Một Chủ nhiệm kiêm Chủ bút

Nguyễn Túc Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ  Việt Nam 25/01/2017 14:05

Viết về Xuân Thủy là viết về một nhà lãnh đạo tài năng, đức độ và uy tín của cách mạng Việt Nam.

Xem báo Cứu Quốc mới in xong tại đèo Bụt (Bắc Giang – 1948).
Người ngồi giữa quàng khăn là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Xuân Thủy .

Trong hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng của mình, như Tổng Bí thư Trường Chinh đã nhận định: Ngoài báo Cứu Quốc “Anh Xuân Thủy còn được Đảng trao, cùng một số đồng chí khác, phụ trách nhiều công tác quan trọng: Công tác Mặt trận , công tác đối ngoại, công tác Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Trên tất cả các mặt công tác, anh đều có những cống hiến xuất sắc” và để lại những dấu ấn không thể phai mờ.

Trong bài báo này, tôi muốn viết riêng về sự đóng góp của ông trên lĩnh vực báo chí, đặc biệt là với báo Cứu Quốc, tờ báo mà ông làm Chủ nhiệm- Kiêm Chủ bút lâu năm nhất nhân dịp kỷ niệm 75 năm tờ báo ra đời.

Tôi may mắn được gặp ông lần đầu tiên vào khoảng tháng 10/1970 khi ông từ Hội nghị Paris trở về và đến thăm đồng chí Hoàng Quốc Việt.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên đó đã để lại trong tôi những tình cảm đẹp về một nhà ngoại giao tài năng và lịch lãm.

Không ngờ, 3 năm sau lần gặp gỡ đầu tiên đó, hoàn thành nhiệm vụ Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ ta tại Hội nghị Paris, ông được Trung ương phân công làm Bí thư Trung ương Đảng kiêm Trưởng ban Dân vận Mặt trận Trung ương , rồi Bí thư Đảng đoàn Mặt trận, tôi có cơ may là được làm việc dưới sự lãnh đạo và dìu dắt của ông cho tận đến giờ phút ông ra đi. Do vậy, tôi ít nhiều hiểu được về cuộc đời và sự nghiệp người Thủ trưởng của mình.

Xuân Thủy tham gia làng báo khá sớm. Ông bắt đầu viết từ những năm đầu của thập niên 30 thế kỷ 20 và đăng trên nhiều tờ báo ở Hà Nội.

Trong những năm bị giam cầm tại nhà tù Sơn La (1938-1944) ông được chi bộ phân công làm Chủ bút tờ Suối Reo nhằm đoàn kết và động viên các đồng chí của mình đấu tranh chống chế độ hà khắc của kẻ thù.

Ra tù, Xuân Thủy được Đảng phân công phụ trách báo Cứu Quốc – cơ quan của Tổng bộ Việt Minh, một trong những tờ báo bí mật phổ biến nhất lúc bấy giờ. Nhiệm vụ chủ yếu của tờ báo lúc này là: Đăng tải Tuyên ngôn, Chương trình, Điều lệ và các chính sách của Tổng bộ Việt Minh; tuyên truyền để nhân dân hiểu và đi theo Việt Minh với yêu cầu: “Muốn cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi, Việt Minh phải liên hiệp hết thẩy các tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, đảng phái xu hướng chính trị, giai cấp; tất cả đoàn kết lại để đánh đuổi Pháp - Nhật giành độc lập cho xứ sở…”

Tờ báo đã có tác dụng góp phần thức tỉnh tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân, hăng hái tham gia Việt Minh, đưa phong trào Việt Minh phát triển nhanh chóng và rộng khắp ra toàn quốc.

Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền non trẻ của nhân dân ta đứng trước những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua nổi. Nạn đói đe dọa sinh mạng của hàng triệu đồng bào. Quân Anh được phái vào tước vũ khí của quân Nhật ở miền Nam. Ở miền Bắc, 18 vạn quân Quốc dân Đảng Trung Hoa kéo vào đem theo bọn phản cách mạng Việt Nam có vũ trang nhằm thực hiện âm mưu đen tối là “Tiêu diệt Đảng Cộng sản”, “phá tan Việt Minh”.

Cuộc đấu tranh chính trị diễn ra gay gắt. Báo Cứu Quốc mà Xuân Thủy làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, lúc bấy giờ là tờ báo hàng ngày duy nhất của cách mạng. Cứu Quốc không chỉ là tờ báo hàng ngày của Mặt trận, mà còn làm nhiệm vụ lịch sử là cơ quan ngôn luận hàng ngày của Đảng và Chính phủ. Báo Cứu Quốc đã tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chính trị để bảo vệ chính quyền cách mạng, làm thất bại mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các đoàn thể cứu quốc, tham gia Mặt trận Việt Minh, tham gia chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, chuẩn bị tinh thần và vật chất cho cuộc kháng chiến toàn quốc.

Số báo Cứu Quốc năm 1945. (Ảnh: Dũng Choai).

Suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ đầy hy sinh gian khổ (1946-1954) Báo Cứu Quốc mà Xuân Thủy làm Chủ nhiệm, kiêm Chủ bút một thời gian dài vẫn là tờ báo hàng ngày duy nhất của cách mạng, mang tiếng nói của Mặt trận, Đảng, Chính phủ và của Bác Hồ đến với chiến sĩ, đồng bào cả nước.

Theo sáng kiến của đồng chí Xuân Thủy- báo Cứu Quốc không chỉ xuất bản ở Trung ương, mà còn có chi nhánh ở khắp các khu và Liên khu kháng chiến. Báo tập hợp quanh mình nhiều nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà khoa học nổi tiếng nhất của đất nước thời đó.

Không chỉ có báo Cứu Quốc xuất bản hàng ngày mà còn có tạp chí Cứu Quốc xuất bản hàng tháng đề cập đến những vấn đề chính trị, xã hội, văn học, khoa học… Cùng với báo Cứu Quốc là Nhà xuất bản Cứu Quốc đã cho ra đời nhiều tác phẩm văn học có giá trị.

Đánh giá về công lao của báo Cứu Quốc mà Xuân Thủy là người đại diện tiêu biểu nhất, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh viết trong thư gửi tới buổi họp mặt nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày sinh của đồng chí Xuân Thủy:

“Chỉ riêng việc ra báo đều đặn suốt gần 3.000 ngày (ba nghìn) trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, gian khổ, thiếu thốn, cũng có thể nói, đó là một kỳ tích của nhân dân ta. Báo Cứu Quốc là niềm tự hào của báo Đại Đoàn Kết ngày nay và cũng là niềm tự hào chung của báo chí nước ta”.

Với tư cách là Chủ nhiệm báo, trong nhiều năm kiêm cả Chủ bút, Xuân Thủy không chỉ làm công tác lãnh đạo, quản lý mà còn là cây bút chủ lực. Ông viết rất nhiều, rất nhanh, đặc biệt là những vấn đề mang tính thời sự.

Xuân Thủy là người có công lớn trong việc đào tạo lớp nhà báo đầu tiên cho chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với cương vị người phụ trách tờ báo của Tổng bộ Việt Minh, tờ báo quan trọng hàng đầu của những năm kháng chiến chống Pháp, Xuân Thủy là người tổ chức chính của lớp đào tạo cán bộ viết báo mang tên nhà báo yêu nước Huỳnh Thúc Kháng (1949) và được đánh giá như trường dạy viết báo đầu tiên ở nước ta.

Là Trưởng ban tuyên truyền của Tổng bộ Việt minh, đồng thời là Ủy viên Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ, phụ trách thông tin, tuyên truyền, báo chí, Xuân Thủy đã có công lớn trong việc chỉ đạo thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam. Ông cũng là người khởi xướng và chỉ đạo thành lập Đoàn báo chí Việt Nam (1945), Đoàn báo chí (1947) và Hội những người viết báo Việt Nam (1950) nay là Hội Nhà báo Việt Nam.

Xuân Thủy là nhà báo Việt Nam đầu tiên tham gia Ban Chấp hành Tổ chức quốc tế các nhà báo và cũng là nhà báo Việt Nam đầu tiên nhận phần thưởng cao quý của Tổ chức quốc tế các nhà báo.

Tại lễ kỷ niệm 85 năm ngày sinh đồng chí Xuân Thủy do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức, phát biểu của đại diện Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định:

“Đối với Hội Nhà báo Việt Nam, từ trước đến nay đồng chí Xuân Thủy không chỉ là người sáng lập, vị Chủ tịch đầu tiên của Hội mà mãi mãi là người thầy, người bạn, người anh em gần gũi và thân thiết”.

Xuân Thủy là người có công lớn trong việc đào tạo lớp nhà báo đầu tiên cho chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với cương vị người phụ trách tờ báo của Tổng bộ Việt Minh, tờ báo quan trọng hàng đầu của những năm kháng chiến chống Pháp, Xuân Thủy là người tổ chức chính của lớp đào tạo cán bộ viết báo mang tên nhà báo yêu nước Huỳnh Thúc Kháng (1949) và được đánh giá như trường dạy viết báo đầu tiên ở nước ta.

Nguyễn Túc Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ  Việt Nam