Gần 118 tỷ đồng phục vụ cho trùng tu di tích Huế
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, năm 2017, Trung tâm BTDTCĐ Huế sẽ khởi công 9 dự án mới, tổ chức sắp xếp, sưu tầm, bổ sung tư liệu triều Nguyễn cho lầu Tàng Thơ, xây dựng cơ sở dữ liệu về Ẩm thực cung đình Huế.
Lăng Trường Cơ-lăng Chúa Tiên Nguyễn Hoàng được trùng tu bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Phát biểu trong cuộc gặp gỡ báo chí sáng 18/1, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế (BTDTCĐ) cho biết, năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên Trung tâm này đã huy động nguồn vốn kỷ lục gần 178 tỷ đồng (trong đó có 8,65 tỷ đồng hỗ trợ trung tu Triệu Miếu và hơn 3,1 tỷ đồng xã hội hóa trùng tu lăng Trương Cơ-Chúa Tiên Nguyễn Hoàng) để phục vụ cho công tác trùng tu di tích.
18 công trình vừa được bảo tồn, tu bổ và phục hồi, có các di tích tiêu biểu như: Dực Lang,Thái Bình Lâu-vườnThiệu Phương; tổng thể Lăng Thiệu Trị; lăng Đồng Khánh; lăng Tự Đức; di tích Phu Văn Lâu; Tả Tùng Tự-Thế Miếu...
Năm 2016, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã đón hơn 2,5 triệu lượt khách đến thăm khu Di sản Huế. Điểm tham quan Hoàng Cung Huế thuộc Đại Nội Huế được xếp vị trí thứ 3 trong top 5 điểm tham quan du lịch hàng đầu Việt Nam…
Năm 2017, Trung tâm BTDTCĐ Huế sẽ khởi công 9 dự án mới, tổ chức sắp xếp, sưu tầm, bổ sung tư liệu triều Nguyễn cho lầu Tàng Thơ, xây dựng cơ sở dữ liệu về Ẩm thực cung đình Huế.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện đề án nâng cao chất lượng phục vụ du khách thăm quan Di tích Huế và mở cửa Đại Nội về đêm. Tiếp tục thực hiện chương trình lập hồ sơ tái đề cử Quần thể Di tích Cố đô Huế là Cảnh quan văn hóa thế giới. Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu kỹ thuật số quản lý hiện vật đá ngoài trời tại các điểm di tích…