Phúc thẩm 'đại án' Phạm Công Danh: Khách hàng phản bác lập luận của VKS
Trong phiên xét xử vụ án Ngân hàng Xây dựng (VNCB) chiều ngày 17/1, nhóm khách hàng gửi tiền tại ngân hàng này đã đề nghị HĐXX yêu cầu đại điện Viện kiểm sát (VKS) đưa ra tiêu chí rõ ràng khi tranh luận.
Phạm Công Danh và các đồng phạm tại phiên tòa.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - đại diện của nhóm 17 khách hàng (gồm 14 cá nhân có 35 khoản vay tháng 8/2013 và 3 cá nhân chủ sở hữu 6 sổ tiết kiệm).
Bà Thảo cho rằng: 35 khoản vay ngày 21 và 26/8/2013 của 14 cá nhân độc lập là Trần Ngọc Bích, Đỗ Ngọc Hà, Trần Uyên Phương, Lê Thị Kim Ngân, Trần Quí Thanh, Nguyễn Hữu Thanh, Nguyễn Thành Trung, Đoàn Việt Dũng, Trần Đình Thắng, Lê Thanh Trúc, Võ Chí Hiếu, Tống Nhân Tôn, Phan Duy Hoà, Phan Vũ Tuấn là các khoản vay thật, ký thật, người thật và cầm cố bằng chính các sổ tiết kiệm thật thuộc quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân họ hoặc vợ chồng họ.
Những nội dung này được từng người khẳng định trong bản tường trình gửi CQĐT, có trong hồ sơ vụ án. Mặc khác, chính bên cho vay vốn là Ngân hàng Xây Dựng trong Công văn số 2987/2014/CV-VNCB ngày 24/10/2014 xác định: “Hồ sơ vay vốn của khách hàng ngày 21/08/2014 và ngày 26/08/2014 với tổng số tiền 5.190 tỷ đồng hoàn toàn đúng theo quy định, 03 lần gia hạn nợ đều có ký kết phụ lục hợp đồng”.
Bà Thảo lập luận: Mặc dù tất cả đều là thật (khoản vay thật, người thật, chữ ký thật, tài sản đảm bảo là thật, tiền thật) nhưng VKS cho rằng đây là hợp đồng vay giả tạo. Trên cơ sở nhận định là giả tạo, VKS nhận định Trần Quí Thanh, Trần Ngọc Bích có sai phạm trong việc vay tiền ngân hàng, vì vậy có dấu hiệu đồng phạm.
Ngân hàng Xây dựng tự ý cho vay 300 tỷ đồng, tự ý nhận cầm cố trái pháp luật bằng 06 sổ tiết kiệm của Trang, Phục, Dung, tiền giải ngân chuyển cho Phạm Công Danh chi tiêu. Tất cả đều không có chứng từ, không hồ sơ vay vốn, không có chữ ký hợp pháp của chủ sổ tiết kiệm, chỉ có một tài liệu được xem là một bản fax có chữ ký của Nguyễn Thị Mỹ Dung nhưng không rõ là bản chính, hay bản photo, không rõ nguồn gốc từ đâu.
Các luật sư khẳng định tài liệu được coi là bản fax này bị làm giả, ngụy tạo, không có giá trị, không xác thực và đã kiến nghị HĐXX cho giám định tính xác thực, hợp pháp của tài liệu này nhưng chưa được thực hiện.
Dù không có hồ sơ vay, không có chữ ký của chủ sổ tiết kiệm, tài liệu giả mạo nhưng VKS nhận định đây là khoản vay thật và kiến nghị thu hồi 06 sổ tiết kiệm 303,5 tỷ đồng của Trang, Phục, Dung để xử lý cho khoản vay này.
“Vậy, theo quan điểm của VKS, thế nào là thật? Thế nào là giả? Một cái thật thì bị cho là giả để thu hồi 118 sổ tiết kiệm, một cái giả thì được cho là thật để thu hồi 6 sổ tiết kiệm thuộc quyền sở hữu của mỗi người chúng tôi”, bà Thảo đặt câu hỏi.
Cuối phần phát biểu, đại điện của 17 người gửi tiền đề nghị Hội đồng xét xử yêu cầu VKS trả lời rõ ràng: Cơ sở, tiêu chí để tranh luận “thật – giả” là gì?