Để du lịch cất cánh
Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch. Nghị quyết thể hiện quyết tâm phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, thông qua nhìn nhận khả năng đóng góp của du lịch vào kinh tế - xã hội, chỉ ra những tiềm năng, thế mạnh và hạn chế yếu kém cần khắc phục, và rất quan trọng là các giải pháp, tạo sự thống nhất trong tư duy và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển du lịch.
Du khách nước ngoài với bà con dân tộc thiểu số Tây Bắc.
Nghị quyết đánh giá: 15 năm qua, ngành Du lịch đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đạt 10,2%/năm, khách du lịch nội địa đạt 11,8%/năm.
Năm 2016, số lượng khách du lịch quốc tế đạt 10 triệu lượt người, tăng hơn 4,3 lần so với năm 2001; khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt người, tăng 5,3 lần so với năm 2001; đóng góp trực tiếp ước đạt 6,8% GDP, cả gián tiếp và lan toả đạt 14% GDP. Hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch ngày càng phát triển.
Loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú và đa dạng. Chất lượng và tính chuyên nghiệp từng bước được nâng cao. Lực lượng doanh nghiệp du lịch lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tạo được một số thương hiệu có uy tín ở trong nước và quốc tế. Bước đầu hình thành một số địa bàn và khu du lịch trọng điểm.
Sự phát triển của ngành Du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.
Tuy nhiên, ngành Du lịch còn một số hạn chế, yếu kém. Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội. Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao. Chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch chưa cao. Môi trường du lịch, an toàn thực phẩm và an toàn giao thông còn nhiều bất cập.
Công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế về nguồn lực, sự phối hợp và tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao. Nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu vừa yếu. Doanh nghiệp du lịch chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; vốn, nhân lực và kinh nghiệm quản lý còn hạn chế. Vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém nêu trên là do các cấp, các ngành chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hoá và hội nhập quốc tế cao, mang nội dung văn hoá sâu sắc; thiếu chính sách quốc gia phù hợp để du lịch phát triển theo đúng tính chất của một ngành kinh tế vận hành theo quy luật thị trường.
Thể chế, chính sách phát triển du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, vẫn còn nặng tư tưởng bao cấp. Sự phối hợp liên ngành, liên vùng hiệu quả còn thấp; đầu tư còn dàn trải, chưa huy động được nhiều nguồn lực của xã hội cho phát triển du lịch. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chưa được quan tâm đúng mức…
Nghị quyết của Bộ Chính trị đã tạo ra tiền đề để phát triển du lịch nước nhà, thể hiện quyết tâm hiện thực hóa những mục tiêu phát triển du lịch đã đặt ra trước đó. Một tín hiệu vui của ngành du lịch Việt Nam cũng vừa được thể hiện qua những con số. Đó là năm 2016 Việt Nam đã đón du khách quốc tế thứ 10 triệu- một sự kiện đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp không khói nước nhà.
Theo Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2016 đạt 2 mốc kỷ lục. Đó là tổng số lượng khách nhiều nhất trong một năm (10 triệu lượt khách) và mức tăng tuyệt đối trong một năm nhiều nhất so với năm trước (trên 2 triệu lượt khách). Trong kế hoạch 2017, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 11,5 triệu lượt khách quốc tế, 66 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 460 ngàn tỷ đồng.
Nhưng trước những mục tiêu ngắn hạn, trung hạn cũng như dài hạn đã đặt ra với ngành du lịch, lâu nay vẫn còn đó những băn khoăn không nhỏ, rằng làm thế nào để du lịch phát triển thực sự bền vững chứ không phải là mức tăng “nóng” đạt cho được những mục tiêu và con số đã đặt ra.
Bởi trên thực tế, phát triển du lịch mang lại nguồn ngoại tệ, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, trong đó có những công việc không đòi hỏi trình độ học vấn hay trình độ chuyên môn cao và đa phần ở các vùng sâu, vùng xa nơi người lao động địa phương vốn rất khó tìm được việc làm. Nhưng mặt khác, quản lý hoạt động du lịch yếu kém sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.
Cũng theo các chuyên gia quốc tế, nguyên tắc cốt lõi của du lịch có trách nhiệm, du lịch bền vững là tạo môi trường sinh sống tốt cho người dân, đồng thời tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách. Nguyên tắc này chỉ được áp dụng thành công nếu mọi thành phần tham gia vào du lịch (Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và du khách) có nhận thức cao và đầy đủ về du lịch có trách nhiệm).
Trong khi năng lực cạnh tranh về điểm đến trong khu vực và quốc tế chưa được cao; công tác quản lý hoạt động này vẫn còn nhiều việc phải làm, từ quản lý hướng dẫn viên, quản lý kinh doanh các loại hình du lịch, quản lý cơ sở lưu trú …Việc quảng bá hình ảnh Việt Nam- dù đã nỗ lực, nhưng vẫn cần đầu tư nhiều hơn nữa.
Và yêu cầu quan trọng hơn cả là chừng nào người làm du lịch bỏ được thói quen chộp giật, không còn coi làm du lịch là cơ hội kinh doanh kiểu “ăn xổi ở thì”- thì phát triển du lịch Việt Nam mới có thể tăng trưởng bền vững, cũng như tạo ra thương hiệu gây sức hút.