Lễ khai bút đầu xuân ở đền Chu Văn An
Hằng năm, cứ vào dịp đầu xuân tại đền thờ thầy giáo Chu Văn An, Ban Quản lý Di tích (BQL) thị xã Chí Linh (tỉnh Hải Dương) lại tổ chức lễ khai bút đầu xuân với sự tham dự của hàng nghìn người là cán bộ, công chức, giáo viên, học sinh và du khách thập phương. Đây là nét văn hóa độc đáo, nhằm tôn vinh đạo học, tôn sư trọng đạo, tưởng nhớ công đức của người thầy muôn đời, nhà giáo Chu Văn An.
Lễ khai bút đầu xuân Bính Thân.
Những ngày này, tại đền thờ thầy giáo Chu Văn An cán bộ, nhân viên BQL Di tích thị xã (TX) Chí Linh đang tích cực chuẩn bị cho buổi lễ khai bút đầu Xuân Đinh Dậu năm 2017. Đây là năm thứ 9, lễ khai bút đầu xuân được tổ chức và trở thành hoạt động không thể thiếu trong dịp đầu xuân
Tìm hiểu về tục khai bút đầu xuân tại đền Chu Văn An, chúng tôi được biết tục này xuất phát từ thời Trần, gắn với hình ảnh cuộc đời thầy giáo Chu Văn An. Nhất là từ khi thầy cáo quan về ở ẩn tại Chí Linh. Thầy mở lớp dạy học cho con em nhân dân trong vùng. Học trò đến xin học rất đông. Nhiều học trò của thầy Chu đã đỗ đạt, hiển vinh. Người dân trong vùng rất tôn kính thầy.
Tương truyền, trước đây cứ vào dịp Tết, nhiều học trò, người dân trong vùng đến thăm hỏi, chúc Tết thầy giáo Chu Văn An. Thầy rất quan tâm hỏi han hoàn cảnh, cuộc sống của từng học trò và người dân. Thầy ân cần hỏi thăm tâm tư, công việc, nguyện vọng, cuộc sống của từng người. Đồng thời chỉ bảo, động viên để học trò, người dân đó cố gắng vươn lên trong cuộc sống.
Khi khách ra về, thầy giáo Chu Văn An tự tay viết tặng mỗi người một chữ, thường chữ đó mang tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của người được cho chữ. Bức chữ được viết bằng màu son, khiến ai cũng hào hứng, phấn khởi. Người được thầy tặng chữ, kính cẩn, trân trọng nâng niu coi bức chữ của thầy như là một vật quý báu trong gia đình. Bức chữ đó, được treo ở một vị trí trang trọng nhất trong nhà để ngắm, chiêm nghiệm.
Ông Hoàng Dũng- Phó Trưởng Ban Quản lý Di tích TX Chí Linh cho biết: “Điều đặc biệt trong lễ khai bút và xin chữ ở đền thầy là chúng tôi vẫn duy trì việc viết chữ có màu son đỏ, chứ không viết chữ bằng mực Tàu đen như các nơi khác thường làm. Bởi ngày xưa ở đây có giếng son, dưới đáy giếng có lớp bùn son, màu đỏ tươi, thầy Chu hay dùng để viết chữ. Chúng tôi duy trì việc viết chữ bằng màu son đỏ để tướng nhớ thầy”.
Theo thầy Hùng- một giáo viên đang công tác tại một trường học trên địa bàn TX Chí Linh, “việc tổ chức lễ khai bút đầu xuân là hoạt động rất có ý nghĩa, trước hết đây là một hoạt động văn hóa, thể hiện sự hiếu học, tôn sư trọng đạo của người Việt. Nhất là hoạt động này lại diễn ra ở nơi thờ “người thầy của muôn đời”. Thông qua việc này nhằm giáo dục cho mọi người, đặc biệt là các em học sinh biết coi trọng, ý thức, nỗ lực trong học tập để đạt thành tích cao”.
Trưởng Ban Quản lý Di tích thị xã Chí Linh Nguyễn Minh Thắng cho biết: Lễ hội khai bút Xuân Đinh Dậu năm 2017 tổ chức vào ngày 8/1 (âm lịch), muộn hơn 2 ngày so với những năm trước đây. Lễ khai bút Xuân Đinh Dậu, ngoài các hoạt động như: Lễ dâng hương, lễ cáo yết, lễ rước bộ, lễ khai bút, còn tổ chức triển lãm lịch sử truyền thống khoa bảng và các di tích nho học trên đất Hải Dương; triển lãm các tác phẩm thư pháp chữ Hán, chữ Quốc ngữ với chủ đề “Tôn sư trọng đạo”…