Niềm tin thắp sáng
Năm Bính Thân, có thể coi là năm chống tham nhũng. Nghị quyết Trung ương 4-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được đón đợi thực sự đi vào cuộc sống. Xung quanh vấn đề này, ĐĐK ghi nhận nhiều ý kiến tích cực.
Quyết tâm, quyết liệt
PV: Các vị đánh giá thế nào về quyết tâm phòng chống tham nhũng của cả hệ thống chính trị trong thời gian qua?
PGS.TS Lê Quốc Lý (Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quyết tâm tiến hành cuộc chống tham nhũng, chỉ qua vụ xử lý Trịnh Xuân Thanh cũng đã thấy rõ điều đó. Nhiều cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cao cấp, nguyên Ủy viên Trung ương vi phạm đã có những hình thức kỷ luật tương xứng.
Tổng Bí thư đã nói “phải hành động, hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều”. Thực tiễn vừa qua cho thấy quyết tâm rất cao, rất rõ ràng và quyết liệt. Việc làm vừa qua của Tổng Bí thư, của Đảng rất hợp lòng dân, được đại đa số nhân dân hoan nghênh và ủng hộ chờ mong những kết quả tích cực tiếp tục nhiều hơn nữa, tốt hơn nữa.
Bà Võ Thị Dung (Phó Bí thư Thành ủy TP HCM): Đông đảo cán bộ, nhân dân rất đồng tình với quyết tâm chỉ đạo của Tổng Bí thư, và cho rằng quyết tâm đó sẽ làm chuyển biến được nhận thức hành động của cán bộ đảng viên trong việc đưa Nghị quyết Trung ương 4 vào cuộc sống. Tuy nhiên đây là vấn đề khó nhưng như Tổng Bí thư xác định “không thể không làm, khó nhưng phải kiên trì làm lâu dài”.
Ông Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam): Trong Hội nghị triển khai Nghị quyết Trung ương 4 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rất rõ phải làm bằng được để đưa Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII vào cuộc sống. Phương châm là “kiên quyết và kiên trì”. Trong chỉ đạo các vụ án lớn với phương châm kiên quyết, Ban Bí thư đứng đầu là Tổng Bí thư đã chỉ đạo rất sát sao các vụ án trọng điểm; qua đó chúng ta rút ra được kinh nghiệm, sơ hở trong đường lối của Đảng, và chính sách pháp luật của Nhà nước để bổ sung và ngăn ngừa.
Những thiếu sót, tiêu cực thoái hóa biến chất tích tụ sau 30 năm đổi mới không thể ngày một, ngày hai giải quyết được. Tổng Bí thư nhắc đi nhắc lại kiên quyết nhưng phải kiên trì, và với phương châm đó tôi thấy rằng nếu chúng ta làm kiên quyết trong một thời gian dài có thể ngăn chặn và tiến sang đẩy lùi những thoái hóa biến chất về chính trị, đạo đức, tư tưởng lối sống của cán bộ.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý
Ngay năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XII, Đảng đã ra đời Nghị quyết Trung ương 4-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Vậy làm sao để Nghị quyết Trung ương 4 đi vào cuộc sống? Chúng ta cần những giải pháp nào, thưa các quý vị?
PGS.TS Lê Quốc Lý: Bộ Chính trị đã đưa ra 15 nhóm giải pháp, tuy nhiên tôi cho rằng cần chú trọng vào việc phải nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên, đó là phải đẩy mạnh việc học tập lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là việc bắt buộc phải học, đồng thời, gắn với đó là tăng cường kiểm tra, nếu làm mà không kiểm tra coi như là không thực hiện. Vì trong quá trình thực hiện bao giờ cũng nảy sinh các tư tưởng chủ quan duy ý chí, quan liêu hoặc tham quyền cố vị gây ra sai sót nên phải có yếu tố để kiểm tra, giám sát.
Hiện nay ta giao cho quyền lực nhưng không kiểm soát được, chưa kiểm soát được quyền lực ấy. Đấu tranh trong nội bộ, trong Đảng cũng rất ít, người này nể người kia cho nên đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật dám đấu tranh, dám nói thẳng với nhau vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Siết chặt kỷ cương, xây dựng cơ chế giải trình giám sát, xây dựng quy định xử lý tập thể cá nhân suy thoái về tư tưởng đạo đức lối sống.
Phải phát huy vai trò của nhân dân nhưng nhân dân nhiều khi không có thông tin kỹ nên những tổ chức đại diện cho nhân dân phải thực sự vào cuộc, MTTQ Việt Nam phải vào cuộc mạnh mẽ. Chính sách muốn vào thực tế phải có cơ chế, thể chế rõ ràng. Ai có dấu hiệu sai phạm thì nên nghỉ để cho tổ chức điều tra, sau khi điều tra kết luận xong nếu không có sai phạm thì trở lại làm việc, còn khuyết điểm thì phải bị xử lý.
Bà Võ Thị Dung: Tinh thần như Tổng Bí thư đã nói là “phải làm gương”, ở trên làm tốt sẽ tạo sự lan tỏa trong cán bộ đảng viên ở cấp dưới, và tạo được niềm tin trong xã hội. Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống trong quá trình thực hiện, Trung ương cố gắng thông tin công khai minh bạch những vấn đề mà cán bộ đảng viên ở cấp dưới hay nhân dân chưa rõ.
Những vấn đề cá nhân đối với cán bộ cấp cao, hoặc cán bộ các cấp nhất là cán bộ cấp cao Trung ương cần được công khai những vấn đề mà cán bộ đảng viên nêu trong quá trình thực hiện. Khi làm, vừa kiểm tra vừa giám sát nhưng khi kiểm tra giám sát có trường hợp vi phạm thì phải cương quyết xử lý.
Kỳ này có cái khác với Trung ương 4 khóa XI ở chỗ trước kia là cảnh tỉnh răn đe, còn lần này Trung ương 4 khóa XII trong quá trình thực hiện nếu phát hiện vi phạm thì phải xem xét xử lý, sai phạm mức độ nào thì xử lý ở mức độ đó.
Phải làm kiên quyết và kịp thời thì sẽ tạo được niềm tin trong cán bộ đảng viên và nhân dân. Khi người dân có niềm tin thì người dân sẽ tham gia và sẽ góp sức với Đảng để thực hiện.
Ông Nguyễn Túc: Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là người đứng đầu- phải là gương sáng trong thực hiện Nghị quyết thì mới có sức lan tỏa. Trong thời gian qua quyền của người đứng đầu rất nhiều nhưng trách nhiệm của người đứng đầu mà Đảng giao cho thì chưa tương xứng với quyền. Đó là cái cần chú ý.
Để người đứng đầu có thể phát huy được tác dụng, vấn đề giám sát của Đảng và nhất là giám sát của nhân dân cần phải được triển khai mạnh mẽ hơn nữa chứ qua những vụ án thấy rằng giám sát của Đảng đối với cán bộ đảng viên, đặc biệt là đối với những người có chức, có quyền trong lĩnh vực kinh tế là chưa tương xứng, có thể nói là coi nhẹ.
Bên cạnh đó cần phát huy vai trò của người dân trong quá trình tham gia vừa giám sát. Như lời Bác Hồ nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Trân trọng cảm ơn quý vị!