Học và làm theo Bác Hồ

Thái Duy 30/01/2017 09:05

Suốt 24 năm trên cương vị đứng đầu Nhà nước, đứng đầu một Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết không biết bao nhiêu vấn đề lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, văn hóa xã hội nhưng vấn đề Đảng cầm quyền bao giờ cũng là vấn đề được Người quan tâm nhiều nhất và có một sự chú ý đặc biệt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người đã sớm phát hiện những thói hư tật xấu nảy sinh trong không ít cán bộ, đảng viên, nhất là trong những người có chức có quyền, thấy rõ sự cám dỗ của quyền lực có thể làm con người hư hỏng, thoái hóa, biến chất rất nhanh chóng. Người đã chỉ ra hàng loạt những hiện tượng lợi dụng chức quyền, lạm dụng quyền lực, cậy quyền, cậy thế, hư hóa, chia rẽ, kiêu ngạo, địa vị, công thần… và tập trung vào ba căn bệnh chính là tham ô, lãng phí, quan liêu, đó là những “giặc nội xâm” bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân mà ra.

Hồ Chủ tịch, đã gọi tham ô, lãng phí, quan liêu là “giặc nội xâm”từ rất sớm. Tại hội nghị phát động, phong trào sản xuất và tiết kiệm, họp tại Việt Bắc ngày 17/3/1952, Người đã nói: “Nhiệm vụ của quần chúng là phải hăng hái tham gia phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Chiến sĩ xuất công, nhân dân xuất của để đánh giặc cứu nước. Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống “giặc nội xâm” như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”. (Hồ Chí Minh toàn tập- Tập 6- trang 495).

Ngoại xâm và nội xâm đều là giặc nhưng “giặc ở trong lòng” nguy hiểm hơn. Một số đại biểu dự hội nghị băn khoăn, thắc mắc, tham ô, lãng phí tội mới nặng, chẳng lẽ quan liêu cũng gọi là “nội xâm”. Hồ Chủ tịch đã trả lời: “Những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ, tham ô, lãng phí. Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy, muốn trừ nạn tham ô, lãng phí thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu” (trang 490).

Quan liêu tội rất nặng, như Lenin đã nhận xét: “Nguy cơ lớn nhất của Đảng cầm quyền là bệnh quan liêu. Nếu có gì dẫn đến đổ vỡ chính là tại cái đó”.

Lenin đã khẳng định, kẻ thù bên ngoài không thể tiêu diệt đảng cộng sản, chỉ có những đảng viên cộng sản quan liêu đã làm cho chính quyền của dân rơi vào tay bọn biến chất, hư hỏng, tham quan ô lại. Quan liêu, quyền cao chức trọng đến đâu dân cũng biết. Hồ Chủ tịch đã nói: “Làm được đến đâu, làm nhiều hay ít, có làm hay không, đạo đức thật hay đạo đức giả, điều đó tùy thuộc ở mỗi người. Không ai có thể che giấu được quần chúng mãi và chính quần chúng nhân dân sẽ đánh giá đúng đắn, công bằng nhất. Trước mắt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Tư tưởng ấy của Người mãi mãi có ý nghĩa to lớn đối với việc tu dưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên”. (Về Đảng Cộng sản Việt Nam- Hồ Chí Minh- Tập 1- trang 29).

Hồ Chủ tịch coi người cán bộ Nhà nước cũng là người cán bộ dân vận, không phải có sự phân công triệt để, Nhà nước chỉ cần làm những chuyện về pháp luật, còn mọi chuyện vận động quần chúng thì giao cho Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Người cán bộ Nhà nước là người sống trong dân, tâm tình với dân, nói những câu chuyện “từ miệng sang tai”, một người nói với một người chứ không phải chỉ lên diễn đàn, tập hợp dân hàng trăm, hàng nghìn người, dùng phương tiện tăng âm hiện đại để đọc diễn văn.

Bám cơ sở, gần dân, nghe dân không chỉ để nâng cao dân trí. Còn quan trọng không kém, để nâng cao phẩm chất và năng lực lãnh đạo các cấp vì với Hồ Chủ tịch, nguồn trí tuệ của Nhà nước là dân. Một nhà nước biết lắng nghe và học hỏi dân sẽ thấy dân không chỉ nói lên điều mình mong muốn mà còn làm sáng tỏ trí tuệ của lãnh đạo, gợi ý hoặc chỉ ra rằng cần luật lệ gì và luật ấy phải có nội dung như thế nào?

Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận về nhà nước và quản lý Nhà nước” phát hành năm 1995 là tài liệu học tập tại các trường lớp đào tạo cán bộ nhà nước nhằm cải cách và xây dựng một nền hành chính trong sạch, sử dụng đúng quyền lực để quản lý có hiệu lực công việc Nhà nước, xây dựng một nếp sống và làm việc theo pháp luật trong xã hội. Cuốn sách đã lưu ý các học viên lời căn dặn cực kỳ quan trọng của Hồ Chủ tịch: “Sự dân vận sâu sát từng người là rất quan trọng trong phương thức hoạt động của Nhà nước” (trang 47). Tiếp theo là nhận xét của các tác giả cuốn sách: “Bây giờ người ta không làm như thế nữa hoặc rất ít làm”.

Thời tập trung quan liêu bao cấp họp nhiều, có lãnh đạo địa phương hoặc bộ, ngành chỉ đi họp quanh năm cũng không “tiêu thụ” hết giấy mời họp. Sau Đổi mới, họp nhiều không giảm, đã thành nếp quen, lãnh đạo chức vụ càng cao không còn hoặc rất hiếm đi cơ sở gặp dân, nghe dân. Họp nhiều gắn liền với bệnh thành tích.

Tại các hội nghị, đại hội, bệnh thành tích phát huy tối đa “thế mạnh” của các báo cáo tô hồng, phóng đại thành tích. Họp triền miên, ở Trung ương đã họp, về làm việc ở các địa phương cũng chỉ họp, cán bộ lại gặp cán bộ, cán bộ lại nghe cán bộ. Đại biểu Quốc hội tiếp xúc với cử tri, truyền hình tại chỗ, thấy cử tri phần lớn không là dân mà là cán bộ về hưu hoặc tại chức. Mọi cuộc họp, lớn hoặc nhỏ, nhiều khi cán bộ không nói hết, còn phải đắn đo, cân nhắc lợi và hại. Kể cả tại Quốc hội. Ngày 23/3/2016, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, thảo luận các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm- Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, đại biểu Quốc hội TP.HCM đã nói: “Tôi biết nhiều đại biểu không dám nói hết điều muốn nói vì phải suy nghĩ được gì, mất gì. Nếu đại biểu nói mạnh, nói đúng với thực tiễn sẽ đụng chạm ảnh hưởng đến địa phương”.

Bà Tâm nêu một trong những nguyên nhân của tình trạng “không dám nói hết”. Qua báo chí, nhiều bạn đọc thông cảm với ý kiến trên đây của bà. Các cuộc họp không có tiếng dân, chỉ có cán bộ nói. Cán bộ, đảng viên có trên, có dưới, cấp có quyền lực và cấp thừa hành. Cấp dưới e dè cấp trên, phát biểu mà sợ bị mất lòng cũng là chuyện bình thường, nhất là khi mọi cán bộ đều biết rõ nhà nước ta vẫn tồn tại cơ chế xin-cho. Nắm bắt tình hình mọi mặt chủ yếu qua các cuộc họp không thể đảm bảo chính xác, đầy đủ.

Thực tế cuộc sống chỉ được phản ánh có mức độ, sự thật đã bị cắt xén, đẽo gọt, thêm bớt sao cho vừa lòng nhau. Cần thấy họp nhiều càng quan liêu để kiên quyết họp ít, cần thiết mới họp, dành nhiều thời gian về cơ sở nghe tiếng dân trực tiếp từ công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân… Không chỉ trò chuyện mà còn tâm tình với dân, “một người với một người”, dân mới thổ lộ nỗi lòng với cán bộ mà họ đã rất tin. Phải có lúc, riêng rẽ và gần gũi đến như thế, “từ miệng sang tai”, cán bộ, quan chức nhà nước mới có thể được nghe những chuyện “không dám nói hết” ở các cuộc họp. Mọi tiêu cực trong bộ máy Nhà nước dù rất tinh vi, rất “kín tiếng” trong các hội nghị, các đại hội nhưng không thể che giấu nghìn mắt, nghìn tai của các tầng lớp nhân dân.

Học và làm theo Bác Hồ, dân vận là hoạt động không thể thiếu của lãnh đạo Nhà nước các cấp, phải kết hợp chặt chẽ với vận động quần chúng mới thực sự được nghe Tiếng dân. Lãnh đạo Nhà nước các cấp cần hạn chế đến mức thấp nhất các chuyến công tác về địa phương, về cơ sở có đón, có đưa, có khẩu hiệu “Nhiệt liệt chào mừng đồng chí…”, có chiêu đãi, cơm bưng nước rót… Lãnh đạo Nhà nước các cấp về với dân phải sống trong dân, sống như dân mới có thể dân vận, dân mới tin, những người lao động chân tay và lao động trí óc mới nói mọi sự thật, lãnh đạo mới có thể mặt giáp mặt, tận mắt thấy sự thật trần trụi vốn có của nó.

Làm được đến đâu, làm nhiều hay ít, có làm hay không, đạo đức thật hay đạo đức giả, điều đó tùy thuộc ở mỗi người. Không ai có thể che giấu được quần chúng mãi và chính quần chúng nhân dân sẽ đánh giá đúng đắn, công bằng nhất. Trước mắt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Tư tưởng ấy của Người mãi mãi có ý nghĩa to lớn đối với việc tu dưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên”

“Về Đảng Cộng sản Việt Nam”- Hồ Chí Minh- Tập 1- trang 29

Thái Duy