Tư tưởng của Bác Hồ qua những bài viết đăng trên báo Cứu Quốc: Muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Cứu Quốc là tờ báo đầu tiên có vinh dự được đăng những bài báo của Bác Hồ. Nếu không kể bài “Kêu gọi quốc dân” có tính chất lời kêu gọi của Chính phủ đăng trên báo Cứu Quốc số 36, ngày 5/9/1945, thì bài đầu tiên của Bác đăng trên báo Cứu Quốc sau Cách mạng tháng Tám là bài: “Nhân dịp tuần lễ vàng” (Cứu Quốc số 45, ngày 17/9/1945).
Bác Hồ đọc báo Cứu Quốc.
Kể từ đó đến năm 1955, Bác Hồ đã viết và đăng trên Cứu Quốc khoảng 400 bài, với các bút danh ĐX, QT, QTH, Hồng Liên, HL, Lê Quyết Thắng… đặc biệt trong nhiều năm liền, Người viết chuyên mục “Chuyện gần xa” trên báo Cứu Quốc với bút danh “Ð.X”.”
Theo ông Nguyễn Viết Chức- người dành nhiều công nghiên cứu về báo Cứu Quốc, thì chỉ riêng trong khoảng 2 năm 1945 - 1946, số bài viết, lời kêu gọi, thư gửi, bài nói chuyện, bài trả lời phỏng vấn… của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu Quốc đã chiếm phần lớn số trang in trong tập 4 (1945-1946) của bộ Hồ Chí Minh toàn tập. Riêng số bài viết của Bác là khoảng 45 bài, còn nếu tính tất cả các thể loại tác phẩm, in dưới nhiều hình thức khác nhau thì gồm 161 bài.
Trong đó có những bài như “Sao cho được lòng dân” (Cứu Quốc số 65, ra ngày 12/10/1945) dưới bút danh Chiến Thắng, Bác Hồ đã viết: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Ở một câu khác, Người viết: “Muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân lên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”.
Có thể thấy tinh thần “Đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, đại thành công!” của Bác Hồ xuyên suốt trong những bài viết của Người đăng trên báo Cứu Quốc. Trong “Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” (Cứu Quốc số 69, ra ngày 17/10/1945), Người đã rất sớm chỉ ra những “căn bệnh” của cán bộ như kiêu ngạo, tư túng, chia rẽ, cậy quyền cậy thế... Người viết: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân…”
Thư gửi tới chiến sĩ tự vệ, các cháu thiếu nhi, thanh niên, phụ nữ, phụ lão, nông dân, tư sản… đăng trên báo Cứu Quốc của Bác Hồ thể hiện một khả năng vô bờ trong tập hợp đoàn kết dân chúng, quy tụ lòng người. Với đồng bào Nam Bộ, Người khẳng định niềm tin tuyệt đối đối với “lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ”, đó là niềm tin “nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân” (Cứu Quốc số 54, ngày 29/9/1945). Với đồng bào dân tộc thiểu số, Bác đã viết: không phân biệt trai gái, già trẻ, giàu nghèo, lương giáo, không phân biệt Mán, Mường, Mèo… cùng nhau hăng hái đứng lên phấn đấu để củng cố nền độc lập của nước nhà và xây dựng nền hạnh phúc tự do cho dân chúng” (Cứu Quốc số 71, ngày 19/10/1945). Trong thư gửi các phụ lão, Bác Hồ viết trên báo Cứu Quốc: “Thưa các cụ! Đây tôi lấy danh nghĩa là một người già mà nói chuyện với các cụ... Chúng ta già cả, không làm được công việc nặng nề, thì khua gậy đi trước, để khuyến khích cho bọn thanh niên và san sẻ những kinh nghiệm của chúng ta cho họ” (Cứu Quốc số 48, ngày 21/9/1945).
Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên báo Cứu Quốc.
Những cách thể hiện ngôn ngữ bậc thầy ấy đã có sức thuyết phục, hiệu triệu được tinh thần đoàn kết trong mọi giới, mọi miền, mọi lứa tuổi.
Trong điều kiện của người đứng đầu đất nước ở vào thời kỳ vận nước cực kỳ khó khăn, Bác Hồ vẫn bỏ công viết những bài báo đăng trên báo Cứu Quốc, đủ cho thấy Người coi trọng sự lan tỏa của tờ báo đến với quần chúng nhân dân. Báo Cứu Quốc cũng thật vinh dự được đăng những bài viết của Người mà phần lớn cho đến nay vẫn mang tính thời sự nóng hổi.
Cũng cho thấy vị trí đặc biệt, giá trị lịch sử của tờ báo Cứu Quốc trong lịch sử báo chí Cách mạng Việt Nam. Nếu được tập hợp lại một cách có hệ thống, được nghiên cứu sâu sắc và đầy đủ hơn nữa, nguồn tư liệu về những bài viết của Bác Hồ đăng trên báo Cứu Quốc sẽ có thể làm rõ thêm tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc, về thu phục người tài và đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, thấy rõ hơn những bước chuyển trong quá trình phát triển của Nhà nước dân tộc độc lập ở Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945.
Là tờ nhật báo lớn nhất nước suốt những năm giành độc lập và kháng chiến chống thực dân Pháp, Cứu Quốc có sứ mệnh đặc biệt, là nguồn tư liệu lịch sử chân thực và vô cùng quý giá về lịch sử nước nhà và về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một giai đoạn lịch sử cụ thể.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm báo Cứu Quốc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.