Giải pháp khó khả thi

Lê Anh Đức 20/01/2017 11:15

Công an TP Hà Nội mới đây đưa ra đề xuất quy định: Buộc các chủ xe ô tô phải mở tài khoản ngân hàng để phục vụ cho việc xử phạt vi phạm giao thông. Xét về góc độ lý thuyết thì giải pháp này hoàn toàn văn minh, tiện lợi cho cả CSGT và người vi phạm nên nhiều nước đã áp dụng từ lâu. Song, thực tế tại Việt Nam hiện nay chưa có sự quản lý đồng bộ thì việc yêu cầu chủ xe ô tô mở tài khoản được cho là khó khả thi.

Lý do đưa ra đề xuất trên là hiện nay dù việc xử phạt vi phạm giao thông qua camera đang đạt hiệu quả cao, song cơ quan quản lý vẫn gặp không ít khó khăn do nhiều xe chưa sang tên đổi chủ. Vì thế, việc đề xuất buộc các chủ xe ô tô mở tài khoản ngân hàng để cưỡng chế vi phạm.

Theo một số luật sư, việc “ốp” chủ xe ô tô khi đi đăng ký phải có tài khoản ngân hàng nếu không thận trọng sẽ là vi hiến, bởi Hiến pháp quy định mọi người đều có quyền sở hữu tài sản, không thể áp đặt điều kiện. Lẽ nào khi chủ xe ô tô không chịu mở tài khoản ngân hàng thì họ sẽ không được đăng ký quyền sở hữu tài sản hợp pháp của mình? Còn nhớ cách đây gần chục năm, để giảm tải mật độ giao thông, Hà Nội cũng đã áp dụng chính sách chỉ cho mỗi người đăng ký 1 xe máy. Tuy nhiên sau đó trước ý kiến của dư luận và các đại biểu Quốc hội nên đã phải bãi bỏ quy định này.

Thôi thì khoan bàn đến việc quy định trên có vi hiến hay không, mà chỉ xem quy định đó liệu có phù hợp với thực tiễn và được dư luận xã hội đồng thuận. Về vấn đề này, nhiều lái xe và chủ doanh nghiệp vận tải tỏ ra hết sức băn khoăn rằng: Quy định xe đăng ký mới phải mở tài khoản ngân hàng, vậy những xe đã đăng ký và hiện đang lưu hành thì có cách gì để buộc họ đi mở tài khoản ngân hàng? Và nếu chỉ có một số chủ xe ôtô mở tài khoản bị khấu trừ khi vi phạm giao thông, còn nhiều người khác không mở tài khoản thì lấy gì để chế tài họ trong trường hợp “phạt nguội”?

Việc yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng mới được đăng ký xe ô tô phải chăng đã tạo ra thêm một “giấy phép con” gây phiền hà cho người dân. Thủ tướng Chính phủ đang quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, gỡ bỏ mọi rào cản đối với doanh nghiệp, hạn chế tối đa các thủ tục hành chính để giảm thiểu sự nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức đối với người dân, thì việc “đẻ” thêm “giấy phép con” phải chăng là đi ngược lại chủ trương đó.

Còn nữa, ngay cả khi tất cả các chủ xe ô tô đều tuân thủ nghiêm túc việc mở tài khoản ngân hàng thì cũng chưa chắc đã có thể thực hiện được suôn sẻ việc “phạt nguội”. Điều này là hết sức dễ hiểu, bởi lẽ nếu quy định phải có tài khoản ngân hàng mới cho đăng ký xe ô tô thì người dân sẽ làm theo hình thức đối phó - nghĩa là họ vẫn mở tài khoản nhưng rỗng không thì lấy gì mà khấu trừ khi vi phạm giao thông?! Còn nếu lại thêm quy định cứng nữa là mở tài khoản ngân hàng nhưng tối thiểu phải có một khoản tiền là bao nhiêu để đảm bảo “thi hành án”, thì lại vướng vào một vấn đề khác.

Cụ thể, theo quy định của Nghị định 46, mức xử phạt lỗi vi phạm giao thông nặng nhất lên tới 20 triệu đồng. Vậy chí ít trong tài khoản của chủ xe ô tô ít ra cũng phải có khoản tiền tương ứng. Đối với “đại gia” thì 20 triệu chẳng bõ bèn gì, song đối với đại đa số người dân hiện nay thì số tiền đó quả thật không nhỏ và không dễ có.

Đó là mới bàn đến điều kiện của một hộ gia đình, một cá nhân đơn lẻ. Vậy nếu một doanh nghiệp vận tải có tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn đầu xe thì họ sẽ phải mở bao nhiêu tài khoản, cứ lấy số tài khoản đó nhân với mức tối thiểu 20 triệu đồng thì số tiền mà doanh nghiệp phải “để dành” chờ bị phạt thật sự quá lớn, ảnh hưởng tới dòng vốn doanh nghiệp. Còn nếu quy định, kể cả có bao nhiêu đầu xe cũng chỉ cần mở một tài khoản ngân hàng thì số tiền mà doanh nghiệp phải luôn có sẵn trong đó ấn định là bao nhiêu? Nhiều quá thì doanh nghiệp chịu không thấu, còn nếu ít quá thì lại không đủ để CSGT khấu trừ khi họ vi phạm giao thông.

Có ý kiến cho rằng quy định buộc chủ xe ô tô mở tài khoản ngân hàng sẽ hạn chế tiêu cực mãi lộ trong đội ngũ CSGT. Lý do này hoàn toàn không thỏa đáng. Bởi lẽ, trong trường hợp “phạt nguội”, dù có tài khoản ngân hàng để trừ, hay dùng tiền mặt thì cũng là đi nộp ở kho bạc không liên quan gì đến chuyện đưa nhận hối lộ. Còn trong trường hợp phạt tại chỗ, thay vì phải mang tiền đến kho bạc nộp phạt thì người vi phạm nộp số tiền ít hơn cho lực lượng CSGT để được đi ngay, vậy có lý do gì khi có tài khoản ngân hàng họ sẽ không làm như vậy

Đương nhiên nói như vậy không đồng nghĩa với việc phủ nhận đề xuất này. Việc mỗi chủ xe ô tô có một tài khoản ngân hàng là hết sức văn minh, tiến bộ, không chỉ thuận lợi cho lực lượng CSGT trong việc xử lý vi phạm, mà còn khá tiện lợi cho người vi phạm khi nộp phạt. Song, trong điều kiện chưa đồng bộ trong các khâu quản lý như Việt Nam hiện nay thì chưa thể áp dụng được giải pháp hữu ích này.

Lê Anh Đức