Bạc Liêu hướng đến nông nghiệp sạch, chất lượng cao
Là một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nề do hạn hán và mặn xâm nhập sâu nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bạc Liêu đã có những giải pháp kịp thời, quyết liệt, khắc phục nhanh tình trạng thiếu nước trong sản xuất, ngăn chặn mặn xâm nhập, khai thác lợi thế của cả 3 vùng: ngọt, lợ, mặn. Đây là nền tảng quan trọng giúp Bạc Liêu tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 như: thay đổi cơ cấu sản xuất, gắn sản xuất với tiêu thụ, đẩy mạnh an sinh xã hội; hoàn thiện cơ sở hạ tầng,
Vượt khó, vươn lên
Năm 2016, Bạc Liêu đối mặt với đợt hạn, mặn lịch sử gay gắt nhất trong gần 100 năm trở lại đây gây thiệt hại nặng cho sản xuất và đời sống người dân. Hơn 1.368 ha lúa và hơn 19.231 ha diện tích tôm nuôi bị thiệt hại từ 30 đến 70% cùng hơn 2.500 ha diện tích nuôi nghêu, hàu cũng bị ảnh hưởng do dộ mặn tăng cao. Tuy nhiên, Đảng bộ, quân và dân Bạc Liêu nhanh chóng khắc phục khó khăn, đề ra những quyết sách hợp lý, thực hiện nhiều giải pháp khắc phục hạn, mặn xâm nhập, kết hợp với hỗ trợ bà con nông dân và nhân dân khôi phục lại diện tích lúa, tôm bị thiệt hại nhờ vậy đến cuối năm, sản xuất toàn ngành nông nghiệp đạt 29.471,7 tỉ đồng, tăng trưởng 3,4% so với cùng kỳ, được đánh giá là kỳ tích của Bạc Liêu. Sản lượng lúa được giữ vững đạt 135.400 tấn. Sản lượng thủy sản nuôi trồng ở cả 3 vùng ngọt, lợ, mặn đạt 194.500 tấn đạt 100% kế hoạch, tăng 2,5 lần so với năm 2015 nhờ đó đưa tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 22.888,8 tỉ đồng (theo giá 2010), tăng 5,38% so với năm 2015. Tổng sản phẩm bình quân đầu người ước đạt 33,2 triệu đồng/người/năm.
Ưu tiên hàng đầu cho nông nghiệp công nghệ cao
Qua đợt hạn mặn lịch sử, Bạc Liêu đề ra các mục tiêu, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp để thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” và định hướng “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước” theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Để thực hiện định hướng này, Bạc Liêu xác định hướng đi trong 5 năm tới là tiếp tục đầu tư mạnh cho nông nghiệp, lấy nông nghiệp làm động lực để phát triển kinh tế trong đó xây dựng cho ngành công nghiệp tôm những bước đi vững chắc để đưa Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” tôm công nghiệp của cả nước. Ông Lương Ngọc Lân - Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho biết, bên cạnh việc quy hoạch trên 200 ha khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển tôm Bạc Liêu, tỉnh còn quy hoạch lại thành 5 tiểu vùng sản xuất tôm khác nhau bằng các mô hình sản xuất tôm như: chuyên tôm, tôm – rừng, lúa tôm, chuyên lúa..., từng bước đa dạng các mô hình nuôi tôm hướng đến nền công nghiệp tôm bền vững. Bạc Liêu xây dựng nền nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hướng nền nông nghiệp hàng hóa; gắn sản phẩm của nông dân với nhà máy nhằm nâng cao chuỗi giá trị trong nông nghiệp. Muốn đạt điều này, Bạc Liêu xem xét lại các sản phẩm mang tính chủ lực như: lúa, tôm, muối, rau, củ, quả....
Để chuẩn bị cho Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm, Bạc Liêu đã xây dựng hàng loạt các công trình “vệ tinh” nhằm phục vụ cho dự án này. Ngoài ra tỉnh cũng quy hoạch lại hệ thống sản xuất tôm giống chất lượng cao phục vụ nhu cầu nuôi cho tỉnh và đáp ứng tôm giống cho cả vùng ĐBSCL. Bạc Liêu mạnh dạn mời các chuyên gia của Úc tìm hiểu, thẩm định chất lượng tôm giống để đối tác đầu tư với quy mô lớn cho con tôm.
Bạc Liêu cũng chính thức thành lập cánh đồng mẫu lớn cho tôm tại xã An Phúc, huyện Đông Hải. Ông Bùi Minh Túy - Chủ tịch UBND huyện Đông Hải lý giải: “Cánh đồng mẫu lớn trong nuôi tôm có diện tích trên 200 ha. Sản phẩm của người nuôi được Cty TNHH Chế biến Thủy sản Âu Vững bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường. Người nuôi phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật đảm bảo sạch bệnh mà công ty đưa ra”.
Bên cạnh đó, Bạc Liêu kêu gọi đầu tư hàng loạt dự án trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ,.... Ngoài tiềm lực vốn có, để đẩy mạnh thu hút đầu tư, Bạc Liêu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, rút ngắn thời gian cấp giấy phép đầu tư; tạo cơ hội cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Bạc Liêu. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng ứng dụng đầu tư cho khoa học và công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm, xây dựng vùng nuôi thủy sản tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nuôi tôm siêu thâm canh theo các qui chuẩn Vietgap, Global gap, ASC, Organic nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính.
Chú trọng giảm nghèo, chăm lo an sinh xã hội
Bên cạnh việc chăm lo phát triển kinh tế, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác an sinh xã hội và thực hiện các chính sách nhằm giảm nghèo bền vững. Ông Quảng Trọng Ninh - Chủ tịch UBMTTQ tỉnh cho biết: Các hộ nghèo, hộ cận nghèo được quan tâm cấp phát, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ điện sinh hoạt,…
Năm 2016, tỉnh phân công các cơ quan, đơn vị và vận động các doanh nghiệp nhận hỗ trợ 4.060 hộ nghèo, góp phần làm giảm tỉ lệ hộ nghèo trong năm 2016 gần 2%. Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã thu hút được nguồn lực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư trong đó có sự đóng góp lớn của các doanh nghiệp.
Năm 2016, Bạc Liêu đã vận động 73 tỉ đồng vào quỹ “Vì người nghèo và an sinh xã hội” qua đó đã xây dựng 752 căn nhà đồng đội, nhà tình thương; nhà tình nghĩa và đầu tư kết cấu hạ tầng về giao thông như xây dựng các tuyến lộ về nông thôn, bắc 13 cầu tên các trục lộ. Như vậy, tính từ khi tái lập tỉnh (01-01-1997) đến nay, Bạc Liêu đã đóng góp vào qũy “Vì người nghèo” trên 190 tỉ đồng, hỗ trợ hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 37.936 nhà đại đoàn kết góp phần giảm hộ nghèo từ 19,09% xuống còn 4,88%. Ngoài ra còn đóng góp hơn 99 tỉ đồng vào qũy “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng hơn 6.899 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách.
Tại kỳ họp HĐND cuối năm 2016, các đại biểu HĐND chính thức thông qua đề án giảm nghèo, giải quyết việc làm giai đoạn 2016 -2025. Theo đó, mỗi năm Bạc Liêu sẽ tạo việc làm ổn định cho trên 30.000 lao động; phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%. Để thực hiện đề án này, Bạc Liêu huy động các nguồn lực xã hội, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội cùng tham gia đề án giảm nghèo gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Năm 2017 được xem là năm “bản lề” thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh. Bạc Liêu đưa ra mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh gắn với tái cấu trúc kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo sự chuyển biến mới trong nông nghiệp, đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất, cánh đồng lớn, triển khai nhanh các bước xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước. Tiếp tục củng cố phát triển mạnh du lịch và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; huy động mọi nguồn lực để đầu tư, phát triển, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và bào đảm quốc phòng – an ninh.
Đến năm 2020, Bạc Liêu vẫn xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu trong đó hướng đến nền nông nghiệp sạch, chất lượng cao là bước đi phù hợp với xu thế hội nhập và cạnh tranh quốc tế.