Khi người dân vùng cao biết xây dựng cuộc sông no ấm
Trong khi nhiều làng ở miền núi khi đụng đến các dự án thủy điện, có số tiền đền bù lớn, người dân chi tiêu vô tội vạ để rồi nhanh chóng trắng tay thì có một ngôi làng nằm ở thượng nguồn thủy điện Sông Bung 4 và hạ lưu của thủy điện Sông Bung 2 đã không đi vào vết xe đổ trên. Người dân nơi đây đã tính toán ngay từ đầu khi về khu tái định cư (TĐC) mới để xây dựng cho mình một cuộc sống vững chãi, no ấm.
Một góc làng Pà Rum bình yên của xã Zuôih.
Ngôi làng mang tên Pà Rum thuộc xã Zuôih thuộc huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Đây là ngôi làng nằm ẩn mình bên những cánh rừng xanh bát ngát. Thật đáng mừng và đáng trân trọng, khi người dân nơi đây, sau khi nhận được tiền đền bù của dự án thủy điện, khi về nơi TĐC mới, họ đã biết giữ tiền, biết chi tiêu đúng cách, và xây dựng cuộc sống của họ ngày một giàu có hơn xưa! Bắt đầu khi thực hiện xây dựng dự án thủy điện Sông Bung 4, hơn 100 hộ dân nơi đây đã hiến đất để chuyển về nơi ở mới.
Sau 3 năm về khu TĐC mới, với nỗ lực của chính người dân cùng sự vào cuộc của chính quyền, Mặt trận vận động và có những cách làm thiết thực trong định hướng xây dựng cuộc sống, nên đời sống của người dân nơi đây đã khác xưa nhiều. Thậm chí vươn lên giàu có.
Tại nơi đây, nhiều ngôi nhà khang trang, những đường làng ngỏ xóm sạch đẹp, tiếng người cười nói vui vẻ, hân hoan đón khách để kể về cuộc sống và sự tự hào khi bà con trong làng đã xây dựng cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.
Ông Trọng đang nói về gia đình của mình.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới làm lại rất sạch đẹp, ông A Viết Trọng (63 tuổi) vừa rót nước tiếp khách vừa tự hào về ngôi nhà với lối kiến trúc nhà sàn của người vùng cao, toàn bộ ngôi nhà được làm bằng gỗ, nhưng nền nhà lót bằng gạch men. Thấy chúng tôi khen ngôi nhà rất đẹp và rất sạch, ông Trọng tự hào cho biết: “Khi mới về khu TĐC mình được nhà nước cho vào rừng lấy gỗ về làm nhà, nhưng tiền công và các vật liệu khác để làm ngôi nhà này hết hơn 300 triệu đồng. Từ tiền đền bù thủy điện, dựng nhà xong, còn lại tôi mua cho con trai một chiếc xe máy, sắm sửa vật dụng trong gia đình, số còn lại mình gửi ngân hàng, mình luôn tự nhủ và nhắc gia đình sống tiết kiệm lo làm ăn. Giờ mình rất hài lòng với những gì mình đã xây dựng nơi đây”.
Ông A Viết Vân ngồi kế bên cho biết: “Do phải di dời vì công trình thủy điện, cả làng được đền bù tiền rẫy, tiền nhà. Nhà ít thì được chừng vài trăm triệu, nhà nhiều lên đến cả tỷ đồng. Từ nhận thực của các hộ trong làng cũng với sự vận động tuyên truyền kịp thời của chính quyền, Mặt trận địa phương bà con đã hiểu đây là số tiền rất đáng quý, bao nhiêu đời nay người dân mới được có số tiền lớn như vậy, thế nên phải biết trân quý giữ gìn, không tiêu pha phung phí, biết xây dựng làm ăn trên mảnh đất mới này.
Bên trong ngôi nhà bằng gỗ sang trọ ng của ông A Viết Trọng.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, khi mới chuyển về, cả làng Pà Rum chỉ là những căn lều tạm, cùng với những mành đất được cấp sẵn.
Khi làm xong hết nhà cửa, cả làng cùng làm lễ ăn mừng chung. Họ đã được chính quyền đại phương cùng Mặt trận và các đoàn thể vận động tiết kiệm và hướng dẫn cách thức làm ăn, được hỗ trợ giống, con vật nuôi, nên bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống nơi đất mới. Điều đáng mừng bà con rất đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Nơi đây lại không có tệ nạn xã hội.
Cách nhà ông Trong mấy nhà là nhà anh Bhling Nhước (30 tuổi) cũng thuộc loại khá giả trong thôn bởi ngôi nhà gỗ to kiên cố. Nhà có 3 thế hệ ở, nhưng nhìn ngôi nhà sạch bóng từ trong ra ngoài cho thấy ý thức của người dân nơi đây đã có nhiều thay đổi.
Anh Nhước chân tình: “Mình nhận tiền không được nhiều lắm, mình biết dành dụm, nhắc nhở gia đình lo làm ăn. Không rượu chè say sưa tối ngày, không được hút hít. Vì mình biết tiền có nhiều đi nữa mà không biết để dành thì tiêu cũng hết. Được cái gia đình mình và bà con trong làng đoàn kết, quyết tâm xây dựng cuộc sống no ấm”.
Thực tế cuộc sống nơi đây đã chứng minh, dù có tiền trăm, thậm chí tiền tỷ trong tay, nhưng người dân nơi đây hằng ngày vẫn đi nương, đi rẫy như cuộc sống vốn có bao đời qua.
Ngoài gia đình ông Trọng, anh Nhước, hàng chục hộ dân nơi đây đang còn tiền gửi tiết kiệm ngân hàng nhưng vẫn lên nương, lên rẫy tăng gia sản xuất và tiết kiệm từng đồng chi tiêu.
Tâm sự với chúng tôi, ông Pơloong Nhiêu - Trưởng thôn Pà Rum cho biết: “Chúng tôi lấy làm mừng vì sự vận động và nhận thức của người dân đã đem lại hiệu quả, nhiều nhà trong làng tiết kiệm đang cất tiền hoặc gửi ngân hàng cẩn thận, không chi tiêu vô tội vạ. Hàng ngày người dân vẫn đi rẫy, vẫn đều đặn đốt trỉa lúa, bắp mỗi mùa. Hết việc thì rủ nhau bứt đót, bứt mây,… Con cái được tới trường, người già được chăm sóc. Giờ nhà ở đã kiên cố, họ không còn du cư nữa. Hiện tại chỉ thiếu đất sản xuất. Vì đất cấp cho dân chỉ hơn một hecta mỗi hộ, nhiều nhà tách hộ, thêm người. Thế nhưng đáng mừng không một ai xâm lấn rừng phòng hộ để lấy đất sản xuất”.
Tạm biệt những ngôi nhà gỗ đồ sộ nhưng lúc nào lúa gạo cũng đầy chum. Nơi đây không còn cảnh nhà dột nát, bữa đói, bữa no như xưa.
Tạm biệt một ngôi làng đẹp, những người dân mến khách, cần mẫn biết cách tiết kiệm, làm ăn. Càng đáng mừng khi người dân vùng cao đã thay đổi được nhận thực trong cuộc sống, không còn cảnh di cư nay đây mai đó, không rơi vào các tệ nạn xã hội, họ đoàn kết để xây dựng cuộc sống ngày một khá giả vương lên giàu có.