Xây dựng nền báo chí hướng thiện, nhân văn

Lục Bình 18/01/2017 23:58

Chiều 18/1 Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự.

Thông tin sai sự thật làm sụt lở niềm tin

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, bên cạnh những thành tích đã đạt được, trong hoạt động thông tin báo chí vẫn còn tồn tại, thiếu sót, khuyết điểm. Vẫn còn cơ quan báo chí không tập trung phản ánh hoạt động của ngành, lĩnh vực mình, sa đà phản ánh những vấn đề thuộc lĩnh vực khác không đúng tôn chỉ, mục đích.

Tình trạng thông tin phiến diện, không cân bằng chưa được khắc phục triệt để. Tình trạng đăng tải quá nhiều tin tiêu cực, giật gân, câu khách trái thuần phong mỹ tục, miêu tả tỉ mỉ, chi tiết các hành vi tội ác, mê tín dị đoan, chuyện thần bí không có cơ sở khoa học... trên ấn phẩm phụ, số chuyên đề của một số báo in và các trang điện tử tổng hợp vẫn tiếp diễn, gây cảm giác nặng nề, u ám trong đời sống xã hội, gây phản cảm với người đọc.

Đáng chú ý, “nhiều trường hợp phóng viên chỉ soi mói, tìm những sơ hở, hạn chế của tổ chức, doanh nghiệp để gây áp lực với động cơ không lành mạnh, thậm chí dọa dẫm, sách nhiểu để vụ lợi, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật. Hiện tượng này nếu không ngăn chặn kịp thời có thể gây mất lòng tin của nhân dân đối với báo chí, ảnh hưởng xấu đến uy tín của người làm báo chân chính”- ông Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, hiện tượng nhà báo thiếu trách nhiệm, không kiểm chứng dẫn đến thông tin sai sự thật, thiếu khách quan, thổi phồng hoặc bóp méo sự thật hoặc thương mại hoá báo chí bằng việc đưa tin bài, hình ảnh giật gân, câu khách, kích động, kích dục, thiếu văn hoá, thiếu tính thẩm mỹ, thiếu nhân văn và phản giáo dục; tình trạng nhà báo lạm quyền, cửa quyền, lợi dụng vị trí và công việc để vụ lợi...vẫn diễn ra.

“Trầm trọng nhất chính là vi phạm tính chân thực của báo chí”- ông Hồ Quang Lợi nói. “Giá trị cốt lõi của đạo đức nghề nghiệp báo chí là tính trung thực, nhưng chân thực không có nghĩa là miêu tả tỉ mỉ, đưa hết mọi chuyện lên mặt báo mà là phải chỉ ra đúng bản chất sự việc bằng sự khách quan, công tâm… Thế nhưng, có hiện tượng đánh tráo khái niệm, làm sai bản chất, có hiện tượng xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, bôi nhọ danh dự và nhân phẩm của cá nhân, tổ chức… Những hiện tượng báo chí tiêu cực đó đang góp phần làm lung lay giá trị tinh thần, giá trị đạo đức, sụt lở niềm tin xã hội. Bản thân báo chí đã và đang chịu những thách thức lớn trước sự lấn lướt của mạng xã hội, thì lại còn bị mất niềm tin bởi những trang báo thiếu trung thực khiến độc giả tự đi tìm kiếm thông tin trong biển thông tin xô bồ, hỗn tạp. Đó là điều rất nguy hại”- ông Hồ Quang Lợi cảnh báo.

Báo chí phải giúp xoa dịu nỗi đau, hàn gắn vết thương

“Cho dù dưới định chế của pháp luật hay quy định về đạo đức thì báo chí vừa phải nâng cao tính chiến đấu vừa phải nêu cao tính nhân văn, hướng về con người và tôn trọng con người. Nhìn rộng ra, thế giới hiện đại đang rối bời và mệt mỏi, nhân loại không cần những người thành công bằng mọi giá, bằng cách sẵn sàng làm tổn hại lơi ích chung, làm tổn thương người khác. Xã hội đang cần những con người có thể xoa dịu những nỗi đau, an ủi và hàn gắn những vết thương”- vẫn theo ông Hồ Quang Lợi.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trong năm qua, báo chí phản biện, góp phần xây dựng chính sách đã có bước phát triển mới, nhất là ở lĩnh vực y tế, giáo dục. Qua đó giúp Chính phủ ban hành, điều chỉnh những chính sách phù hợp với tình hình đất nước, được người dân ủng hộ.

Phó Thủ tướng cũng chia sẻ những thách thức đối với hoạt động báo chí hiện nay. Đó là hầu hết các cơ quan báo chí không còn được bao cấp, phải chạy theo thương mại, kinh tế. Công nghệ thông tin, Internet phát triển mạnh mẽ đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa báo chí truyền thống, báo điện tử và mạng xã hội. Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; đồng thời phải thích ứng việc xử lý các sự cố về thông tin một cách nhạy bén, kịp thời và đúng đắn nhất.

Kết luận Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho biết, việc xử lý mạnh tay một số cơ quan báo chí, nhà báo sai phạm trong năm 2016 là việc không ai muốn, nhưng phải làm, là “sự đau lòng cần thiết” để làm trong sạch hoạt động báo chí hiện nay. Theo ông Võ Văn Thưởng, năm 2017 báo chí sẽ có nhiều thách thức, đó là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự số hóa mạnh mẽ tác động toàn diện đến cách thức, phương tiện, thói quen tiếp cận và tìm kiếm thông tin của tất cả mọi người. Vì vậy, đội ngũ phóng viên cần phải cập nhật kiến thức, công nghệ, kỹ năng làm báo hiện đại; cơ quan báo chí phải thay đổi mô hình quản lý tòa soạn, tiếp cận phù hợp và hiệu quả với bài toán kinh tế báo chí. Đặc biệt là sự tác động của doanh nghiệp, nhóm lợi ích đến hoạt động báo chí. Vụ nước mắm nhiễm thạch tín vừa qua là một ví dụ điển hình”- ông Võ Văn Thưởng nói.

Lục Bình