm nhìn chiến lược 15 đến 20 năm với những dự báo, kịch bản phát triển và cứ mỗi 5 năm 1 lần cần rà soát, cập nhật lại trước tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Đồng thời phải đảm bảo sử dụng có hiệu quả Quy hoạch được duyệt.
Bốn là công tác Thông tin – giáo dục – truyền thông có ý nghĩa rất quan trọng, trong đó vai trò của lực lượng cộng tác viên, truyền thông viên cơ sở có ý nghĩa quyết định đến nhận thức và hành vi của cộng đồng. Cần có cơ chế chính sách phù hợp để có thể động viên và thu hút sự tham gia tích cực của các cộng tác viên ở cơ sở.
Năm là công tác kiểm tra theo dõi, giám sát – đánh giá, báo cáo phải được coi trọng và là nhiệm vụ thường xuyên và cần được bố trí kinh phí hàng năm để thực hiện.
Sáu là chủ trương phân cấp thực hiện Chương trình cho cấp huyện và cấp thấp hơn là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên cần phải tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ cấp cơ sở, ở những nơi đủ năng lực cần phải cân nhắc khi phân cấp và có các giải pháp hữu hiệu để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn cũng như hoạt động bền vững của công trình. Khi phân cấp kết hợp với kiểm tra giám sát, uốn nắn kịp thời những hạn chế khi phân cấp.